Giá lúa tăng trở lại

Thời điểm này, nhiều diện tích lúa Đông Xuân (ĐX) 2024-2025 trên địa bàn tỉnh Long An bước vào giai đoạn thu hoạch. Theo nhiều nông dân, giá lúa tăng khoảng 1.000 đồng/kg so với trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Đây là tín hiệu đáng mừng cho người trồng lúa.

Giá lúa tăng khoảng 1.000 đồng/kg so với trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025

Giá lúa tăng khoảng 1.000 đồng/kg so với trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025

Giá lúa tăng nhẹ

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh gieo sạ 238.181ha lúa ĐX 2024-2025, đạt 106% kế hoạch, trong đó đã thu hoạch 55.730ha, năng suất khô ước 59,24 tạ/ha, sản lượng ước 330.142 tấn.

Hiện nhiều diện tích lúa ĐX trên địa bàn các huyện, thị xã vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh bước vào giai đoạn thu hoạch. Nếu như trước tết, giá lúa giảm sâu, chỉ còn từ 6.000-7.200 đồng/kg (tùy giống) thì hiện nay tăng khoảng 1.000 đồng, dao động từ 7.000-8.200 đồng/kg (tùy giống).

Ông Nguyễn Văn Hà (xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa) chia sẻ: “Gia đình tôi vừa thu hoạch xong 6ha lúa ĐX, năng suất hơn 7 tấn/ha. Thương lái thu mua tại ruộng với giá 7.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, tôi còn lãi khoảng 15 triệu đồng/ha. Dù chi phí sản xuất vụ này hơi cao do sâu, bệnh gây hại nhưng giá lúa OM18 tăng 1.000 đồng/kg so với trước tết nên tôi vẫn có lời”.

Anh Lê Đình Thanh Tâm (xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường) cũng đang tất bật thu hoạch hơn 7ha lúa (giống ST25), năng suất ước 8 tấn/ha. “Giá lúa hiện tại khoảng 9.000 đồng/kg, tăng hơn 1.000 đồng/kg so với trước tết. Mặc dù giá lúa chưa cao bằng các vụ sản xuất trước nhưng tôi vẫn có lãi khá. Hy vọng giá bán lúa tiếp tục tăng trong các vụ tới” - anh Tâm phấn khởi nói.

Còn ông Ngô Văn Tài (xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường) cho biết: “Vụ ĐX năm nay, tôi gieo sạ 6ha lúa OM18, đã được 80 ngày tuổi. Thương lái tìm mua và đặt cọc với giá 7.200 đồng/kg. Tuy nhiên, tôi chưa đồng ý bán”.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền cho biết, giá lúa đang tăng nhẹ từ 800-1.000 đồng/kg so với trước tết và có xu hướng tiếp tục tăng. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho nông dân trong lúc chi phí sản xuất tăng cao do ảnh hưởng của sâu, bệnh và biến đổi khí hậu.

Tập trung phòng trừ sâu, bệnh

Bên cạnh các diện tích lúa ĐX trong giai đoạn thu hoạch, phần lớn các diện tích lúa ĐX còn lại trên địa bàn tỉnh đang trong giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng. Do đó, để vụ ĐX thắng lợi, nông dân trên địa bàn tỉnh cần tập trung phòng trừ các loại sâu, bệnh.

Thông tin từ Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh, các sinh vật gây hại trên lúa ĐX 2024-2025 đang có xu hướng giảm diện tích nhiễm. Trong đó, giảm nhiều là các đối tượng bệnh đạo ôn lá, bệnh cháy bìa lá, sâu năn và bọ trĩ. Riêng các đối tượng bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh lem lép hạt, chuột, sâu đục thân và sâu cuốn lá nhỏ tăng nhẹ diện tích nhiễm trên trà lúa giai đoạn đòng trổ.

Cụ thể, 1.910ha lúa nhiễm bệnh đạo ôn, giảm 821ha so với tuần trước, trong đó nhiễm từ 5-10% chiếm 1.770ha, 140ha nhiễm từ 10-20%, chủ yếu trên lúa giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng ở hầu hết các cánh đồng lúa của các huyện, thị xã Kiến Tường và TP.Tân An.

Còn có các đối tượng sinh vật gây hại khác như sâu năn (570ha), sâu đục thân (514ha), bệnh cháy bìa lá (266ha), chuột (240ha), sâu cuốn lá nhỏ (204ha), rầy nâu (88ha), bệnh vàng lá (52ha), bệnh đạo ôn cổ bông (35ha), bệnh đốm vằn (20ha), bệnh lem lép hạt (15ha), bọ trĩ (15ha),... gây hại trên trà lúa giai đoạn mạ, đẻ nhánh, đòng trổ ở hầu hết các huyện, thị xã Kiến Tường và TP.Tân An.

Riêng đối tượng sâu năn nhiễm 570ha lúa, giảm 643ha so với tuần trước, trong đó 240ha nhiễm 5%; 330ha nhiễm 10-20%, chủ yếu trên lúa giai đoạn đẻ nhánh, đòng ở huyện Tân Hưng (330ha), thị xã Kiến Tường (200ha) và huyện Thạnh Hóa (40ha).

Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Nguyễn Văn Cường, Chi cục đề nghị Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện tăng cường theo dõi sinh vật gây hại trên lúa vụ ĐX 2024-2025, kịp thời hướng dẫn nông dân các biện pháp quản lý khi xuất hiện sinh vật gây hại lúa. Đồng thời, Chi cục cũng yêu cầu các đơn vị chuyên môn tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hướng dẫn nông dân chăm sóc cây lúa khỏe để tăng sức chống chịu với sâu, bệnh hại.

Đặc biệt, hiện nay, thời tiết ẩm độ cao, có sương mù vào sáng sớm kết hợp với các trà lúa chủ yếu ở giai đoạn đòng, trổ nên thích hợp cho các đối tượng sinh vật gây hại phát triển. Do đó, ngành chuyên môn, nông dân chú ý theo dõi các đối tượng gây hại như bệnh đạo ôn lá, sâu năn, rầy nâu, chuột trên các trà lúa giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng và các đối tượng bệnh cháy bìa lá, đạo ôn cổ bông, lem lép hạt trên trà lúa giai đoạn trổ chín./.

Bùi Tùng

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/gia-lua-tang-tro-lai-a190031.html
Zalo