Giá thuốc mới tại Mỹ tăng chóng mặt trong 4 năm qua
Theo phân tích của hãng tin Reuters, giá dược phẩm mới ra mắt tại Mỹ vào năm ngoái đã tăng hơn gấp đôi so với năm 2021. Nguyên nhân chính được cho là do các công ty đang tận dụng tiến bộ khoa học để phát triển nhiều liệu pháp điều trị các bệnh hiếm gặp, vốn thường có chi phí rất cao.
Năm ngoái, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt 57 loại thuốc mới, bao gồm bảy liệu pháp tế bào và gen. Trước đó trong năm 2023, cơ quan này đã phê duyệt 55 loại thuốc và 17 loại thuốc sinh học mới.
Khảo sát của Reuters đối với 45 loại thuốc mới cho thấy, giá niêm yết trung bình hàng năm cho một loại là hơn 370.000 USD vào năm 2024. Phân tích của Reuters không bao gồm các chất cản quang, vaccine, thuốc sử dụng không liên tục như thuốc kháng khuẩn và các sản phẩm chưa ra mắt thương mại.
Giá cao nhất cho một loại thuốc được sử dụng thường xuyên là hơn 1 triệu USD một năm đối với thuốc Miplyffa của Zevra Therapeutics điều trị bệnh Niemann-Pick loại C, một rối loạn chuyển hóa di truyền được chẩn đoán ở khoảng 900 người Mỹ.
Liệu pháp gen Lenmeldy của Orchard Therapeutics điều trị một rối loạn di truyền hiếm gặp ảnh hưởng đến não và hệ thần kinh, được ra mắt năm ngoái với mức giá cao kỷ lục 4,25 triệu USD cho một lần điều trị.
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa JAMA dựa trên cùng tiêu chí, giá trung bình cho 30 loại thuốc được đưa ra thị trường lần đầu tiên là 180.000 USD tính đến giữa tháng 7/2021. Con số này lần lượt tăng lên 222.000 USD vào năm 2022 và 300.000 USD vào năm 2023.
Các công ty dược phẩm cho biết thuốc mới giúp tiết kiệm chi phí, bao gồm cả việc có thể giảm số lần đến phòng cấp cứu và nằm viện. Với một số phương pháp điều trị sử dụng chỉnh sửa gen, thuốc còn có khả năng chữa khỏi bệnh.
Các nhà sản xuất thuốc cũng nhấn mạnh rằng họ không quyết định phần chi phí thuốc mà bệnh nhân phải chịu theo các chương trình bảo hiểm y tế. Nhiều công ty dược có cấp thẻ tiết kiệm và các chương trình khác để giúp giảm chi phí tự trả của bệnh nhân, trong khi các công ty bảo hiểm có thể nhận được chiết khấu từ giá niêm yết của nhà sản xuất - đặc biệt nếu có các phương pháp điều trị cạnh tranh.
Việc tăng giá diễn ra ngay cả khi Chính phủ Mỹ cố gắng kiểm soát chi phí thuốc kê đơn. Định giá thuốc đã trở thành một vấn đề đối với Tổng thống Donald Trump, người đã kêu gọi các nhà sản xuất thuốc đưa giá thuốc tại Mỹ ngang bằng với các quốc gia có thu nhập cao khác.
Ông William Padula, giáo sư kinh tế dược phẩm và y tế tại Đại học Nam California, cho biết không có dấu hiệu nào cho thấy xu hướng này sẽ chậm lại, ít nhất là cho đến khi có tiến triển trong việc giảm chi phí phát triển các liệu pháp mới.
Theo ông Padula, trong nhiều năm qua, các công ty dược phẩm Mỹ đã phát triển công nghệ và giải pháp khá tốt cho nhiều tình trạng bệnh thường thấy như cholesterol cao, huyết áp cao và kiểm soát các dạng ung thư phổ biến hơn. Đối với các bệnh hiếm gặp, số lượng bệnh nhân thường ít hơn và do đó giá cho mỗi liệu trình điều trị sẽ tăng lên.
Việc hoàn thành giải mã bộ gen người vào năm 2003 đã mở đường cho những hiểu biết rõ ràng hơn về cơ sở di truyền và sinh học của các bệnh hiếm gặp, mang đến những tiến bộ trong khoa học y tế.
Các nhà sản xuất thuốc được khuyến khích đầu tư vào nghiên cứu các bệnh hiếm gặp. Họ thường được phép có thời gian độc quyền thị trường dài hơn, một phần vì doanh số tiềm năng có thể bị hạn chế.
Công ty tư vấn Boston Consulting Group dự kiến các loại thuốc ra mắt năm 2024 sẽ đạt doanh thu hàng năm cao nhất là 60 tỷ USD - thấp hơn đáng kể so với mức trung bình trong quá khứ do không có các loại thuốc "bom tấn) – một thuật ngữ dùng để mô tả các loại thuốc có doanh thu hàng năm trên 10 tỷ USD.