Giá trị trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh: Từ bình dân học vụ đến bình dân học vụ số

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, việc trao cho người dân những cơ hội được học tập luôn cần được coi như ưu tiên cao nhất của mọi nền giáo dục.

Ngót 8 thập kỷ kể từ ngày nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ra đời, những giá trị trong tư tưởng Hồ Chí Minh về nền giáo dục toàn dân, toàn diện vẫn luôn tỏa sáng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một lớp học của phong trào bình dân học vụ. Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một lớp học của phong trào bình dân học vụ. Ảnh tư liệu

Bối cảnh của những ngày đầu tiên của chính thể mới sau Cách mạng tháng Tám 1945 khi giặc dốt là một trong những thách thức cần ưu tiên giải quyết của Chính phủ mới đã dẫn đến sự ra đời của phong trào bình dân học vụ. Những ngày Bình dân học vụ năm xưa không chỉ một vài tháng mà kỳ diệu thay, còn được duy trì, giữ vững và xuyên suốt cả cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Từ chỗ 95% dân số cả nước mù chữ, chỉ sau 1 năm kể từ ngày thành lập nước Việt Nam mới, phong trào bình dân học vụ đã xóa mù chữ cho hơn 2,5 triệu người, phát triển được gần 96.000 giáo viên, mở được gần 75.000 lớp học.

Đi qua cuộc kháng chiến trường kỳ, vẫn với phương pháp vận động cách mạng là "của dân, do dân, vì dân", phong trào bình dân học vụ được tiếp tục để đến cuối tháng 12/1958, vùng đồng bằng và trung du miền Bắc căn bản xóa xong nạn mù chữ. 93,4% người dân từ 12 đến 50 tuổi đã biết đọc, biết viết. Với miền núi, đến năm 1965 thì hoàn thành xóa nạn mù chữ.

Đó thực sự là một thành tựu vĩ đại của đất nước, khẳng định rõ tư tưởng về giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ mang tính đi trước, mở đường mà còn mang tính thời đại. Như Người đã khẳng định, một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Bởi đã có nhiều bài học cho thấy một đội ngũ trí thức giỏi cũng không thể thay thế được sự yếu kém của toàn dân về giáo dục, về cơ hội tiếp cận tri thức.

Sinh ra trong một gia đình trọng giáo dục, với hành trình 30 năm tìm đường cứu nước, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa, nhiều nền giáo dục, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiểu rõ tầm quan trọng của việc trao cho người dân một cơ hội được học hành, được nâng cao trình độ. Người dân ai cũng được học hành là một trong những khát vọng tột bậc trong cuộc đời cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm, muốn tạo nên một xã hội văn minh, ở bất cứ giai đoạn nào con người luôn phải có tri thức của thời đại mà con người đó sống cùng việc phải có đạo đức, văn minh, sống và làm việc theo pháp luật. Người đã thấy được bản chất của việc dạy và học là muốn hiệu quả, thực chất, phải tập trung phát triển năng lực sẵn có của người học, phát huy năng lực riêng có của mỗi người. Với tầm nhìn xa trông rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vai trò của nền giáo dục mới là “một nền giáo dục đào tạo ra những công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có” của người học.

Không những vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn quan niệm việc học tập không chỉ dừng lại ở trường học mà việc học còn cần phải được tiến hành suốt đời. Người đặc biệt coi trọng và luôn đề cao việc tự học. Đây cũng chính là những điểm căn cốt nhất của các phương pháp giáo dục hiện đại ngày hôm nay. Bởi trong một nền kinh tế tri thức, ưu thế không hoàn toàn lệ thuộc vào các nhân tố truyền thống như tài nguyên, đất đai, nhân công… mà nhân tố có ý nghĩa quyết định là chất xám, là trí tuệ con người để có thể thích ứng được những đòi hỏi của thời đại.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đà hội nhập của đất nước đang không ngừng được tăng tốc cả về chiều rộng và chiều sâu để tạo ra những động lực mới cho kỷ nguyên cả dân tộc, cả đất nước vươn mình. Chuyển đổi số cũng đang là một đòi hỏi và những nỗ lực để thực hiện chuyển đổi số, cần thiết một “bình dân học vụ” mới, đó là bình dân học vụ số, khi mà tỷ lệ kết nối mạng internet của Việt Nam trên mỗi người dân đã là 1,7. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”. Bài học thành công từ phong trào bình dân học vụ với tư tưởng “của dân, do dân, vì dân” của Hồ Chủ tịch vẫn còn giá trị đến ngày nay, với phong trào bình dân học vụ số.

Phát biểu mới đây với các cán bộ quản lý giáo dục, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, chúng ta chỉ có thể thực hiện thành công tâm nguyện của Người khi và chỉ khi chúng ta hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đổi mới giáo dục và đào tạo. Theo đó, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị phát động thực hiện phong trào “bình dân học vụ số” và tới đây Bộ Chính trị sẽ ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số quốc gia. Để thực hiện thành công Nghị quyết này, yêu cầu nhanh chóng phổ cập tri thức cơ bản về chuyển đổi số cho toàn dân đang đặt ra cấp thiết.

Nếu như bình dân học vụ trước đây với mục tiêu xóa mù chữ thì ngày nay bình dân học vụ số sẽ với với mục đích nhanh chóng phổ cập tri thức cơ bản về chuyển đổi số cho toàn dân, cho cả cán bộ chính quyền, và lực lượng để làm việc này vẫn từ tất cả mọi người dân trong xã hội, chứ không chỉ là công việc của các cơ quan nhà nước.

Chuyển đổi số không phải đơn thuần là thay thế công cụ phương tiện thủ công bằng mạng, bằng máy móc mà đòi hỏi cách mạng thực sự trong tư duy, trong hành động của từng công dân. Chuyển đổi số được coi như một động lực phát triển mới của đất nước trên cơ sở bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và sự làm chủ của Nhân dân.

Ở đây một lần nữa chúng ta nhận chân được sự tỏa sáng trong tư tưởng về giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên lộ trình lịch sử từ bình dân học vụ hôm xưa đến bình dân học vụ số hôm nay. Ở đây vẫn còn nguyên vẹn giá trị những khẳng định của Người, theo đó “nếu không chịu khó học thì không tiến bộ được. Không tiến bộ là thoái bộ. Xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình mà không chịu khó học thì lạc hậu, mà lạc hậu thì bị đào thải, tự mình đào thải mình”.

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/gia-tri-truong-ton-cua-tu-tuong-ho-chi-minh-tu-binh-dan-hoc-vu-den-binh-dan-hoc-vu-so-359871.html
Zalo