Gia tăng giá trị thương hiệu Việt bằng đầu tư xanh
Bằng chiến lược đầu tư xanh, doanh nghiệp Việt hướng đến nền tảng kinh doanh với sự tối ưu chi phí và lợi nhuận bền vững.
Nhiều doanh nghiệp (DN)thực thi chiến lược kinh doanh xanh để cam kết tính bền vững với sản phẩm và dịch vụ vì sự tôn trọng môi trường và phát triển bền vững.
Châu Âu ngày càng đưa ra nhiều yêu cầu về trách nhiệm phát triển xanh
Việt Nam đã đánh mất vị trí thống lĩnh và năng lực cạnh tranh trong ngành dệt may một phần do chậm trễ chuyển đổi xanh. Đơn hàng giảm và rơi vào tay các DN Pakistan, Ấn Độ. Chuỗi cung ứng xanh là thành tố quan trọng trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh của các nhà xuất khẩu và cơ hội nhận được đơn hàng.
Nhưng không phải DN Việt nào cũng đợi xu hướng xanh gây sức ép lên quá trình kinh doanh mới thay đổi, mà đã nhanh chóng thực thi chiến lược đầu tư xanh từ rất sớm.
Ông Thân Đức Việt - Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, cho biết các nước châu Âu ngày càng đưa ra nhiều yêu cầu về trách nhiệm phát triển xanh và tiêu dùng xanh cho nhà sản xuất. Do đó, để có thể đưa hàng vào thị trường khó tính này, nhiều năm qua, Tổng công ty triển khai mạnh mẽ sử dụng năng lượng tái tạo, như hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái hoặc thay lò hơi đốt bằng than bằng điện hoặc nguyên liệu sinh khối không gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, Tổng công ty đã tăng sử dụng sợi tái chế trong sản phẩm lên nhiều lần để đáp ứng tiêu chuẩn xanh của các thị trường xuất khẩu.
Việt Nam cũng đã cam kết với thế giới sẽ xanh hóa nền kinh tế và đưa phát thải ròng về mức bằng 0 vào năm 2050. Vì thế, các DN Việt đều hiểu rằng phát triển xanh có nghĩa là thúc đẩy tăng trưởng dựa trên sự tôn trọng tài nguyên thiên nhiên và đi theo con đường bền vững về môi trường.
Vinamilk cũng thấu hiểu sản xuất đều có tác động đến môi trường xung quanh, nên nỗ lực tìm cách sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên và năng lượng.
Theo bà Bùi Thị Hương - Giám đốc Điều hành Vinamilk, Công ty luôn thực hiện mục tiêu tiết kiệm năng lượng ít nhất 3%, giảm thiểu lượng phát thải CO2 và các chất thải gây hiệu ứng nhà kính. Công ty tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng sạch, năng lượng có thể tái tạo. Cụ thể, Vinamilk đã chuyển sang sử dụng khí CNG và BIOMASS để thay thế cho năng lượng truyền thống như dầu FO, DO.
“Nước là một tài nguyên quan trọng phục vụ cho quá trình sản xuất, nhưng chúng tôi ý thức được sự quan trọng của tài nguyên này đối với cuộc sống con người trong bối cảnh nguồn nước ngầm đang cạn kiệt và ô nhiễm. Do đó, Công ty đã sử dụng nước một cách tiết kiệm và hiệu quả nhất.
Vinamilk còn quan tâm đến các hoạt động nhằm mục đích góp phần tuyên truyền ý thức về môi trường cho cộng đồng và góp phần vào một môi trường sống trong sạch. Quỹ Một triệu cây xanh cho Việt Nam cũng là một trong các hoạt động nằm trong định hướng này của chúng tôi”, bà Hương cho biết.
