Nông dân Gia Lai tưới cà phê xuyên Tết chuẩn bị vụ mùa mới sau một năm bội thu

Sau niên vụ cà phê 'được mùa, được giá', trước và sau Tết Nguyên đán 2025, bà con tại Gia Lai tất bật đắp đập, ngăn nước lo tưới cà phê để cây ra hoa, đậu quả đúng thời điểm. Việc tưới nước kịp thời sẽ quyết định phần lớn đến năng suất cà phê niên vụ này nên người dân rất chú trọng.

Sau một mùa vụ bội thu, người dân ở thủ phủ cà phê của tỉnh Gia Lai lại rộn ràng tưới nước, chuẩn bị cho mùa vụ mới. Để kịp thời cung cấp đủ nước cho vườn cà phê đợt đầu tiên, nhiều nông dân ở huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) “trắng đêm” tưới nước xuyên Tết.

Sở dĩ người dân lo lắng tưới nước sớm cho vườn cà phê bởi sau khi thu hoạch khoảng 1 tháng cây cần nước gấp để ra hoa đúng thời điểm. Nếu tưới muộn, cà phê sẽ bị suy kiệt, rụng lá, khô cành và giảm năng suất. Ngoài ra, năm 2025 được dự báo sẽ hạn nặng khiến người dân lo lắng về việc thiếu nước tưới nên tưới sớm.

 Nông dân tại Gia Lai tất bật tưới cà phê chuẩn bị cho vụ mùa mới

Nông dân tại Gia Lai tất bật tưới cà phê chuẩn bị cho vụ mùa mới

Dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, vợ chồng ông Trần Đức Huyền (trú tại xã Ia Yok, huyện Ia Grai, Gia Lai) “trắng đêm” ngoài vườn cà phê để canh, tưới nước đợt 1 và đợt 2. Để tiết kiệm nước, ông Huyền sử dụng cách tưới béc, phun mưa tự động. Những cây nước không tới, ông cùng vợ thức đêm dùng vòi, dẫn nước tưới.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Huyền chia sẻ: “Trước Tết Nguyên đán, gia đình tôi đã tưới đợt 1 cho hơn 3ha cà phê trong vườn. Vừa ra Tết, gia đình lại vội kéo nước tưới đợi 2 cho cây có sức ra hoa, bung đọt đúng thời điểm. Việc tưới nước kịp thời sẽ quyết định phần lớn đến năng suất cà phê niên vụ tới.

Nhằm giảm chi phí nhân công khi tưới, tôi đã đầu tư giàn béc tưới tự động. Giá dịch vụ tưới gồm tiền điện, công tưới dao động gần 3 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, nông dân trên địa bàn thường tưới đồng loạt trên nhiều diện tích cà phê nên việc thiếu nước luôn xảy thường trực. Để ứng phó với khả năng hạn cao, tôi đã thuê máy đào lại sâu lại cái ao sau vườn để tích nước cho những lần sau”.

 Việc tưới nước kịp thời sẽ quyết định phần lớn đến năng suất cà phê niên vụ này nên người dân rất chú trọng

Việc tưới nước kịp thời sẽ quyết định phần lớn đến năng suất cà phê niên vụ này nên người dân rất chú trọng

Tương tự gia đình ông Huyền, dịp trước và sau Tết Nguyên đán, anh Trần Xuân Hường (trú tại xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) đã lo lắng giữ nước để tưới hơn 3ha cà phê của mình. Vừa tưới nước đợt 1 nhưng nhiều ao hồ, suối đã cạn nhiều so với mọi năm.

Đợt tưới đầu tiên, anh Hường đã phải vừa sử dụng nước của hồ thủy lợi trong xã và giếng khoan mới đủ nước tưới cho hơn 3ha cà phê trong vườn. Lo lắng mùa hạn nặng nề hơn năm ngoái, năm nay anh đã bỏ ra gần 80 triệu đồng để khoan 2 giếng giữa vườn để phục vụ hơn 3 ha cà phê.

