Gia tăng ca viêm phổi tại Trung Quốc: không nên quá hoang mang

Những ngày gần đây, hệ thống giám sát dựa vào sự kiện ghi nhận thông tin các trường hợp mắc bệnh do virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) tại Trung Quốc. Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã chủ động việc theo dõi, giám sát tình hình diễn biến dịch bệnh.

Virus HMPV có đáng lo ngại?

PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho hay, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, HMPV được phát hiện từ năm 2001, thuộc họ Pneumoviridae - cùng họ với virus hợp bào hô hấp (RSV).

Đây là những loại virus thông thường, không phải loại nguy hiểm. Chính vì vậy, người dân không nên quá hoang mang. Quan trọng là mức độ nghiêm trọng và khả năng lây lan của HMPV thấp hơn nhiều so với Covid-19.

Đến thời điểm hiện tại, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chưa có thông tin chính thức cảnh báo về dịch bệnh này tại Trung Quốc. Ngoài ra, theo thông tin từ Trung Quốc, bệnh hô hấp này do virus cúm, virus hợp bào hô hấp RSV thông thường gây ra.

Virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) tại Trung Quốc được phát hiện từ năm 2001, thuộc họ Pneumoviridae - cùng họ với virus hợp bào hô hấp (RSV).

Virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) tại Trung Quốc được phát hiện từ năm 2001, thuộc họ Pneumoviridae - cùng họ với virus hợp bào hô hấp (RSV).

Còn về số ca mắc bệnh gia tăng tại Trung Quốc là do trong thời gian đại dịch Covid-19 giãn cách xã hội, số người mắc bệnh do HMPV giảm, dẫn đến miễn dịch cộng đồng giảm. Trong khi đó, bệnh do virus HMPV vẫn là bệnh xảy ra hàng năm, đặc biệt thời gian Đông Xuân.

Mặt khác, tại Trung Quốc hiện nay đang trong giai đoạn thời tiết mùa Đông, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp có xu hướng gia tăng, bao gồm các tác nhân chính là virus cúm mùa, virus RSV, virus HMPV. “Vì vậy, khi vào mùa virus phát triển, cùng với biện pháp phòng dịch hạn chế, miễn dịch cộng đồng giảm dẫn đến số ca mắc gần đây có sự gia tăng” - PGS.TS Trần Đắc Phu lý giải.

Theo chuyên gia, người dân không nên quá lo ngại vì theo thông tin của Trung Quốc, đây là các virus lưu hành hàng năm. Việt Nam tiếp tục theo dõi những tin tức từ WHO để có những cảnh báo và đáp ứng phù hợp. Để ứng phó với dịch bệnh, chúng ta không nên lo lắng quá nhưng cũng không được chủ quan.

Đặc biệt, trong giai đoạn mùa Đông Xuân hiện nay với điều kiện thời tiết thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh qua đường hô hấp lây lan, người dân cũng cần chú ý phòng bệnh do virus hợp bào hô hấp RSV hay virus HMPV giống như các bệnh được hô hấp khác.

Bệnh nhi mắc virus RSV được điều trị tại các phòng cách ly của Bệnh viện Nhi T.Ư.

Bệnh nhi mắc virus RSV được điều trị tại các phòng cách ly của Bệnh viện Nhi T.Ư.

Khi có biểu hiện ho, sốt, sổ mũi…, người dân cần hạn chế đến đám đông, nơi công cộng để tránh lây nhiễm bệnh cho người khác. Đồng thời, rửa tay với xà phòng, vệ sinh thường xuyên.

Khi tiếp xúc với người có biểu hiện bệnh cần đeo khẩu trang. Đặc biệt, với trẻ em, người già, người có bệnh lý nền khi mắc bệnh hô hấp có thể dẫn đến chuyển nặng. Vì vậy, khi có biểu hiện ho, sốt, khó thở, đau ngực..., người dân nên đến ngay các cơ sở y tế để thăm, khám, điều trị kịp thời.