Hay một “ông lớn” khác là Nestlé Việt Nam đã đi rất nhanh trong mô hình kinh tế xanh. Từ năm 2015, các nhà máy của Nestlé Việt Nam đạt mục tiêu không chất thải rắn chôn lấp ra môi trường. Riêng trong năm 2022, nhờ các sáng kiến tái sử dụng, tái chế và tuần hoàn nước, các nhà máy của Nestlé Việt Nam đã tiết kiệm hơn 240.000m³ nước trong sản xuất. Toàn bộ bã cà phê được làm nhiên liệu sinh khối cho lò hơi trong sản xuất cà phê, giúp giảm thiểu trung bình hơn 14.000 tấn CO2 phát thải và tiết kiệm 54 tỷ đồng chi phí nhiên liệu mỗi năm.
90% bao bì sản phẩm của Nestlé Việt Nam được thiết kế để có thể tái chế, tái sử dụng. Số liệu tính đến cuối năm 2022.
Tín chỉ carbon: DN đầu tư hấp dẫn
Tín chỉ carbon đang được nhiều DN đánh giá là sẽ tạo ra những chuyển động mới cho đầu tư xanh, có thể đem lại lợi nhuận phân bổ cho cộng đồng.
Vào năm 2020, Tập đoàn Lộc Trời ký hợp tác với một công ty quốc tế, lập dự án để thực hiện xác lập loại tín chỉ này cho mô hình canh tác lúa bền vững có từ năm 2016. Mô hình này có các giải pháp về quản lý nước, phân bón và rơm rạ sau thu hoạch đúng cách, giúp giảm lượng khí thải nhà kính tạo ra trong suốt một vụ lúa ước lượng lên đến 2.000 tấn CO2.
“Hiện nay, dự án về xác lập tín chỉ carbon đã được đệ trình lên hệ thống đánh giá và thẩm định của The Gold Standard. Sau khi dự án được thông qua, sẽ đến bước kiểm tra hồ sơ và đánh giá thực địa, dự kiến sẽ có kết quả vào cuối năm 2023. Chúng tôi cũng đã thông tin đến nông dân và các ban ngành về việc chia sẻ lợi nhuận từ nguồn thu này. Sau khi trừ tất cả chi phí thực hiện mô hình và xác lập tín chỉ, toàn bộ nguồn thu còn lại sẽ được đầu tư ngược lại cho nông dân, thông qua các hoạt động như bảo hiểm, chăm sóc sức khỏe, đầu tư đầu vào không lãi suất”, ông Huỳnh Văn Thòn chia sẻ.
Theo ông Huỳnh Văn Thòn, mục tiêu chính của Lộc Trời trong việc xác lập tín chỉ carbon là tạo ra hồ sơ xanh cho mảng xuất khẩu gạo sang thị trường châu Âu và Mỹ. Khi luật về thuế carbon có hiệu lực vào năm 2025 ở các quốc gia này, hồ sơ sản xuất xanh sẽ là một lợi thế lớn trong cạnh tranh xuất khẩu và tăng sản lượng xuất khẩu vào các quốc gia khó tính.
Mới đây, VinaCapital đã thành lập Quỹ Đầu tư tác động VinaCarbon, chuyên đầu tư vào các công ty và dự án có thể tạo ra tín chỉ carbon. Quỹ VinaCarbon sẽ đầu tư vào các công ty và dự án có thể tạo ra các tín chỉ carbon. Một tín chỉ carbon tương đương với một tấn khí thải nhà kính được cắt giảm. Đây là một loại hình đầu tư đầu tiên ở Việt Nam.
TS. Nguyễn Linh Ngọc - Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam: Nâng cao tính cạnh tranh khi tham gia vào thị trường carbon.
Thị trường tín chỉ carbon mang lại nhiều lợi ích cho địa phương và DN. Cụ thể hơn, các DN vừa có khả năng tạo ra nguồn doanh thu bổ sung từ việc giao dịch hạn ngạch hay tín chỉ carbon, vừa nâng cao hình ảnh và tăng tính cạnh tranh khi tham gia vào thị trường carbon, qua đó, đóng góp vào mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính quốc gia và toàn cầu, góp phần vào thực hiện cam kết mục tiêu Net Zero của quốc gia vào năm 2050.