Nhiều ý kiến đóng góp vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013
Chiều 19/5, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Điện Biên tổ chức Hội nghị lấy ý kiến vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.

Các đại biểu tham gia đóng góp vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Tại hội nghị, các đại biểu được thông báo nội dung dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013. Dự thảo gồm 2 điều. Điều 1 gồm 8 khoản sửa đổi, bổ sung một số quy định của Hiến pháp năm 2013 về MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội, về đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương; Điều 2 gồm 3 khoản quy định về hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp.
Việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của Hiến pháp năm 2013 về MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội để làm rõ vai trò cốt lõi của MTTQ Việt Nam, nhấn mạnh vị trí của MTTQ Việt Nam là tổ chức trung tâm của khối đại đoàn kết toàn dân, tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp lại các tổ chức thành viên, giảm bớt sự trùng lặp trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm thống nhất và đồng bộ với cơ cấu tổ chức đảng, phù hợp với mô hình tổ chức mới sau khi sắp xếp, tinh gọn các tổ chức chính trị - xã hội vào MTTQ Việt Nam.
Tại Hội nghị, với tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu đã tích cực nghiên cứu và tham gia đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, chất lượng đối với các nội dung sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp năm 2013. Các đại biểu cơ bản đồng tình, thống nhất cao với sự cần thiết, nội dung và phạm vi sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp năm 2013; đồng thời khẳng định, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy, thực hiện chủ trương tinh giản, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; tạo cơ sở pháp lý cho việc kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã.
Đại biểu Cà Tiến Chung, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Điện Biên nêu ý kiến, qua nghiên cứu còn băn khoăn trong việc sử dụng một số từ ngữ chưa đồng nhất, lúc viết thường lúc viết hoa, điển hình như từ “nhân dân” tại Điều 9, khổ số 2. Tại Điều 2 ghi rõ áp dụng cơ chế chỉ định đối với người giữ chức vụ lãnh đạo ở cơ quan Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân tại các đơn vị thực hiện sắp xếp là cần thiết. Tuy nhiên Điện Biên là tỉnh không nằm trong diện sáp nhập thì có áp dụng cơ chế này không?

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Điện Biên Nguyễn Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Tiến Dũng cho biết, các ý kiến của đại biểu tham gia tại hội nghị sẽ được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổng hợp báo cáo Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét, trình cấp có thẩm quyền quyết định, làm căn cứ để hoàn thiện Hiến pháp, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của quốc gia.
Để tuyên truyền đạt hiệu quả với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh giao cho các bộ phận chuyên môn xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai sâu rộng đến mặt trận các cấp cũng như lấy ý kiến của nhân dân trong hệ thống mặt trận. Các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã tham gia đóng góp ý kiến với việc đồng thuận, thống nhất cao.
Tỉnh Điện Biên dự kiến việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 2013 sẽ hoàn thành trước 30/5.