Giá trị thực hiện đầu tư hợp nhất của 19 Tập đoàn, Tổng công ty đạt gần 67.000 tỷ đồng
Thông tin tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) cho biết, giá trị thực hiện đầu tư hợp nhất của 19 Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu đến hết tháng 6/2024 ước đạt 66.960 tỷ đồng, bằng 35% kế hoạch năm và bằng 120% so cùng kỳ.
Chiều ngày 16/7, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.
Đồng chí Nguyễn Hoàng Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Cùng tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Đức Phong - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương; các đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp: Hồ Sỹ Hùng, Đỗ Hữu Huy và Nguyễn Cảnh Toàn; đại diện lãnh đạo các Vụ chức năng, Văn phòng và Trung tâm Thông tin (Ủy ban); đại diện lãnh đạo 19 Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc Ủy ban và toàn thể công chức, viên chức và người lao động Ủy ban.
Về phía Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) có đồng chí Lê Ngọc Sơn, Phó Bí thư Đảng ủy, Thành viên HĐTV, Tổng Giám đốc Tập đoàn.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, Ủy ban và các Tập đoàn, Tổng công ty đã nỗ lực cao độ, triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ và có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Các Tập đoàn, Tổng công ty tiếp tục thể hiện rõ vai trò nòng cốt trong một số ngành, lĩnh vực; tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách Nhà nước; góp phần bảo đảm các cân đối lớn, ổn định kinh tế vĩ mô; góp phần xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng; tạo động lực phát triển cho các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Về cơ bản, Ủy ban đã thực hiện đầy đủ, đúng quy định của pháp luật và ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với 19 Tập đoàn, Tổng công ty, khắc phục tình trạng trước đây nhiều nhiệm vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu chưa được thực hiện đầy đủ hoặc tồn đọng qua nhiều năm.
19 Tập đoàn, Tổng công ty cơ bản hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024; tổng giá trị vốn Nhà nước được bảo toàn, phát triển; tổng doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, giá trị vốn đầu tư phát triển thực hiện và thu nhập bình quân của người lao động tăng lên, một số Tập đoàn, Tổng công ty đạt kim ngạch xuất nhập khẩu lớn; chưa phát sinh dự án đầu tư có nguy cơ rủi ro cao gây thua lỗ lớn, thất thoát vốn Nhà nước.
Báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm của Ủy ban tại Hội nghị, đồng chí Phạm Văn Sơn - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp cho biết, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao và kế hoạch công tác năm 2024, Ủy ban và các Tập đoàn, Tổng công ty đã cố gắng vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng tối đa những cơ hội, hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ công tác 6 tháng đầu năm 2024.
Theo đó, giá trị thực hiện đầu tư hợp nhất của 19 Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu đến hết tháng 6/2024 ước đạt 66.960 tỷ đồng, bằng 35% kế hoạch năm và bằng 120% so cùng kỳ.
Đáng lưu ý, một số dự án lớn, trọng điểm có giá trị thực hiện đầu tư cao so kế hoạch năm.
Trong lĩnh vực năng lượng có các dự án: Chuỗi dự án khí - điện Lô B; Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 (đạt khoảng 40,09% kế hoạch); Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng (đạt khoảng 41,64% kế hoạch); Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng (đạt khoảng 43% kế hoạch);...
Trong lĩnh vực giao thông, hàng không có các dự án xây dựng: Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (đạt khoảng 24,1% kế hoạch); Nhà ga hành khách T3 - Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất (đạt khoảng 26,06%).
Đối với dự án thành phần 3 - dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn 1, thông tin tại Hội nghị cho biết, giá trị khối lượng nghiệm thu hoàn thành đạt khoảng 8,45%, tuy nhiên, giá trị khối lượng thực hiện ước đạt khoảng 32,8%.
