Gia tăng nhu cầu tiêm vắc-xin phòng cúm: Nhiều cơ sở 'cháy' hàng
Sự gia tăng nhanh của các ca cúm trong cộng đồng đã khiến nhu cầu tiêm vắc-xin phòng cúm của người dân tăng đột biến trong những ngày gần đây. Thực tế này khiến nguồn cung vắc-xin cúm của nhiều cơ sở tiêm chủng khan hiếm.

Cơ sở tiêm chủng Bảo Gia tại TP. Phổ Yên, TP. Thái Nguyên và huyện Đại Từ hiện vẫn đáp ứng tốt nhu cầu tiêm vắc-xin cúm của người dân.
Những ngày sau Tết, số khách hàng tìm đến các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn tỉnh để tiêm vắc-xin phòng cúm trong tình trạng tăng đột biến. Xét về một khía cạnh nào đó, đây là dấu hiệu đáng mừng, cho thấy người dân đã có ý thức hơn trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và xã hội.
Tuy nhiên, do không chủ động tiêm phòng trước khi bước vào mùa dịch nên nhu cầu tăng cao đột biến trong giai đoạn ngắn, đã và đang khiến cầu vượt quá cung, nhiều cơ sở phải vận hành hết công suất, cũng như bị cạn kiệt nguồn cung trước nhu cầu của khách. Nhiều cơ sở cho biết, phải sau một vài tháng nữa mới có vắc-xin nhập khẩu để phục vụ người dân.
Chị Nguyễn Thị Huyền, phường Gia Sàng, TP. Thái Nguyên, ngày 19-2 bất ngờ nhận được tin nhắn thông báo từ cơ sở tiêm chủng mà chị vẫn tiêm cho con trai về việc lùi lịch tiêm vắc-xin cúm vào ngày 21/2/2025 sang sau ngày 30/4/2025, do nhà nhập khẩu vắc-xin về Việt Nam chậm hơn dự kiến.
Lo lắng con đến thời gian được tiêm mà lại thiếu vắc-xin, trong khi số ca mắc cúm trong cộng đồng vẫn cao, chị Huyền đã liên hệ đến một vài cơ sở tiêm và rất may tại một số cơ sở như Bảo Gia hay FPT Long Châu đều còn vắc-xin.
Tuy nhiên, ở FPT Long Châu, chị được thông báo chỉ còn 1 trong 2 loại của Hà Lan hoặc Pháp, khi đến tiêm còn vắc-xin nào thì tiêm vắc-xin đó, với giá vẫn ổn định là 333 nghìn đồng/liều.
Chị Huyền chia sẻ: Cơ sở tiêm chủng nơi tôi vẫn tiêm cho con là cơ sở lớn mà còn hết vắc-xin tới tận tháng 5, vậy thì đối với các cơ sở quy mô nhỏ hơn, nếu không tiêm sớm cũng sẽ dễ rơi vào tình trạng tương tự. Vì thế, tôi đã đưa con đi tiêm luôn trong ngày 20-2.
Anh Lê Tiến Thành, xã Thượng Đình, huyện Phú Bình, nói: Ngày 19-2, tôi đến tiêm vắc-xin cúm tại Phòng khám đa khoa Việt Bắc, phường Trung Thành, TP. Thái Nguyên, thì được thông báo hết hàng và chưa biết đến lúc nào mới có.

Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên được gia đình đưa đi tiêm vắc-xin phòng cúm.
Trước nhu cầu tăng cao đột biến trong một thời gian ngắn của người dân thì việc thiếu vắc-xin là điều dễ hiểu, vì có đến 3/4 loại vắc-xin người dân sử dụng hiện nay có nguồn gốc nhập khẩu. Để nhập được hàng, đảm bảo các quy định của Bộ Y tế, các nhà cung cấp vắc-xin thường phải đặt trước các nhà sản xuất nước ngoài khoảng 6 tháng.
Chính vì thế, nhiều cơ sở tiêm chủng mặc dù đã chuẩn bị lượng hàng theo dự kiến đến hết tháng 4 hoặc tháng 5, thì nay đã được tiêu thụ gần hết. Thậm chí một số cơ sở hết sạch, một số cơ sở chỉ còn 1-2 loại nhưng số lượng cũng rất hạn chế. Rất ít cơ sở còn đủ 4 loại nhưng dự kiến cũng sẽ hết trong thời gian ngắn tới.
Chị Nguyễn Thị Xuyên, điều dưỡng Phòng tiêm chủng Bảo Gia, số 173, đường Trường Chinh, phường Nam Tiến (TP. Phổ Yên), cho biết: Những ngày gần đây, số lượng người đến tiêm vắc-xin cúm tại Bảo Gia tăng gấp 3-4 lần so với cùng kỳ năm 2024, còn nếu so với thời điểm bình thường, tăng gấp 6-7 lần. Trong số này, chiếm một tỷ lệ lớn khách hàng lần đầu tiên tiêm vắc-xin cúm.
Chị An Thị Thảo, xóm Đức Phú, xã Phúc Thuận, TP. Phổ Yên, cùng bà nội 86 tuổi và con trai 2 tuổi đến tiêm cúm tại Bảo Gia, chia sẻ: Tôi không biết là có vắc-xin cúm nên khi nghe người nhà bảo phải đi tiêm để phòng tránh lây nhiễm cho mình và cho mọi người nên 3 người nhà tôi đã đến đây. Bà nội tôi bị huyết áp cao nên phải ngồi nghỉ ngơi 30 phút, đợi huyết áp ổn định mới được tiêm. Chồng tôi và bà ngoại sẽ đi tiêm vào hôm sau.
Còn theo bác sĩ trưởng Trung tâm tiêm chủng VNVC Thái Nguyên Phùng Thị Kim Ngân: Trước nhu cầu tăng cao đột biết những ngày qua, VNVC Thái Nguyên đã phải huy động toàn bộ nhân viên tăng ca để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân. Có ngày cao điểm, chúng tôi phục vụ tới trên 800 khách hàng.
Được biết, trên thị trường hiện có 4 loại vắc-xin cúm, gồm của Hà Lan, Pháp, Hàn Quốc và Việt Nam. Vắc-xin giúp phòng 4 chủng virus phổ biến gồm cúm A/H1N1, A/H3N2, B/Yamagata, B/Victoria. Các vắc-xin này dành cho trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn. Phụ nữ nên tiêm phòng cúm trước và trong thai kỳ để bảo vệ sức khỏe, truyền kháng thể thụ động cho con.
Ngoài ra, cũng theo bác sĩ Phùng Thị Kim Ngân: Người dân nên tiêm thêm các loại vắc-xin phế cầu phòng 10, 13 và 23 chủng phế cầu gây bệnh viêm phổi, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết. Đây là loại vi khuẩn thường trú ở vùng hầu họng, nhân cơ hội tấn công trên bệnh nhân mắc cúm. Cúm là bệnh lây truyền cao, mỗi người có thể mắc cúm 4-6 lần trong năm.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vắc-xin cúm mùa và tiêm nhắc đều đặn hằng năm có thể làm giảm các bệnh liên quan đến cúm và nguy cơ nhập viện lên đến 90%, giảm 70-80% tỷ lệ tử vong do cúm, đặc biệt là các nhóm đối tượng miễn dịch kém, mắc bệnh mạn tính.
Sau khi tiêm, vắc-xin cần khoảng 2-3 tuần mới sinh đầy đủ kháng thể bảo vệ. Do đó, mọi người nên chủ động tiêm phòng càng sớm càng tốt.