Hé lộ bức tranh lợi nhuận quý III, xuất hiện ngân hàng báo lãi xấp xỉ 1 tỉ USD

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước đến hết 30-9, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng đạt hơn 9%.

Dẫn đầu con số lợi nhuận quý III/2024 của ngành ngân hàng tính đến chiều 22-10 phải kể tới là Techcombank, khi lãi trước thuế của ngân hàng này đạt tới 22.800 tỉ đồng (xấp xỉ 1 tỉ USD), tăng 33,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Techcombank tiếp tục thuộc nhóm dẫn đầu về tỉ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt 40,5%, nhờ số dư CASA đạt mức cao kỷ lục 200.000 tỉ đồng. Tỉ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) tiếp tục duy trì vị thế đầu ngành, đạt 2,6%.

Thu nhập từ hoạt động dịch vụ của Techcombank ghi nhận tăng 17,1%, trong đó mức tăng khả quan từ phí dịch vụ ngân hàng đầu tư đạt 2.541 tỉ đồng, tăng tới 110,6%.

Tại cuối tháng 9-2024, tính riêng ngân hàng, dư nợ tín dụng tăng trưởng 17,4% so với đầu năm là mức tăng cao so với mặt bằng chung của toàn ngành. Trong đó, tăng trưởng tín dụng cá nhân được thúc đẩy bởi mảng cho vay mua nhà, tăng 13,2% so với đầu năm lên mức cao kỷ lục 193.600 tỉ đồng.

Đáng chú ý, số dư trả trước hạn vay mua nhà giảm xuống mức thấp nhất trong một năm trở lại, trong khi khối lượng giải ngân trong quý tiếp tục đạt mức cao.

Các ngân hàng bắt đầu công bố kết quả kinh doanh quý III/2024

Các ngân hàng bắt đầu công bố kết quả kinh doanh quý III/2024

Một ngân hàng khác vừa báo lãi tăng mạnh so với cùng kỳ là SeABank, khi lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng đầu năm 4.508 tỉ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái.

CASA cũng là một trong những điểm sáng của ngân hàng này. Khi tính đến hết ngày 30-9-2024, số dư tại CASA đạt 20.677 tỉ đồng tăng 24% so với cuối năm ngoái và chiếm 13,46% huy động từ tiền gửi của khách hàng.

Bất chấp lãi suất cho vay bình quân giảm, tỉ lệ biên lãi ròng (NIM) của SeABank vẫn tăng lên 3,94%. Ngân hàng đang hoàn tất thủ tục theo quy định để chính thức hoàn thành tăng vốn điều lệ lên 28.350 tỉ đồng sau khi phát hành 329 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2023 và phát hành thêm 10,3 triệu cổ phiếu tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước đến hết 30-9, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng đạt hơn 9%. Ghi nhận của phóng viên, một số ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng cao hơn mặt bằng chung.

Tại VIB, tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng đầu năm ở mức 12%, cao hơn bình quân toàn ngành, đã đóng góp vào lợi nhuận của ngân hàng.

Bức tranh lợi nhuận có sự phân hóa mạnh giữa các ngân hàng trong quý III và 9 tháng đầu năm

Bức tranh lợi nhuận có sự phân hóa mạnh giữa các ngân hàng trong quý III và 9 tháng đầu năm

Theo đó, dư nợ tín dụng đạt hơn 298.000 tỉ đồng, tăng gần 12% so với đầu năm và riêng quý III, tăng trưởng tín dụng tại VIB đạt gần 7%, là một trong những ngân hàng bán lẻ có tăng trưởng tín dụng tốt nhất ngành. Huy động vốn tăng 8%, cao gần gấp đôi trung bình ngành, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động tín dụng.

Dù vậy, sau 9 tháng đầu năm, VIB đạt tổng doanh thu 15.300 tỷ đồng, trong đó thu nhập lãi thuần giảm 9% so với cùng kỳ. Tính chung, lợi nhuận trước thuế của VIB sau 9 tháng đầu năm đạt 6.600 tỉ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ. Đại diện ngân hàng này lý giải lợi nhuận giảm do hỗ trợ lãi suất, đầu tư mở rộng và trích lập dự phòng thận trọng…

Bức tranh lợi nhuận ở các ngân hàng vừa công bố kết quả kinh doanh quý III cũng bắt đầu có sự phân hóa.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất vừa công bố, lũy kế 9 tháng đầu năm, Kienlongbank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 760 tỉ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ.

LPBank công bố lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng đầu năm đạt hơn 8.800 tỉ đồng, 8tăng 139% so với cùng kỳ…

Thái Phương, Ảnh: Lam Giang

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/he-lo-buc-tranh-loi-nhuan-quy-iii-xuat-hien-ngan-hang-bao-lai-xap-xi-1-ti-usd-196241022153616173.htm
Zalo