HMPV mức độ nguy hiểm thấp hơn Covid-19

Đề cập đến vấn đề này, bác sĩ Thân Mạnh Hùng - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cho hay, bản chất virus HMPV cùng họ với virus hợp bào RSV. Đối với virus nói chung thường xảy ra đột biến, bản thân virus cúm cũng đột biến. Tuy nhiên, mức độ và vị trí đột biến sẽ quyết định đến độc tính, khả năng lây lan của dịch bệnh.

HMPV là một dạng biến thể của virus RSV, đã từng được ghi nhận, không quá nguy hiểm. Tuy nhiên khả năng đột biến của virus diễn ra thường xuyên, vì vậy cần tiếp tục theo dõi, không nên quá hoang mang, cũng không chủ quan. Nếu dịch phát triển, có nguy cơ lây lan nhanh hoặc độc tính, cần có khuyến cáo phù hợp. Bởi trẻ em, người già, người có bệnh lý nền khi mắc bệnh hô hấp có thể dẫn đến chuyển nặng.

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cho rằng, HMPV ít lây lan hơn SAR-CoV-2. Tỷ suất tái tạo căn bản của HMPV là 2 trong khi đó ở SARS-CoV-2 có thể lên đến 5 hay cao hơn đối với biến chủng Delta.

HMPV không phải là virus mới, từng được ghi nhận tại TP Hồ Chí Minh, chiếm tỷ lệ thấp.

HMPV không phải là virus mới, từng được ghi nhận tại TP Hồ Chí Minh, chiếm tỷ lệ thấp.

Vì vậy, HMPV có mức độ lây lan hạn chế hơn, thường gặp vào cuối mùa Đông còn SARS-CoV-2 có thể xảy ra vào bất cứ mùa nào với mức độ lây lan nhanh tạo thành đại dịch.

HMPV thường gây nên sốt nhẹ và các triệu chứng hô hấp như chảy mũi, đau họng, ho, thở ran rít trong khi đó bệnh Covid-19 gây triệu chứng nặng hơn như sốt cao, mệt mỏi, đau cơ, nhức đầu, các triệu chứng hô hấp như ho có thể diễn tiến nặng thành suy hô hấp gây tử vong.

“HMPV có mức độ nguy hiểm thấp hơn đáng kể Covid-19. HMPV chỉ đáng quan ngại khi xảy ra ở bệnh nhân nhỏ tuổi, người già hoặc người có bệnh nền trong khi đó Covid-19 có thể gây tử vong ở bất cứ lứa tuổi nào” - PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho hay.

Liên quan đến vấn đề này, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, HMPV không phải là virus mới, từng được ghi nhận tại TP Hồ Chí Minh, chiếm tỷ lệ thấp (12,5% ở trẻ em) so với các tác nhân khác như rhinovirus (44,6%), virus hô hấp hợp bào RSV (41,1%), cúm A (25%) trong các năm 2023 và 2024.

Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm tại TP Hồ Chí Minh năm 2024 ghi nhận số ca viêm đường hô hấp dao động từ 16.000 - 18.000 ca mỗi tháng trong 8 tháng đầu năm và tăng trong 3 tháng cuối năm. Kết quả báo cáo từ chương trình nghiên cứu tác nhân viêm phổi cộng đồng cho thấy tác nhân gây bệnh vẫn là các virus và vi khuẩn phổ biến.

Ngoài ra, trong đợt bùng phát viêm hô hấp trẻ em vào cuối năm 2023 tại TP Hồ Chí Minh, kết quả giám sát cũng ghi nhận tình trạng đa dạng tác nhân virus thường gặp, trong đó tác nhân HMPV cũng được phát hiện với tỷ lệ 15%.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định, các đợt dịch đường hô hấp theo mùa thường xảy ra vào mùa Đông tại khu vực có khí hậu ôn đới. Sự gia tăng số ca mắc do virus viêm phổi được dự báo từ trước và không có yếu tố nào bất thường do đó không khuyến cáo hạn chế về giao thương, áp dụng biện pháp ngăn chặn.

Bộ Y tế tiếp tục theo dõi, bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị triển khai các biện pháp phù hợp, kịp thời, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, không để xảy ra hoang mang, lo lắng.

Thanh Bình

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/gia-tang-ca-viem-phoi-tai-trung-quoc-khong-nen-qua-hoang-mang.html
Zalo