Giá nông sản hôm nay 9/5/2025: Giá cà phê tăng bất thường, Giá tiêu ngừng giảm, Giá heo tăng; Doanh nghiệp Việt bị điều tra phòng vệ nhiều nhất ASEAN

Báo Thế giới và Việt Nam cập nhật giá nông sản hôm nay 9/5/2025 giao dịch trên thị trường quốc tế và thị trường trong nước:

Giá cà phê hôm nay 9/5/2025

Giá cà phê thế giới đồng loạt quay đầu tăng sau chuỗi ngày giảm liên tiếp.

Giá cà phê tăng trong bối cảnh đồng USD đang hồi phục mạnh khác với thông thường - đồng USD tăng sẽ đẩy giá cà phê giảm. Các chuyên gia cho rằng, hiện tượng bất thường này là do đầu cơ mua vào sau chuỗi ngày giảm và 2 sàn cà phê đón dòng vốn từ sàn vàng chuyển qua.

Nguồn cung thắt chặt khi các nước sản xuất robusta chính ở châu Á vẫn còn khan hiếm, nông dân Việt Nam đã bán phần lớn hàng tồn kho, trong khi vụ thu hoạch ở Indonesia vẫn chưa bắt đầu. Hàng xuất khẩu từ Brazil tiếp tục giảm và giảm rất mạnh.

Theo số liệu của Cục Hải quan Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 665.889 tấn, trị giá 3,8 tỷ USD, giảm 9,1% về lượng nhưng tăng đến 51,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024. Trong khi đó, Brazil công bố dữ liệu sơ bộ cho thấy xuất khẩu cà phê nhân xanh của nước này trong tháng 4 đã giảm mạnh 31,9% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt tổng cộng 2,88 triệu bao.

Tuy nhiên, đà tăng giá có phần hạn chế do đồng USD mạnh, khi thị trường bớt lo lắng nhờ thỏa thuận thương mại song phương Mỹ-Anh, trong khi đồng bảng Anh đảo ngược mức tăng đạt được sau khi Ngân hàng Anh cắt giảm lãi suất.

Giá cà phê trong nước ngày 8/5 giảm tiếp 300 đồng/kg tại các địa phương thu mua trọng điểm. (Đơn vị tính: VNĐ/kg)

(Nguồn: giacaphe.com)

Ghi nhận của Báo Thế giới và Việt Nam, chốt phiên giao dịch ngày 8/5, giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe London kỳ hạn giao hàng tháng 7/2025 quay đầu tăng 26 USD, giao dịch tại 5.265 USD/tấn. Kỳ hạn giao hàng tháng 9/2025 tăng 26 USD, giao dịch tại 5.213 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp.

Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US New York tăng, kỳ hạn giao hàng tháng 7/2025 tăng 3,25 Cent, giao dịch tại 387,35 Cent/lb. Kỳ hạn giao tháng 9/2025 tăng 3,10 Cent giao dịch tại 381,80 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trung bình thấp.

Giá nông sản hôm nay 9/5/2025: Giá cà phê tăng bất thường, Giá tiêu ngừng giảm, Giá heo tăng; Doanh nghiệp Việt bị điều tra phòng vệ nhiều nhất ASEAN.

Giá nông sản hôm nay 9/5/2025: Giá cà phê tăng bất thường, Giá tiêu ngừng giảm, Giá heo tăng; Doanh nghiệp Việt bị điều tra phòng vệ nhiều nhất ASEAN.

Giá tiêu hôm nay 9/5/2025

Giá hồ tiêu trong nước không đổi so sau 3 ngày giảm liên tiếp.

Giá tiêu Việt Nam hiện dao động trong khoảng 153.000 – 155.000 đồng/kg. Trong khi giá tiêu Indonesia tăng nhẹ trở lại.

Giá tiêu thế giới mới nhất được cập nhật từ Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế ngày 9/5.(tỷ giá USD 1 USD = 26.150 VND)

Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông được thu mua với mức 155.000 đồng/kg.

Tại các tỉnh Gia Lai, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước giá tiêu hôm nay đồng giá ở 153.000 đồng/kg.

Theo số liệu sơ bộ của Hiệp hội hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), Việt Nam đã nhập khẩu 5.688 tấn hồ tiêu các loại trong tháng Tư. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã nhập khẩu 15.374 tấn hồ tiêu các loại, với tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 88,3 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2024 lượng nhập khẩu tăng 25,3%, trong khi kim ngạch tăng tới 104,8%. Việt Nam chủ yếu nhập khẩu hồ tiêu từ Brazil: 8.155 tấn, tăng 33,1%, Indonesia: 4.288 tấn, tăng 207,8% và Campuchia: 1.906 tấn, giảm 49,3%.

VPSA cho biết, vụ thu hoạch hồ tiêu của Việt Nam dự kiến sẽ thu hoạch cho đến hết tháng 4/2025. Không như những năm trước, thời điểm thu hoạch thì giá giảm do nguồn cung dồi dào, tuy nhiên từ đầu năm đến nay giá tiêu nội địa luôn ở mức trên dưới 150.000 đồng/kg do người nông dân bán cầm chừng.

Giá heo hôm nay 9/5/2025

Giá heo hơi đảo chiều tăng trên cả ba miền Bắc Trung Nam.

