Giá thịt lợn tăng mạnh, nỗi lo hàng dịch bệnh tuồn ra chợ

Tết Nguyên đán Ất Tỵ đang đến gần, giá thịt lợn cũng đã tăng lên mốc mới. Dự báo còn tăng tiếp vào những cao điểm tiêu thụ Tết, trong khi, tình trạng hàng giá rẻ thẩm lậu đang diễn biến phức tạp.

Giá thịt lợn tăng từ 10-25 nghìn đồng/kg

Ghi nhận tại một số chợ dân sinh, siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy, giá thịt lợn tăng từ 10-25 nghìn đồng/kg so với tháng trước, lên mức 120-220 nghìn đồng/kg tùy loại.

Đơn cử, thịt mông sấn có giá 120-140 nghìn đồng/kg; ba chỉ, sườn thăn có giá 170-180 nghìn đồng/kg; sườn non từ 190-220 nghìn đồng/kg…

Chị Hồng, một tiểu thương chợ Cầu Giấy cho biết, giá thịt lợn bán lẻ tăng do giá lợn hơi tăng nhanh. Hiện, giá lợn hơi đã cán mốc 70 nghìn đồng/kg - chạm đỉnh năm 2024.

Quầy thịt lợn tại siêu thị FujiMart Ngọc Khánh. Ảnh: Hồng Hạnh.

Quầy thịt lợn tại siêu thị FujiMart Ngọc Khánh. Ảnh: Hồng Hạnh.

Theo lãnh đạo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, do lo ngại về dịch tả lợn châu Phi bùng phát thời gian qua, nên nhiều người chăn nuôi dè dặt tái đàn. Dẫn đến, nguồn cung cho thị trường hàng ngày không dồi dào như cùng kỳ năm ngoái, từ đó đẩy giá sản phẩm tăng mạnh.

Tình trạng giảm nguồn cung có thể khiến giá lợn hơi lập đỉnh mới khi vượt qua mốc 70.000 đồng/kg trong dịp Tết này. Tức, giá thịt lợn bán lẻ dự báo sẽ còn tăng tiếp vào những cao điểm tiêu thụ Tết.

Lo lợn bệnh thẩm lậu về Việt Nam, rồi tuồn ra chợ tiêu thụ

Thực tế, hiện giá lợn hơi ở nước ta đang cao hơn 13.000–14.000 đồng/kg so với Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, dẫn đến lo ngại lợn nhập lậu, ăn chất cấm hay hàng bị dịch lại ồ ạt về Việt Nam, rồi tuồn ra chợ tiêu thụ.

Đơn cử, cuối tháng 12 vừa qua, cơ quan chức năng đã phát hiện nhóm đối tượng vận chuyển lợn từ Campuchia về Việt Nam có dấu hiệu không qua kiểm dịch thú y, không khai báo với các cơ quan chức năng, có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh. Tang vật tạm giữ gồm 531 con lợn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, qua phản ánh của người dân địa phương và các cơ quan truyền thông, thời gian qua hiện tượng buôn bán, vận chuyển trái phép lợn và các sản phẩm bột xương thịt, protein động vật (bột hồng cầu và bột xương động vật) qua biên giới Tây Nam vào Việt Nam diễn ra khá phổ biến, phức tạp, đặc biệt là biên giới với Campuchia.

Lực lượng chức năng tỉnh Long An bắt giữ lợn nhập lậu qua biên giới Campuchia. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Lực lượng chức năng tỉnh Long An bắt giữ lợn nhập lậu qua biên giới Campuchia. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

"Tình trạng này làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm như bệnh dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, heo tai xanh.

Lợn nhập lậu không rõ nguồn gốc, có thể được cho ăn thức ăn có chứa các sản phẩm cấm dùng trong chăn nuôi, không đảm bảo các yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, có nguy cơ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi trong nước, sức khỏe người dân", Bộ NN&PTNT cảnh báo.

Để ngăn chặn tình trạng trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã ký văn bản gửi Chủ tịch UBND 6 tỉnh có đường biên giới với Campuchia gồm: Bình Phước, Long An, Tây Ninh, Đồng Tháp, Kiên Giang, An Giang yêu cầu tập trung chỉ đạo, tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép lợn, protein động vật qua biên giới vào Việt Nam.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu sở ngành, chính quyền các cấp của địa phương tập trung nguồn lực tổ chức ngăn chặn, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép lợn, các sản phẩm bột xương thịt, protein động vật vào Việt Nam.

Yêu cầu chủ tịch các tỉnh chỉ đạo chính quyền cấp xã, cấp huyện tổ chức thống kê số liệu, kiểm soát đàn lợn của địa phương, đặc biệt tại các địa phương có chung biên giới với Campuchia. Từ đó, để kịp thời phát hiện sự biến động, tăng số lượng đột biến do có sự cấu kết, hợp thức hóa nguồn gốc lợn được vận chuyển, nhập lậu.

Đồng thời, giao các cơ quan, lực lượng chức năng của địa phương khẩn trương thành lập các chuyên án, điều tra, đấu tranh và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân buôn bán, vận chuyển trái phép lợn, các sản phẩm bột xương thịt, protein động vật vào Việt Nam.

Ngọc Diệp

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/gia-thit-lon-tang-manh-noi-lo-hang-dich-benh-tuon-ra-cho-192250114214639989.htm
Zalo