Với những kết quả đạt được, tiến độ giải ngân trong 6 tháng cuối năm 2024 dự kiến tiếp tục gia tăng sau khi các vướng mắc, khó khăn đã được các cấp có thẩm quyền hướng dẫn, xử lý làm cơ sở để các Tập đoàn, Tổng công ty hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án trọng điểm, có vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội.
Về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024, Ủy ban sẽ tập trung tăng cường năng lực để thực hiện ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn vai trò đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại các Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu.
Các Tập đoàn, Tổng công ty phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt của doanh nghiệp Nhà nước trong phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện các nhiệm vụ chính trị, xã hội Nhà nước giao; đẩy mạnh đầu tư, phát triển góp phần xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ về giao thông, năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn.
Phát biểu tham luận tại hội nghị, Tổng Giám đốc Petrovietnam, Lê Ngọc Sơn nhất trí cao với báo cáo sơ kết công tác 6 tháng và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước.
Báo cáo tại hội nghị, đồng chí Lê Ngọc Sơn đã thông tin về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm và phương hướng hoạt động 6 tháng cuối năm 2024. Theo đó, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động. Petrovietnam được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, lãnh đạo Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, bộ ngành và các đơn vị liên quan, Tập đoàn đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp quản trị để có giải pháp ứng phó trước tác động về địa chính trị đã giúp cho kết quả sản xuất kinh doanh của tập đoàn 6 tháng đầu năm 2024 đã cơ bản hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đề ra, duy trì ổn định tại tất cả các lĩnh vực hoạt động, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng so với mức suy giảm bởi các yếu tố vĩ mô như tài chính, thị trường… và đã đạt được những kết quả tích cực.
Cụ thể, gia tăng trữ lượng 6 tháng đầu năm 2024 đạt 4,38 triệu tấn quy dầu và có 2 phát hiện dầu khí mới ( tại Lô 09-1, mỏ Rồng và Lô PM3-CAA, mỏ Bunga Aster). Các chỉ tiêu sản xuất chủ yếu đều vượt mức kế hoạch. Về các chỉ tiêu tài chính, tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 482,3 nghìn tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023. Nộp ngân sách ước đạt 71,1 nghìn tỷ đồng, tăng 9%. Giá trị giải ngân đầu tư đạt 15,55 nghìn tỷ đồng, tăng 81,3% so với năm 2023.
Đặc biệt, với sự hỗ trợ tháo gỡ khó khăn từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy Ban Quản lý vốn và bộ ngành, các khó khăn, vướng mắc trong đầu tư tại các dự án trọng điểm của Tập đoàn đã từng bước được xem xét, tháo gỡ, trong đó, có dự án khí Lô B với tổng vốn đầu tư hơn 10 tỷ USD. Dự án trọng điểm thứ 2 là nâng cấp mở rộng nhà máy Lọc dầu Dung Quất, dự án đã được phê duyệt báo cáo đầu tư, Tập đoàn cũng đang triển khai, với mục tiêu vận hành vào năm 2028…
Về phương hướng hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm, Tổng Giám đốc Petrovietnam cho biết, Tập đoàn sẽ quyết tâm giữ vững mục tiêu quản trị đặt ra; tiếp tục khắc phục khó khăn, hạn chế, bằng các giải pháp hiện thực hóa mục tiêu kế hoạch đặt ra, tạo tiền đề thực hiện mục tiêu kế hoạch phát triển 5 năm và đề án tái cấu trúc Tập đoàn.
Tập đoàn cũng sẽ hoàn thiện hệ thống quản trị nội bộ, xây dựng chiến lược phát triển ngành dầu khí và tiếp tục đẩy nhanh hoàn thiện các thể chế chính sách đã đề xuất, tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, quy định của pháp luật về năng lượng tái tạo, hoàn thiện các quy định theo hướng dẫn triển khai Luật Dầu khí.
Ngoài ra, Petrovietnam cũng sẽ tập trung triển khai các chuỗi liên kết giá trị và nghiên cứu mô hình kinh doanh mới phù hợp với chiến lược phát triển của Tập đoàn cũng như các đơn vị.