 Nhiều nông dân chọn phương pháp tưới béc, tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước

Nhiều nông dân chọn phương pháp tưới béc, tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước

“So với trước đây, giá cà phê những năm gần đây đã khởi sắc nên nhiều nhà vườn cũng đầu tư vào vườn cà phê mạnh hơn. Những năm trước, hạn hán kéo dài khiến nhiều vườn cà phê chết khô. Bởi vậy, những ngày cận Tết Nguyên đán tôi đã kéo nước vào tưới đợt 1 cho vườn cà phê. Ra tết, hai vợ chồng tiếp tục kéo ống tưới nước đợt 2 và bón thêm phân thúc để cây phát triển tốt, ra hoa đúng thời điểm”, anh Hường cho hay.

Theo người dân ở thủ phủ cà phê tỉnh Gia Lai, năm 2024 lượng mưa ở huyện Ia Grai tương đối ít so với nhiều năm trước. Trong năm 2025 lại nhuần 2 tháng 6 nên dự báo sẽ xảy ra tình trạng hạn hán kéo dài. Lo lắng vườn cà phê thiếu nước tưới, nhiều nông dân trồng cà phê đã bỏ hàng chục triệu đồng đầu tư giếng trong các vườn để trữ nước.

 Dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, nông dân tất bật kéo ống tưới đủ nước cho vườn cà phê để cây ra hoa, đậu quả đúng thời điểm

Dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, nông dân tất bật kéo ống tưới đủ nước cho vườn cà phê để cây ra hoa, đậu quả đúng thời điểm

Trung bình, mỗi năm nông dân trồng cà phê trên địa bàn tỉnh Gia Lai thực hiện tưới khoảng 3 đợt. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, thời tiết nắng nóng kéo dài nên bà con phải tưới đến đợt thứ 5. Do tình trạng hạn hán, năm 2024, nhiều diện tích cà phê đã bị chết khô do thiếu nước tưới. Các ao hồ, sông, suối đều ở một số địa phương của tỉnh Gia Lai đã cạn trơ đáy vào khoảng tháng 5/2024.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Phan Đình Thắm - Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Ia Grai cho biết: “Huyện có hơn 18.000 ha cà phê, đến thời điểm hiện tại lượng nước vẫn đang phục vụ đủ cho nhu cầu tưới cà phê của bà con trên địa bàn. Nhằm đảm bảo nguồn nước tưới cho những tháng tới, huyện đã có văn bản gửi đến nhiều xã kiểm tra hồ, đập thủy lợi để có phương án tích nước cho mùa hạn.

Bên cạnh đó, đơn vị cũng tuyên truyền đến người nông dân áp dụng các phương pháp tưới béc, tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước. Đồng thời, người dân cần bón phân hợp lý bổ sung chất dinh dưỡng cho cây cà phê trong quá trình tưới”.

 Niên vụ cà phê 2023 – 2024 được mùa, được giá nên bà con có lãi đầu tư mạnh hơn

Niên vụ cà phê 2023 – 2024 được mùa, được giá nên bà con có lãi đầu tư mạnh hơn

Được biết, toàn tỉnh Gia Lai hiện có hơn 105.000ha diện tích trồng cà phê, trở thành cây trồng chủ lực của tỉnh. Cà phê được trồng tại 10 huyện, thành phố trong toàn tỉnh, với gần 60.000 ha được sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế như: VietGAP, 4C, RA, C.A.F.E. Practices, Organic… Chủ yếu là cà phê Robusta, với năng suất đạt hơn 3,9 tấn/ha và sản lượng hơn 400.000 tấn mỗi năm. Đến nay, cà phê Gia Lai đã được xuất khẩu sang 60 quốc gia trên thế giới.

Theo ông Rah Lan Chung - Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, tỉnh đang ưu tiên đầu tư nâng cấp hệ thống sân phơi và máy sấy cho việc sơ chế cà phê bằng phương pháp khô, đồng thời cũng khuyến khích nông dân hợp tác trong sơ chế cà phê theo quy mô vừa và áp dụng phương pháp chế biến bán ướt đối với cà phê vối, nhằm đảm bảo chất lượng nguyên liệu cho các công đoạn chế biến tiếp theo.

Trần Hiền

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nong-dan-gia-lai-tuoi-ca-phe-xuyen-tet-chuan-bi-vu-mua-moi-sau-mot-nam-boi-thu-post333420.html
Zalo