Giá vàng rơi tự do, 'bốc hơi' 6 triệu đồng/lượng
Giá vàng trong nước điều chỉnh mạnh trong ngày cuối tuần 19/4, trong đó vàng miếng SJC tại các doanh nghiệp lùi về ngưỡng 114 triệu đồng, giảm tới 6 triệu đồng/lượng, còn vàng nhẫn cũng đi xuống...

Sau chuỗi ngày tăng nóng, thị trường vàng trong nước chứng kiến một cú rơi mạnh. Tính đến chiều ngày 19/4, tại các thương hiệu lớn như SJC, Bảo Tín Minh Châu và DOJI, giá vàng miếng lao dốc về mức 112 – 114 triệu đồng/lượng, giảm tới 3,5 triệu đồng chỉ trong vài giờ so với đầu phiên sáng, và mất tổng cộng 6 triệu đồng so với đỉnh lập hôm qua.
Vàng nhẫn cũng không nằm ngoài xu hướng điều chỉnh mạnh. Tại Bảo Tín Minh Châu, giá mua vào giảm mạnh còn 111 triệu đồng/lượng – tức giảm gần 6 triệu đồng so với mức đỉnh của ngày trước đó. Giá bán ra cũng lùi về mức 114 triệu đồng/lượng, hạ 5,5 triệu đồng.

Không chỉ Bảo Tín Minh Châu, các doanh nghiệp khác như PNJ, SJC hay DOJI cũng đồng loạt giảm giá vàng nhẫn. Hiện mức mua vào tại các thương hiệu này phổ biến trong khoảng 109,3 – 109,5 triệu đồng/lượng, trong khi giá bán ra dao động từ 112,6 – 113,6 triệu đồng/lượng. Tính riêng trong ngày, giá vàng nhẫn đã mất trung bình khoảng 3 triệu đồng/lượng, riêng DOJI điều chỉnh mạnh nhất với mức giảm giá bán ra lên đến 5 triệu đồng mỗi lượng so với đầu ngày.
Đợt sụt giảm mạnh này diễn ra sau nhiều tuần liên tiếp giá vàng "leo dốc không nghỉ". Từ mức 98 triệu đồng/lượng, vàng miếng từng chạm đỉnh 122,5 triệu đồng, còn vàng nhẫn vọt lên tới 120 triệu đồng/lượng – thiết lập những mốc kỷ lục mới trên thị trường.
Giá vàng quay đầu giảm sốc trong bối cảnh Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc về diễn biến giá vàng trong nước.
Cụ thể, xét báo cáo nhanh của Văn phòng Chính phủ về tình hình diễn biến giá vàng trong nước ngày 18/4, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp các cơ quan theo dõi sát tình hình và diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ, ngoại hối, thị trường vàng trong nước và quốc tế.
"Chủ động thực hiện ngay các biện pháp thông tin truyền thông để ổn định tâm lý xã hội. Tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định, không để xảy ra việc trục lợi, thao túng, làm giá, đầu cơ... trên thị trường vàng", văn bản này nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, khả năng trong những ngày tới giá vàng trong nước còn giảm thêm khi cơ quan quản lý đẩy mạnh các biện pháp thanh kiểm tra thị trường vàng.
Thị trường vàng cũng đã từng ghi nhận hiện tượng giảm mạnh sau chuỗi ngày tăng liên tục. Vào đầu tháng 4/2024, giá vàng trong nước cũng liên tục tăng sốc. Ngay sau đó, Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước kiểm tra, thanh tra, và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, đầu cơ và thao túng giá vàng. Kết quả, giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn đồng loạt lao dốc mạnh những ngày sau đó.
Trước đó, khi giá vàng lập kỷ lục đắt nhất mọi thời đại là 120 triệu đồng/lượng, các chuyên gia đều cảnh báo có thể sắp có diễn biến đảo chiều, người mua cần thận trọng.
“Không có tài sản nào tăng mãi mà không có điều chỉnh. Nhà đầu tư cần giữ tâm lý tỉnh táo, thận trọng, tránh lao vào thị trường vàng theo cảm xúc, chạy theo đám đông. Thay vào đó nên đa dạng hóa danh mục đầu tư, tập trung vào các lĩnh vực mang lại giá trị dài hạn và bền vững. Bởi việc đầu tư mua vàng ở vùng đỉnh có nguy cơ thua lỗ lớn trong trường hợp thị trường đảo chiều”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.
Tương tự, ông Nguyễn Quang Huy - chuyên gia tài chính, Đại học Nguyễn Trãi - cũng khuyến cáo: “Thị trường vàng không bao giờ đi theo đường thẳng. Giá có thể tăng rất mạnh trong ngắn hạn nhưng cũng dễ dàng điều chỉnh khi có những yếu tố sau: Tâm lý thị trường thay đổi, chính sách điều hành có can thiệp để ổn định giá, lực bán chốt lời tăng cao từ các tổ chức tài chính quốc tế. Do đó, người dân cần bình tĩnh, quan sát kỹ diễn biến thị trường và không chạy theo tâm lý đám đông”.
Chuyên gia Trần Duy Phương nhấn mạnh, việc người dân đổ xô đi mua vàng tích trữ lúc giá tăng kỷ lục sẽ dễ bị mắc kẹt trong vòng lặp tài chính, dẫn đến rủi ro rất cao. “Người dân không nên mua vì tâm lý đám đông, mua để "lướt sóng" bởi giá vàng đang có nhiều biến động khó lường. Nếu có nhu cầu mua vào thì có thể chờ thời điểm giá điều chỉnh xuống”, ông Phương tư vấn.

Trên thị trường quốc tế, giá vàng ở quanh 3.315 USD/ounce. Trước khi quay đầu giảm về mức hiện tại, có thời điểm kim loại quý ghi nhận đạt mức đỉnh là 3.357 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá chưa tính thuế, phí, kim loại thế giới tương đương 104,3 triệu đồng/lượng.
Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng thế giới đã tăng hơn 27%, đánh bại mọi loại tài sản đầu tư phổ biến trong cùng giai đoạn.
Chuyên gia độc lập Ross Norman nhận định, diễn biến điều chỉnh sau khi vàng lập đỉnh cao mới có thể xuất phát từ hoạt động chốt lời, trong bối cảnh đồng USD phần nào hồi phục. Giá giảm nhẹ nhưng nhanh chóng được mua vào, cho thấy tâm lý thị trường vẫn tích cực.
Chỉ số USD-Index đã phục hồi nhẹ trong phiên 18/4, thoát khỏi vùng thấp nhất gần 3 năm, khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn với nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Ông Norman lưu ý rằng việc các nhà đầu tư truyền thống giảm mua vào có thể là tín hiệu cho thấy đà tăng của vàng đang tiệm cận giai đoạn điều chỉnh. "Rất khó để hình dung một kịch bản giá vàng giảm sâu trong ngắn hạn, trừ khi xét đến yếu tố kỹ thuật như bị mua quá mức", ông nhận định.
Theo Carsten Menke, chuyên gia tại Julius Baer, thị trường đang nhìn nhận rằng vàng sẽ được hưởng lợi trong mọi kịch bản.
Tuy vậy, nhu cầu vàng vật chất tại Ấn Độ trong tuần này có phần chững lại do giá tăng nóng khiến người mua thận trọng. Ngược lại, tại Trung Quốc - thị trường tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới vẫn duy trì mức chênh lệch giá ổn định.