Giá trị trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa
Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất đã để lại cho dân tộc ta một di sản tư tưởng vô cùng quý báu, trong đó, tư tưởng của Người về văn hóa được ví như 'viên ngọc sáng lấp lánh'.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc văn bia tại chùa Côn Sơn, tỉnh Hải Dương (15.2.1965). Ảnh: T.L
Đánh giá tầm vóc tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, Nghị quyết của UNESCO đã khẳng định: “Những tư tưởng của Người là hiện thân của khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc văn hóa và thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau”.
Tâm nguyện xây dựng một nền văn hóa mới “lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở” đã theo Người suốt cả cuộc đời. Cho đến hôm nay, những tư tưởng ấy vẫn vẹn nguyên ý nghĩa, là kim chỉ nam cho sự nghiệp phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
Văn hóa trong sự nghiệp cách mạng
Ngay từ những ngày đầu nước nhà giành độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định vị trí đặc biệt của văn hóa trong đời sống xã hội. Theo Người, văn hóa là một trong bốn lĩnh vực trọng yếu, cùng với chính trị, kinh tế và xã hội. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề cùng phải chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau: Chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa”.
Văn hóa không đứng ngoài, mà phải hòa quyện, thẩm thấu và chi phối các lĩnh vực khác. Người chỉ rõ, văn hóa phải phục vụ nhiệm vụ chính trị, tham gia tích cực vào công cuộc kháng chiến và kiến quốc. Chính trị mở đường cho văn hóa phát triển, còn văn hóa, với sức mạnh soi đường, chính là nguồn lực tinh thần dẫn dắt dân tộc thực hiện độc lập, tự do và tự cường.
Tư tưởng “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (1946) không chỉ khẳng định vai trò, sứ mệnh của văn hóa, mà còn định vị văn hóa như một động lực nội sinh, dẫn dắt xã hội tiến bộ, phát triển bền vững. Theo Người, văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là nguồn lực thúc đẩy cách mạng. Phải làm cho văn hóa thấm sâu vào đời sống, hình thành lý tưởng sống đẹp trong mỗi con người, vun đắp tinh thần yêu nước, trung thực, nhân ái, hướng thiện. Văn hóa phải tích cực đấu tranh với cái xấu, cái lạc hậu; phải “đem văn hóa mà chữa” những căn bệnh xã hội như quan liêu, tham nhũng, xa hoa, lãng phí. Đồng thời, thông qua thực hành văn hóa, xây dựng nếp sống tiến bộ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiến tạo một xã hội dân chủ, văn minh.
Một đóng góp đặc sắc, mang tính định hướng lâu dài trong tư tưởng Hồ Chí Minh là việc xác lập các nguyên tắc phát triển nền văn hóa mới Việt Nam. Trên nền tảng kế thừa những giá trị của văn hóa truyền thống, Hồ Chí Minh chủ trương hình thành một nền văn hóa vừa mang đậm tinh thần dân tộc, vừa tiên tiến, hiện đại. Ba tính chất của nền văn hóa mới: Dân tộc, khoa học, đại chúng, được Đảng ta đề ra trong Đề cương về Văn hóa Việt Nam (năm 1943), cũng chính là những tư tưởng xuyên suốt trong quan niệm văn hóa của Người.
Tính dân tộc thể hiện ở việc giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc, tinh thần nhân văn, yêu nước, đoàn kết, khoan dung của dân tộc Việt Nam. Tính khoa học yêu cầu loại bỏ hủ tục, mê tín, lối sống lạc hậu, đồng thời tiếp thu thành tựu khoa học, công nghệ để nâng cao đời sống. Tính đại chúng đặt ra yêu cầu: Văn hóa phải phục vụ đông đảo quần chúng, nâng cao dân trí, góp phần giải phóng con người, đem lại tự do và hạnh phúc đích thực.
