Gia tăng tỷ lệ người mắc bệnh nhiễm độc giáp
Nhiễm độc giáp là bệnh lý thường gặp nhưng được ít người biết đến, nếu không được phát hiện và điều trị sớm, người bệnh sẽ gặp những biến chứng nặng về thần kinh, tim mạch, tiêu hóa, sinh sản, vận động,… gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thẩm mỹ, thể chất, trí tuệ, thậm chí là đe dọa tính mạng.
Nhiễm độc giáp xuất hiện khi trạng thái lâm sàng cơ thể tăng chuyển hóa do có nhiều hormone giáp lưu hành trong máu, từ nhiều nguyên nhân khác nhau (là hậu quả của tăng nồng độ hormon giáp trong máu nhưng không nhất thiết do tăng sản xuất hormone tuyến giáp). Nhiễm độc giáp và cường giáp là hai thuật ngữ được sử dụng trong lâm sàng, về cơ bản dùng để chỉ một tình trạng nhiễm độc giáp, tuy nhiên bản chất có sự khác nhau: Cường giáp là một dạng của nhiễm độc giáp do tuyến giáp tăng tổng hợp và bài tiết hormone; Basedow là bệnh tự miễn là nguyên nhân phổ biến của bệnh cường giáp và chiếm 50 - 80% các trường hợp cường giáp.
Tại Khoa Nội tiết Bệnh viện Đa khoa tỉnh những năm gần đây tiếp nhận các trường hợp bệnh nhân mắc bệnh lý liên quan đến nhiễm độc giáp, với chiều hướng gia tăng, trong năm 2024 Khoa tiếp nhận khám và điều trị cho 1.619 bệnh nhân mắc bệnh lý tuyến giáp (tăng 300 bệnh nhân so với cùng kỳ năm 2023), trong đó 54 ca được chẩn đoán cường giáp (chiếm tỷ lệ 3,3% các bệnh tuyến giáp nói chung), 1.066 ca được chẩn đoán Basedow (chiếm 65%) và 499 ca bệnh suy giáp (chiếm 31,7%). Hiện nay tại Khoa Nội tiết đang điều trị nội trú cho 12 bệnh nhân mắc bệnh, chủ yếu là các trường hợp mắc mới, tái phát và điều trị ngoại trú.
Bệnh nhân Lương Thị Huệ, 35 tuổi ở xã Thái Cường (Thạch An) đang điều trị nội trú tại Khoa Nội tiết, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Trước khi nhập viện tôi có biểu hiện như: mắt bị lồi, tay run, đau tức ngực, cổ có biểu hiện sưng và người trong tình trạng khát nước, khô họng, gầy sút cân. Khi đến khám sức khỏe tại Khoa Nội tiết tôi được bác sĩ tiến hành khám và kiểm tra các xét nghiệm, kết quả chỉ số hormone tuyến giáp tăng cao, chẩn đoán bệnh lý nhiễm độc giáp và yêu cầu nhập viện điều trị. Sau vài ngày điều trị và uống thuốc, tình trạng bệnh tạm ổn định, tôi không còn biểu hiện tay run, đỡ đau tức ngực và các triệu chứng bệnh thuyên giảm, mong muốn được xuất viện sớm và và kê đơn điều trị tiếp.
Dựa trên nguyên nhân gây bệnh và thể trạng của từng người, nhiễm độc giáp có thể gây ra những triệu chứng bất thường như: Bệnh nhân dễ bị bồn chồn, kích thích, mất ngủ; có cảm giác sợ nóng, da nóng, tăng thân nhiệt, đổ nhiều mồ hôi; yếu, mệt mỏi, chuột rút; có sự thay đổi về khối lượng cơ thể (thường sẽ bị sụt cân); run đầu chi; đánh trống ngực hoặc lên cơn đau thắt ngực; ở phụ nữ có thể ít kinh, mất kinh hoặc vô sinh do không rụng trứng, nam giới có thể vú to rối loạn cương dương, giảm ham muốn tình dục; nhiễm độc tuyến giáp mạn tính còn khiến cho bệnh nhân bị loãng xương; tổn thương cơ, teo cơ, đau cơ, liệt cơ, yếu cơ, đặc biệt ở gốc chi (thường gặp ở nam giới).

Bác sĩ Đàm Minh Chung, Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện Đa khoa tỉnh kiểm tra tình trạng của bệnh nhân mắc bệnh lý nhiễm độc giáp đang điều trị nội trú tại khoa.
Bác sĩ CKI Hoàng Thị Ngọc Ánh, Khoa Nội tiết, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Bệnh nhiễm độc giáp có thể gặp ở mọi lứa tuổi, thường gặp ở lứa tuổi trẻ 20 - 40 tuổi, nữ gặp nhiều hơn nam. Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm: cơn nhiễm độc giáp cấp là biến chứng đáng sợ nhất, biến chứng tim mạch (rối loạn nhịp tim, suy tim sung huyết), lồi mắt ác tính (đẩy nhãn cầu ra khỏi hố mắt gây mù hoặc loét giác mạc), suy kiệt nặng và các triệu chứng đa dạng ở các cơ quan như: tim mạch, thần kinh - cơ, bệnh da do basedow, sinh dục, bệnh mắt nội tiết ảnh hưởng đến ngoại hình thẩm mỹ của bệnh nhân như: mắt lồi, bướu cổ,… Đặc biệt biến chứng cấp tính là cơn nhiễm độc giáp gây suy đa tạng, tiếp theo là suy tim, suy hô hấp, rối loạn nhịp tim, đông máu rải rác trong lòng mạch… gây tử vong nếu người bệnh không được cấp cứu kịp thời”.
