Giá trị giao dịch chứng khoán sụt giảm, dòng tiền đang chuyển hướng đi đâu?

Thống kê giá trị giao dịch bình quân trong 1 tháng qua của sàn chứng khoán HoSE liên tục thu hẹp trong các tuần gần đây. Dòng tiền đầu tư đang chảy đi đâu?

Thanh khoản chứng khoán Quý 3 ảm đạm

Thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua vẫn đang cho thấy sự "giằng co", chỉ số VN-Index gặp khó khăn trong việc chinh phục trở lại mốc 1.300 điểm. Giá trị giao dịch cổ phiếu trên từng phiên cũng đang cho thấy xu hướng giảm thanh khoản đáng kể.

 Thanh khoản thị trường chứng khoán Quý 3 ảm đạm hơn so với Quý 2/2024. Trung bình đạt 15.400 tỷ đồng mỗi phiên trong 1 tháng gần nhất. (Ảnh TL)

Thanh khoản thị trường chứng khoán Quý 3 ảm đạm hơn so với Quý 2/2024. Trung bình đạt 15.400 tỷ đồng mỗi phiên trong 1 tháng gần nhất. (Ảnh TL)

Trong Quý 2/2024 trước đó, thị trường từng ghi nhận đỉnh thanh khoản lên tới gần 1 tỷ USD. Tuy nhiên, thanh khoản tại Quý 3/2024 diễn biến chậm hơn và ngày càng thu hẹp.

Thống kê trong 1 tháng vừa qua, giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên trên sàn HoSE đạt 15.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 2 tuần gần nhất, giá trị giao dịch trung bình chỉ ở mức 14.433 tỷ đồng. Trong tuần vừa qua, giao dịch trung bình mỗi phiên thu hẹp chỉ còn 13.770 tỷ đồng.

Dòng tiền đầu tư đang chuyển hướng đi đâu?

Sụt giảm thanh khoản thị trường chứng khoán được nhiều chuyên gia nhận định một phần đến từ dòng tiền khối ngoại có xu hướng bán ròng, rút tiền khỏi thị trường.

Trong khi đó nhà đầu tư trong nước lại đang có xu hướng chuyển dòng tiền sang các kênh khác như vàng và bất động sản.

Dấu hiệu nhận thấy rõ nhất là vàng liên tục lập những đỉnh giá mới và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trong ngắn hạn. Với thị trường bất động sản, nhiều chuyên gia nhận định đã bắt đầu có hiện tượng sốt nóng trở lại tại các đô thị lớn như Hà Nội và các vùng ven.

Sự chuyển hướng của dòng tiền theo chuyên gia từ Chứng khoán VPBank, ông Trần Hoàng Sơn cũng đến từ việc VN-Index nhiều lần thất bại trong việc chinh phục mốc 1.300 điểm. Điều này khiến dòng tiền nội chững lại, đồng thời dòng tiền khối ngoại bán ròng liên tục từ tháng 7 đến tháng 9 cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng thanh khoản yếu của thị trường.

Cột mốc VN-Index 1.300 điểm là then chốt để kích hoạt thị trường

Bên cạnh đó, lực đỡ từ dòng tiền nội trước xu hướng bán ròng của khối ngoại có một phần đến từ nguồn vốn vay ký quỹ. Đồng nghĩa việc nhà đầu tư trong nước đang vay margin để mua vào, đối chọi lại lực bán ra cổ phiếu từ nhà đầu tư nước ngoài. Đây là nguyên nhân khiến dòng tiền nội đang bắt đầu có dấu hiệu suy yếu, ảnh hưởng tới thanh khoản thị trường.

Theo ông Sơn, để giúp hâm nóng thị trường trở lại, chìa khóa có thể sẽ là mốc VN-Index 1.300 điểm. Dòng tiền thời gian qua mới tập trung vào nhóm cổ phiếu ngân hàng. Trong khi kết quả kinh doanh của nhóm này đang bắt đầu chững lại.

Như vậy, nhà đầu tư cần xây dựng kịch bản đầu tư một cách thận trọng hơn. Theo ông Sơn, để vượt qua mốc 1.300 điểm, thanh khoản thị trường trung bình cần phải vượt qua mốc 25.000 tỷ (tương đương gần 1 tỷ USD) thay vì chỉ 16.000 - 17.000 mỗi phiên như hiện nay.

Bích Diễm

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/gia-tri-giao-dich-chung-khoan-sut-giam-dong-tien-dang-chuyen-huong-di-dau-post317881.html
Zalo