Giá vàng thế giới có thể vượt ngưỡng 2.700 USD/ounce vào cuối tuần này
Trong phiên giao dịch 24/9, giá vàng thế giới tăng 1% và chạm mức cao kỷ lục khi căng thẳng ở Trung Đông làm gia tăng sức hút của kim loại này như một nơi trú ẩn an toàn.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng nắm bắt những tín hiệu mới về khả năng cắt giảm lãi suất của Mỹ.
Cụ thể, giá vàng giao ngay tăng 1,1% lên 2.656,38 USD/ounce, sau khi có lúc chạm mức cao kỷ lục 2.654,96 USD/ounce. Giá vàng giao dịch kỳ hạn tại Mỹ tăng 1% lên 2.680,00 USD/ounce.
Từ đầu năm đến nay, giá vàng đã tăng 28%, khi lo ngại xung đột lan rộng tại Trung Đông gia tăng. Chiến lược gia Bob Haberkorn tại công ty môi giới RJO Futures, nhận định nhu cầu tìm nơi trú ẩn an toàn do lo ngại về Trung Đông là nhân tố hỗ trợ đà tăng cho giá vàng. Nếu tình hình căng thẳng tiếp tục leo thang, giá kim loại quý này có thể tiếp tục lập kỷ lục mới.
Ông Haberkorn dự báo giá vàng có thể vượt ngưỡng 2.700 USD/ounce vào cuối tuần này, nếu tình trạng xung đột ở Trung Đông diễn biến nghiêm trọng hơn nữa và những cuộc thảo luận về việc cắt giảm lãi suất tục tiếp diễn ra.
Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ cũng tạo thuận lợi cho vàng lên giá. Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago, ông Austan Goolsbee, dự kiến sẽ có thêm nhiều đợt cắt giảm trong năm tới. Đây là thông tin có lợi cho giá vàng.
Hiện các nhà giao dịch đang chờ đợi các phát biểu của Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell, dữ liệu lạm phát của Mỹ vào cuối tuần này, cũng như các diễn biến tại Trung Quốc, thị trường tiêu thụ vàng hàng đầu. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) đã công bố gói kích thích kinh tế lớn nhất kể từ khi bùng phát đại dịch COVID-19.
Các ngân hàng lớn dự báo vàng sẽ tiếp tục chuỗi tăng giá kỷ lục trong năm 2025 nhờ dòng tiền đầu tư quay trở lại các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) và kỳ vọng các ngân hàng trung ương lớn tiếp tục cắt giảm lãi suất.
Tại Việt Nam, vào đầu giờ sáng 25/9, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 81,50 - 83,50 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).