Gia tăng sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn OCOP
Các sản phẩm OCOP của tỉnh Phú Thọ hiện cũng rất được ưa chuộng trên các sàn thương mại điện tử.
Nhờ nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển sản phẩm OCOP, năm 2024, nhiều sản phẩm nông nghiệp ở tỉnh Phú Thọ tiếp tục được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP; trong đó, nhiều sản phẩm mới tham gia đánh giá lần đầu, nhiều sản phẩm OCOP được đánh giá lại, thăng hạng sao.
*Nhiều sản mới đạt chuẩn, nâng sao
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Thọ, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh vừa công nhận thêm 18 sản phẩm OCOP; trong đó, 15 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao; 1 sản phẩm OCOP 5 sao và 1 sản phẩm tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để đảm bảo đủ điều kiện công nhận OCOP 5 sao. Ngoài ra, có 1 sản phẩm chưa đủ điều kiện công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, Hội đồng tư vấn sẽ có văn bản gửi về UBND huyện để làm căn cứ công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Đặc biệt, trong 18 sản phẩm OCOP được công nhân; trong đó có 6 sản phẩm tham gia đánh giá lần đầu; 11 sản phẩm đánh giá lại, 1 sản phẩm nâng hạng. Các sản phẩm tập trung ở ngành thực phẩm gồm 13 sản phẩm chế biến, 2 sản phẩm gia vị, 3 sản phẩm tươi sống.
Ông Trần Tú Anh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, các sản phẩm tham gia đánh giá lần này đã thể hiện được sự đa dạng, phong phú về nguyên liệu, phát huy được các lợi thể sản phẩm đặc sản của địa phương.
Bên cạnh đó, các chủ thể sản xuất quan tâm tới yếu tố nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm, đảm bảo các điều kiện sản xuất theo quy định. Nhiều sản phẩm đã được các chủ thể đẩy mạnh tiêu thụ trên các trang thương mại điện tử hoặc website, mạng xã hội, từ đó, tạo cơ hội mở rộng thị trường ra ngoại tỉnh và tiếp cận đông đảo các đối tượng khách hàng. Các sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng lần này cũng đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về vùng nguyên liệu và sử dụng lao động địa phương. Chất lượng về hồ sơ minh chứng cơ bản được hoàn thiện rõ ràng, đánh giá được tình hình tổ chức, hoạt động sản xuất chế biến sản phẩm của các chủ thể tham gia chương trình.
Theo Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh, để đạt được kết quả trên, năm 2024 tỉnh huy động 12 tỷ đồng để phát triển các sản phẩm OCOP. Tỉnh cũng thu hút thêm khoảng 10 doanh nghiệp, 25-30 hợp tác xã, tổ hợp tác và 25-30 cơ sở kinh doanh cá thể, hộ gia đình tham gia tiêu chuẩn hóa sản phẩm OCOP. Cùng với đó, tỉnh có thêm 35-40 xã có sản phẩm tham gia; phát triển thêm 6-8 chuỗi giá trị sản phẩm OCOP có sản lượng cung ứng thường xuyên, ổn định, hiệu quả được kết nối liên kết tiêu thụ với các siêu thị, trung tâm thương mại. Đưa tỷ lệ sản phẩm OCOP trên địa bàn được liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị đạt trên 50%.
*Giúp gia tăng giá trị và doanh thu
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Thọ cho biết, lũy kế hết năm 2024, toàn tỉnh Phú Thọ đã có 308 sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ hạng 3 sao trở lên; giá trị sản phẩm hàng hóa từ sản phẩm OCOP tăng trên 12% so với năm 2023; giải quyết việc làm cho khoảng 2.200 lao động, thu nhập tăng trên 10% so với năm 2023.
Nhiều sản phẩm chủ lực thuộc chương trình OCOP của tỉnh Phú Thọ công nhận được như mì gạo Hùng Lô; thịt chua Thanh Sơn; chè Long Cốc; gạo nếp gà gáy Mỹ Lung; bưởi Đoan Hùng… đã xây dựng được thương hiệu trên thị trường. Không chỉ cạnh tranh hiệu quả trên các kệ siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Các sản phẩm OCOP của tỉnh Phú Thọ hiện cũng rất được ưa chuộng trên các sàn thương mại điện tử. Chưa dừng lại ở đó, rất nhiều sản phẩm đã được xuất bán ra thị trường nước ngoài đang góp phần đưa thương hiệu nông sản truyền thống của tỉnh Phú Thọ vươn xa.
Theo Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh, các sản phẩm được công nhân OCOP đã góp phần gia tăng giá trị, giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu. Cụ thể, đã có 55% các chủ thể OCOP gia tăng về quy mô sản xuất hoặc gia tăng sản lượng sản phẩm sau khi được công nhận OCOP. Cùng với đó, tỷ lệ sản phẩm OCOP tăng giá bán sau khi được công nhận 50,53%, mức tăng bình quân về giá 15,7%, doanh thu bán hàng tăng bình quân 29%...
Nhiều chủ thể có doanh thu tăng cao như hợp tác xã Mỳ gạo Hùng Lô doanh thu tăng 35%, Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Trường Foods doanh thu tăng 30%, Hợp tác xã Thịt chua Thanh Sơn doanh thu tăng 25%, Hợp tác xã Sản xuất Chè an toàn Long Cốc doanh thu tăng 15%; Công ty TNHH chè Hoài Trung doanh thu tăng 20%... góp phần giải quyết việc làm ổn định cho hàng lao động tại vùng nông thôn, đặc biệt vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Chương trình Mỗi xã Một sản phẩm (OCOP) được triển khai trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế nông thôn, góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường, tạo nên hướng đi mới, hiện đại, hiệu quả hơn trong sản xuất, kinh doanh giúp kinh tế nông thôn phát triển bền vững.
Theo ông Trần Tú Anh, tiếp tục xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP, trong thời gian tới, cùng với cụ thể hóa các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn của Trung ương, của tỉnh có liên quan đến chương trình, tỉnh sẽ vận dụng, lồng ghép cơ chế chính sách phát triển sản xuất, phát triển du lịch, khoa học công nghệ, khuyến nông, khuyến công, xúc tiến thương mại, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển sản phẩm, làng nghề, ngành nghề nông thôn...để hỗ trợ chương trình.
Tỉnh cũng chủ động ban hành các chính sách mới, hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức kinh tế tham gia thực hiện chương trình OCOP; trong đó, tập trung vào các nội dung hỗ trợ có trọng tâm như hỗ trợ nâng cấp, tiêu chuẩn hóa, phát triển sản phẩm; hỗ trợ xúc tiến thương mại; hỗ trợ tư vấn phát triển sản phẩm và có cơ chế thưởng các các chủ thể có sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, cấp trung ương hàng năm…