Hồ Chí Minh từng nêu rõ năm phương diện lớn làm nền tảng cho văn hóa dân tộc: “1. Xây dựng tâm lý: Tinh thần độc lập tự cường; 2. Xây dựng luân lý: Biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng; 3. Xây dựng xã hội: Mọi sự nghiệp có liên quan đến phúc lợi của nhân dân trong xã hội; 4. Xây dựng chính trị: Dân quyền; 5. Xây dựng kinh tế”. Có thể nói, đó là những trụ cột kiến lập nên một nền văn hóa cách mạng, tiến bộ, đối lập hoàn toàn với nền văn hóa nô dịch, phản dân chủ thời thực dân, phong kiến. Đồng thời, xây dựng nền văn hóa dân tộc trên năm phương diện này cũng phản ánh sự thẩm thấu và khả năng điều tiết của văn hóa đối với đời sống xã hội.
Đồng thời, Người cũng nêu rõ phương châm cơ bản: Nền văn hóa mới phải “xã hội chủ nghĩa về nội dung và dân tộc về hình thức”. Điều này có nghĩa là nội dung tư tưởng, giá trị mà văn hóa chuyển tải phải nhằm phục vụ sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa, nhưng hình thức biểu đạt phải phù hợp với tâm lý, truyền thống dân tộc để quần chúng dễ tiếp nhận. Đó chính là con đường đúng đắn để phát triển một nền văn hóa vừa tiên tiến, hiện đại, vừa giàu bản sắc Việt Nam.
Trên cơ sở những nguyên lý đó, Hồ Chí Minh đã chỉ đạo triển khai nhiều mặt công tác để xây dựng nền văn hóa mới. Người coi trọng giáo dục - bởi lẽ “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Ngay sau ngày độc lập, Người phát động phong trào xóa nạn mù chữ, mở mang dân trí cho toàn dân. Mục tiêu của nền giáo dục mới, theo Hồ Chí Minh, đó là: Nâng cao dân trí, bồi dưỡng phẩm chất, lối sống tốt đẹp và bồi dưỡng lòng yêu nước, lý tưởng cách mạng cho thế hệ công dân mới.
Song song với giáo dục, lĩnh vực văn hóa, văn nghệ cũng được Người đặc biệt quan tâm. Hồ Chí Minh đề ra nguyên tắc “văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận”, văn nghệ phải tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh cách mạng. Người động viên đội ngũ văn nghệ sĩ trở thành “chiến sĩ trên mặt trận ấy”, đem ngòi bút, lời ca, tiếng hát làm “vũ khí” phục vụ sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc. Dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, một đời sống mới, một nền văn hóa đạo đức, giáo dục, nghệ thuật cách mạng đã hình thành, góp phần cổ vũ tinh thần toàn dân tộc giành được những thắng lợi to lớn trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Phát triển văn hóa gắn liền với phát triển con người
Song hành với việc phát triển nền văn hóa mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh vai trò của việc hình thành con người xã hội chủ nghĩa - chủ thể trung tâm, động lực của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Người khẳng định: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có con người xã hội chủ nghĩa”. Đó phải là những con người có đạo đức cách mạng, cần - kiệm - liêm - chính, hết lòng vì nước, vì dân.
Người cũng yêu cầu con người mới phải có lý tưởng sống cao đẹp, có tri thức, năng lực thích ứng linh hoạt với tiến bộ khoa học - công nghệ, đáp ứng yêu cầu của đất nước, của thời đại. Phải đào tạo nên những người “vừa hồng, vừa chuyên”, đủ tài, đủ đức. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, phát triển con người không chỉ là nhiệm vụ của giáo dục, mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội.
Một đặc điểm nổi bật của con người mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh là tinh thần yêu nước sâu sắc gắn liền với chủ nghĩa nhân văn cao cả. Người không chỉ khơi dậy lòng yêu nước, mà còn đề cao tình yêu thương con người, sống vị tha, nhân ái. Ở Người, chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân văn hòa quyện, tạo thành nguồn cảm hứng bất tận cho việc hình thành những thế hệ người Việt Nam vừa mang tinh thần dân tộc, vừa có tầm nhìn quốc tế.
