Gia súc nhập lậu rầm rộ về nước do có địa phương còn buông lỏng quản lý?

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, có tình trạng địa phương đang buông lỏng quản lý đối với động vật và các sản phẩm động vật nhập lậu.

Phải chống lợn nhập lậu như nhiệm vụ chính trị

Theo ông Tiến, tình trạng lợn nhập phía Nam diễn ra rầm rộ nên phải có giải pháp ngăn chặn một cách quyết liệt hơn nữa, nếu các tỉnh làm mạnh tay thì chắc chắn tình trạng buôn lậu bò, lợn qua biên giới sẽ giảm mạnh.

"Các năm trước chúng ta đã xử lý hình sự nhiều đối tượng trong đường dây nhập lậu gia súc, sắp tới chúng ta phải tăng mạnh xử lý hình sự những trường hợp này để tăng tính răn đe. Thời gian tới, Bộ sẽ làm việc với ngành công an để thực hiện những chiến dịch truy quét mạnh tay", ông Tiến cho hay.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y cho rằng các lực lượng như biên phòng đóng vai trò lớn trong việc chống nhập lậu gia súc.

Các tỉnh biên giới cần xem lại việc quản lý ngành chăn nuôi, cần lập hồ sơ và kiểm soát tốt số lượng gia súc ở vùng giáp ranh để dễ phát hiện khi heo nhập lậu trà trộn vào heo được nuôi trong nước.

"Xe chở lợn là xe to như thế, lợn kêu inh ỏi sao biên phòng không nắm được. Tất cả cùng đồng lòng thì gia súc không thể nhập lậu dễ dàng như thế", ông Long nhìn nhận.

Lực lượng chức năng ngăn chặn một vụ nhập lậu lợn qua biên giới

Lực lượng chức năng ngăn chặn một vụ nhập lậu lợn qua biên giới

Ông Tiến cho hay, đợt dịch tả châu Phi chúng ta mất hơn 6 triệu con lợn, cúm gia cầm tiêu hủy hơn 60 triệu con gia cầm... Dịch bệnh, gia súc nhập lậu ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế, môi trường đầu tư, đặc biệt ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.

"Bao công sức mời gọi đầu tư vào chăn nuôi, giờ để nhập lậu, dịch bệnh bùng phát thì coi như đổ sông đổ biển. Quy định có rồi, vấn đề là khâu tổ chức thực hiện, các địa phương, chức năng như thế nào. Chúng ta phải xem chống lợn nhập lậu như là nhiệm vụ chính trị", ông Tiến nói.

Lợn "nội" đuối sức trước lợn nhập lậu

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Long An cho biết, tỉnh này đã và đang đẩy mạnh hoạt động chống nhập lậu gia súc từ Campuchia qua biên giới và cương quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Tuy vậy, bà Khanh cho rằng cái khó hiện nay là câu chuyện "ngoại giao đường biên" với tính chất trao đổi, hỗ trợ cư dân dọc biên giới của hai nước, dẫn đến nhiều trường hợp khó xử lý thỏa đáng.

Do đó Nhà nước và Bộ, ngành cần xem xét, hướng dẫn thêm về vấn đề này. Ngoài ra, theo bà Khanh, ngành nông nghiệp cần kiến nghị với ngành công an để phối hợp tổ chức một chuyên án điều tra lớn ở nhiều tỉnh thành về chống buôn lậu gia súc.

Từ góc độ người chăn nuôi, ông Nguyễn Trí Công, chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết người nuôi đã thua lỗ rất nhiều trong cả năm qua do giá lợn xuống thấp, giờ thêm cạnh tranh với lợn nhập lậu nên càng áp lực.

Theo ông Công, ngoài việc tăng và quy trách nhiệm hơn nữa về cho địa phương trong việc để lợn nhập lậu, ngành nông nghiệp cần tính toán giảm giá thành chăn nuôi để tăng tính cạnh tranh và triệt tiêu vấn đề nhập lậu; tăng kiểm soát chất lượng đầu ra (thịt bán ngoài thị trường).

"Hiện giá thành chăn nuôi lợn hơi tại Campuchia chỉ khoảng 42.000 - 48.000 đồng/kg, trong khi Việt Nam trên dưới 54.000 đồng/kg, việc chênh lệch về giá là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lợn nhập lậu bùng phát kéo dài", ông Công nhận định.

Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN&PTNT Tây Ninh cho hay, tình trạng lợn nhập lậu diễn biến phức tạp là do nhiều tỉnh thành, cơ quan chuyên trách địa phương chưa sâu sát, quyết liệt.

Cũng theo ông Xuân, hiện ngành nông nghiệp Tây Ninh đã quy trách nhiệm cho xã, cơ quan, khu vực nào để lợn lậu qua biên giới thì phải liên đới chịu trách nhiệm.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/gia-suc-nhap-lau-ram-ro-ve-nuoc-do-co-dia-phuong-con-buong-long-quan-ly-post565725.antd
Zalo