Bác sĩ Ánh cho biết thêm, điều trị bệnh nhiễm độc giáp ở người bệnh cần ưu tiên điều trị nội khoa, nếu điều trị nội khoa mà bệnh tái phát nhiều lần hoặc dựa trên các nguyên nhân gây bệnh như: bệnh cảnh lâm sàng, tuổi tác, mức độ bệnh sẽ quyết định lựa chọn một trong các phương pháp điều trị như sau: Iod phóng xạ 131, phẫu thuật tuyến giáp. Trong số các phương pháp điều trị nêu trên nếu điều trị nội khoa không đáp ứng thì sẽ lựa chọn điều trị iod phóng xạ khi không có chống chỉ định (có thai, cho con bú, người dưới 30 tuổi, bệnh nhân có lồi mắt nặng). Bác sĩ thường chỉ định biện pháp phẫu thuật tuyến giáp đối với những trường hợp: Bướu giáp to trên 80g hoặc bướu đa nhân, bướu chìm trong lồng ngực, có bệnh mắt Basedow từ trung bình đến nặng, Basedow tái phát, bệnh nhân muốn có thai sớm, phụ nữ đang mang thai (phẫu thuật vào quý 2 của thai kỳ) hoặc đã thất bại với 2 phương pháp: điều trị nội khoa và iod phóng xạ 131. Mặc dù vậy, phẫu thuật tuyến giáp cũng có nguy cơ gây ra các biến chứng như: làm liệt dây thanh âm do tổn thương thần kinh thanh quản quặt ngược, suy tuyến cận giáp, suy giáp. Vì vậy sau khi thực hiện phẫu thuật tuyến giáp thì bệnh nhân cần phải tái khám và điều trị ngoại trú khi có chỉ định.
Ngoài ra, có rất nhiều trường hợp nhiễm độc giáp bệnh nhân sau khi xuất viện, chủ quan, lơ là, không uống thuốc điều độ hoặc do tâm lý căng thẳng, lo âu sẽ dẫn đến tái phát bệnh. Điển hình như trường hợp của bệnh nhân Hoàng Thị Mến, 45 tuổi, trú tại xã Ngọc Khê (Trùng Khánh) đang điều trị nội trú tại Khoa Nội tiết Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Bệnh nhân Mến chia sẻ: Tôi bị mắc bệnh nhiễm độc giáp từ năm 2021 đến nay, từ khi phát bệnh và được khám, điều trị, uống thuốc đều đặn tại Khoa Nội tiết, Bệnh viện tỉnh Cao Bằng, bản thân thấy các triệu chứng của bệnh thuyên giảm, gần như khỏi hẳn, nên đã chủ quan không sử dụng thuốc theo chỉ định trong một thời gian, sau 5 tháng bệnh lý nhiễm độc giáp bị tái phát và phải tiếp tục nhập viện điều trị.
Theo bác sĩ Đàm Minh Chung, Trưởng Khoa Nội tiết, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Hiện tại Khoa Nội tiết đang áp dụng những phương pháp để chẩn đoán nhiễm độc tuyến giáp thông qua chẩn đoán hình ảnh: Siêu âm tuyến giáp, điện tim, xét nghiệm… Trước tình trạng số lượng bệnh nhân mắc bệnh lý nhiễm độc giáp ngày càng gia tăng trên địa bàn tỉnh, bác sỹ Chung khuyến cáo: Để phòng bệnh, đối với người bệnh nhiễm độc giáp cần đặc biệt tránh hoàn toàn các thực phẩm giàu I ốt như: muối chứa I ốt, hải sản, rong biển,… Ngoài ra, người bệnh cũng nên hạn chế các thực phẩm trứng, sữa, đồ cay nóng. Bên cạnh đó cần bổ sung thêm các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, tăng sức đề kháng là rất cần thiết. Hạn chế lao động nặng, làm việc quá sức, căng thẳng trong giai đoạn cấp tính, giai đoạn ổn định tập thể dục thể thao nhẹ nhàng như: đi bộ, đạp xe đạp…, giữ một chế độ dinh dưỡng, sống lành mạnh cũng giúp người bệnh tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện sức khỏe.
Tuy gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng bệnh nhiễm độc giáp hoàn toàn có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm, tuân thủ phác đồ điều trị, tái khám đúng hẹn. Vì vậy việc khám định kỳ cho mỗi người tại các cơ sở y tế chuyên khoa cũng giúp phát hiện sớm bệnh, kịp thời điều trị, tránh biến chứng nguy hiểm.