Giá trị hiện thời và định hướng tương lai
Trong bối cảnh hiện nay, tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa như ngọn hải đăng giúp chúng ta có định hướng rõ ràng trước nhiều thách thức mới. Quá trình toàn cầu hóa và cách mạng khoa học - công nghệ mở ra cơ hội giao lưu quốc tế chưa từng có, nhưng đồng thời cũng dẫn đến nguy cơ du nhập ồ ạt các sản phẩm văn hóa ngoại lai không phù hợp. Lời dặn của Người về việc phải “giữ gìn và phát huy vốn văn hóa quý báu của dân tộc, đồng thời kiên quyết loại bỏ những hủ tục, tàn dư và sản phẩm văn hóa độc hại” vẫn giữ nguyên tính thời sự và sức sống trong thực tiễn hôm nay.
Chúng ta cần tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại một cách có chọn lọc, tránh rơi vào tình trạng sùng bái văn hóa ngoại lai, xa rời cội rễ dân tộc, mai một bản sắc dân tộc. Song song với đó, phải không ngừng nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, đưa văn hóa thấm sâu vào từng cộng đồng, từng gia đình, như Hồ Chí Minh hằng mong muốn. Văn hóa phải thực sự trở thành nền tảng vững chắc của xã hội, là động lực nội sinh để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bền vững.
Đối với nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam hiện đại, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng mang ý nghĩa định hướng sâu sắc. Trong bối cảnh đẩy mạnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế sâu rộng, hơn bao giờ hết chúng ta cần những con người vừa có đức, vừa có tài, vừa giàu nhiệt huyết yêu nước, vừa có tri thức, kỹ năng, năng lực công nghệ và tư duy đổi mới sáng tạo
. Đảng và Nhà nước ta đã và đang quán triệt lời dạy của Bác về “xây dựng con người mới”, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp Đổi mới. Những phẩm chất như cần, kiệm, liêm, chính; chí công vô tư, tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; ý thức kỷ luật, trách nhiệm; lối sống nhân ái, nghĩa tình… tiếp tục được đề cao trong phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò chủ thể, trung tâm của con người trong sự nghiệp cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng việc xây dựng và phát triển toàn diện con người Việt Nam. Đây không chỉ là mục tiêu chiến lược trong quá trình phát triển bền vững đất nước, mà còn là điều kiện tiên quyết để xây dựng một xã hội thực sự giàu mạnh, văn minh và hạnh phúc.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa không chỉ thể hiện tầm nhìn vượt thời đại của một lãnh tụ kiệt xuất, mà còn là kết tinh rực rỡ của bản lĩnh, trí tuệ và khát vọng vươn lên mãnh liệt của dân tộc Việt Nam. Trong dòng chảy của kỷ nguyên mới với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, chúng ta càng thấm thía chân lý: Phát triển văn hóa và phát triển con người là một chỉnh thể thống nhất, không thể tách rời. Một nền văn hóa giàu bản sắc, nhân văn và khai phóng chính là cái nôi nuôi dưỡng những con người toàn diện, có tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn.
Ngược lại, chính những con người ấy sẽ là chủ thể sáng tạo, gìn giữ và lan tỏa văn hóa, làm nên phẩm giá, bản lĩnh và sức mạnh nội sinh của một dân tộc. Lấy văn hóa, con người làm nền tảng, làm trung tâm và trở thành động lực phát triển quốc gia, đó không chỉ là tư tưởng xuyên suốt của Hồ Chí Minh, mà còn là con đường tất yếu để Việt Nam phát triển bền vững, khẳng định vị thế, vươn mình mạnh mẽ trong kỷ nguyên hội nhập, hiện thực hóa khát vọng “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, sánh vai cùng các cường quốc năm châu, như Người hằng mong ước.