Hiện tại, heo hơi trên toàn quốc được thương lái thu mua trong khoảng 66.000 - 74.000 đồng/kg.

Sau nhiều ngày liên tục giữ giá đi ngang, giá heo hơi tại khu vực miền Bắc tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg tại nhiều tỉnh, giao dịch trong khoảng 67.000 - 68.000 đồng/kg. Cụ thể, tại Bắc Giang, Hưng Yên, Thái Nguyên, Phú Thọ, Thái Bình, Hà Nam, Vĩnh Phúc, TP Hà Nội, Ninh Bình, Tuyên Quang giá heo đồng loạt tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg, thu mua trong khoảng 67.000 - 68.000 đồng/kg. Riêng Yên Bái, Lào Cai và Nam Định không ghi nhận biến động về giá.

Khu vực miền Trung - Tây Nguyên ghi nhận giá heo hơi điều chỉnh trái chiều, thu mua 67.000 - 73.000 đồng/kg. Cụ thể, Thanh Hóa và Nghệ An cùng lên một giá, đạt 68.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá heo hơi tại Quảng Bình và Quảng Trị hạ giá, lần lượt về mức 69.000 đồng/kg và 68.000 đồng/kg.

Thị trường heo hơi miền Nam cũng đảo chiều tăng sau nhiều ngày giữ xu hướng đi xuống, dao động từ 73.000 - 75.000 đồng/kg. Giá heo hơi tăng một giá tại Cà Mau đạt 74.000 đồng/kg. Trong khi đó, Long An ghi nhận tăng 2.000 đồng/kg, lên 75.000 đồng/kg.

Thông tin thị trường xuất khẩu

Tại “Hội nghị nâng cao năng lực phòng vệ thương mại và cảnh báo sớm cho doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh biến động chính sách thuế toàn cầu” diễn ra ngày 7/5, bà Nguyễn Anh Thơ, Phòng xử lý Phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết, doanh nghiệp Việt Nam đang trở thành đối tượng bị điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất trong khu vực Asean.

Chỉ riêng trong năm 2024, các doanh nghiệp Việt Nam đã bị khởi xướng 27 vụ điều tra, đứng thứ 2 trong lịch sử về số vụ trong một năm. Mỹ là thị trường điều tra nhiều nhất, chiếm gần 50% tổng số vụ việc. Các mặt hàng bị điều tra trải rộng từ các sản phẩm có kim ngạch lớn như pin năng lượng mặt trời, tôm, thép đến các sản phẩm nhỏ hơn nhưng vẫn bị chú ý như đĩa giấy, khay đúc từ sợi giấy.

Tổng số vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với Việt Nam tính đến tháng 4/2025 đã lên đến 284 vụ; trong đó, 54,6% số vụ chống bán phá giá, 20,8% vụ liên quan tự vệ 20,8%, chống lẩn tránh chiếm 13,7% và 10,9% số vụ chống trợ cấp.

Ngoài ra, điều tra chống lẩn tránh phòng vệ thương mại có xu hướng tăng mạnh, đặc biệt từ phía Mỹ (22 vụ). Kết quả này cho thấy lo ngại ngày càng lớn về việc Việt Nam bị lợi dụng như một “trạm trung chuyển” hàng hóa.

Hệ thống cảnh báo sớm của Bộ Công Thương đã xác định một số nhóm hàng xuất khẩu có nguy cơ cao bị điều tra phòng vệ thương mại, bao gồm: Ngành gỗ (gỗ dán, tủ bếp, ghế sofa khung gỗ, gỗ thanh định hình); thép (thép cán nóng, thép dự ứng lực, thép chống ăn mòn, cáp thép); vật liệu xây dựng (đá nhân tạo, gạch men); cơ khí, chế tạo (pin năng lượng mặt trời, xe đạp điện, máy giặt, lốp xe) và kim loại màu.

Để giảm thiểu rủi ro bị điều tra phòng vệ thương mại, duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, các chuyên gia khuyến nghị, doanh nghiệp Việt cần tìm hiểu và cập nhật thường xuyên các quy định phòng vệ thương mại của các nước nhập khẩu, đặc biệt các thị trường “nhạy cảm” như Mỹ và EU.

Mỗi doanh nghiệp thiết lập hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc nguyên liệu, chứng minh tỷ lệ giá trị gia tăng nội địa rõ ràng. Song song đó, cần đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu; cạnh tranh bằng chất lượng thay vì chỉ tập trung vào giá cả.

Trường hợp bị khởi xướng điều tra, doanh nghiệp cần hợp tác chặt chẽ với cơ quan điều tra nước ngoài và phối hợp với Cục Phòng vệ Thương mại cũng như các hiệp hội ngành hàng để được hỗ trợ kịp thời. Việt Nam với vị thế là quốc gia xuất khẩu lớn phải chủ động trong việc bảo vệ lợi ích ngành hàng và duy trì bền vững thị trường xuất khẩu. Hệ thống cảnh báo sớm cùng sự chủ động từ phía doanh nghiệp là yếu tố then chốt để giảm thiểu thiệt hại và duy trì tăng trưởng bền vững.

Gia An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/gia-nong-san-hom-nay-952025-gia-ca-phe-tang-bat-thuong-gia-tieu-ngung-giam-gia-heo-tang-doanh-nghiep-viet-bi-dieu-tra-phong-ve-nhieu-nhat-asean-313777.html
Zalo