Gia Lâm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử
Những năm gần đây, huyện Gia Lâm đặc biệt quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử, các khu di tích, làng nghề truyền thống.
Cùng với đó, huyện quan tâm, đẩy mạnh công tác giáo dục lịch sử tới thế hệ trẻ trên địa bàn; tập trung thực hiện các giải pháp nhằm mang lại hiệu quả cao trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tại địa phương.
"Truyền lửa” cho thế hệ trẻ
Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền chia sẻ, Gia Lâm tự hào là quê hương của đức Thánh Gióng, đức Thánh Chử Đồng Tử - hai trong “Tứ bất tử” theo tín ngưỡng dân gian Việt Nam và nhiều nhân vật nổi tiếng khác, như: Hoàng Thái hậu Ỷ Lan, Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân, Thánh thơ Cao Bá Quát…
Gia Lâm còn sở hữu 320 di tích lịch sử văn hóa, cách mạng kháng chiến, trong đó có 1 khu di tích quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng; 64 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 89 di tích xếp hạng cấp thành phố và 100 lễ hội truyền thống, trong đó lễ hội Gióng được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, lễ hội đình Chử Xá được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia...
Đặc biệt, huyện có 4 điểm đến du lịch được thành phố công nhận, gồm: Bát Tràng, Phù Đổng, Dương Xá, Kim Lan.

Học sinh Trường Trung học cơ sở Dương Xá (huyện Gia Lâm) giới thiệu về Hoàng Thái hậu Ỷ Lan bằng tiếng Việt và tiếng Anh tại đền Bà Tấm.
Với tiềm năng, thế mạnh riêng có, Gia Lâm luôn chú trọng khơi dậy truyền thống tự hào dân tộc, giúp người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu rõ thêm về lịch sử địa phương, về những danh nhân, anh hùng hào kiệt của dân tộc. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gia Lâm và Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các xã, thị trấn luôn quan tâm chỉ đạo, phối hợp với các nhà trường triển khai chuyên đề “Giáo dục di sản văn hóa, di tích lịch sử của địa phương tại các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn”; tổ chức các chuyên đề, tiết học, các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu di tích lịch sử, di sản văn hóa với nhiều hình thức phong phú.
Điển hình tại xã Dương Xá, trong tháng 3-2025, Ban tổ chức lễ hội đền Bà Tấm đã phối hợp với Trường Tiểu học Dương Xá tổ chức chương trình giáo dục truyền thống giới thiệu và tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp của Hoàng Thái hậu Ỷ Lan qua cuốn truyện tranh lịch sử “Nguyên Phi Ỷ Lan - phò vua, giúp nước” của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dương Xá Đỗ Thị Kim Huế cho biết, nhà trường luôn chú trọng lồng ghép giáo dục lịch sử và lịch sử địa phương. Trường tổ chức Ngày văn hóa đọc nhân Ngày Sách Việt Nam hằng năm nhằm giới thiệu lịch sử, danh nhân văn hóa của dân tộc tới học sinh toàn trường, điển hình như cuốn truyện tranh lịch sử “Nguyên Phi Ỷ Lan - phò vua, giúp nước” bằng 2 ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh…
Đặc biệt, Trường Tiểu học Dương Xá có lợi thế tuyên truyền nội dung này, đó là lễ hội đền chùa Bà Tấm diễn ra hằng năm tại địa phương. Nhà trường còn thiết lập mô hình “Đền Nguyên phi Ỷ Lan thông qua hoạt động STEAM”, mời các thầy, cô giáo của các trường học trong cụm đoàn Nam Đuống và những đơn vị kết nghĩa cùng tham dự. Đây là nỗ lực, sự đóng góp công sức, trí tuệ của nhà trường cho học sinh thêm tự hào về quê hương Dương Xá có người phụ nữ kiệt xuất, tài sắc vẹn toàn trong lịch sử.
Trong khi đó, tại xã Phù Đổng, nơi sinh ra Thánh Gióng - một trong “Tứ bất tử” của văn hóa dân gian Việt Nam, việc lan tỏa bản sắc dân tộc cho thế hệ trẻ luôn được chính quyền địa phương và các nhà trường quan tâm thực hiện. Theo Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phù Đổng Đới Đăng Hân, nhà trường đã xây dựng các tiết học cho học sinh tìm hiểu về Cụm di tích quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng và lễ hội Gióng. Tiết học được các giáo viên nhà trường chuẩn bị đầy đủ thiết bị, video, hình ảnh lễ hội, đồ dùng dạy học và một số trang phục lễ hội…
Thông qua thực hiện chuyên đề giáo dục lịch sử địa phương, đã tạo hứng thú, mong muốn tìm hiểu của học sinh về Cụm di tích đền Phù Đổng và lễ hội Gióng - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là một trong những lễ hội lớn nhất ở khu vực Đồng bằng Bắc Bộ.
Trải nghiệm thực tế lễ hội hằng năm, được hiểu thêm về di tích lịch sử qua các tiết học là cơ hội giúp thế hệ trẻ của Phù Đổng thêm hiểu hơn giá trị văn hóa, lịch sử, thêm yêu quê hương, đất nước.
Phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa

Một góc đền Phù Đổng (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm). Ảnh: Hải Ngọc
Di sản văn hóa là sản phẩm có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền và là tài sản vô giá của dân tộc. Việc phát huy giá trị di sản văn hóa, lịch sử trên địa bàn luôn được huyện Gia Lâm chú trọng.
Phó Chủ tịch UBND xã Dương Xá Phạm Thị Thúy thông tin thêm, Dương Xá được công nhận là Điểm du lịch của thành phố từ cuối năm 2023. Toàn xã có 18 di tích, trong đó có 13 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, thành phố; 1 địa điểm được gắn biển di tích Cách mạng kháng chiến; 2 hiện vật tại Khu di tích thờ Hoàng Thái hậu Ỷ Lan được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là bảo vật quốc gia… Với mục tiêu xây dựng Dương Xá trở thành điểm đến văn hóa và du lịch hấp dẫn của Thủ đô, xã không ngừng nâng cao chất lượng, hình thức quảng bá hình ảnh di tích, du lịch địa phương. Mỗi người dân ở Dương Xá đều có thể trở thành hướng dẫn viên du lịch tại địa phương. Xã cũng đề nghị huyện đề xuất với Sở Du lịch, các công ty lữ hành khảo sát xây dựng, triển khai các mô hình sản phẩm du lịch, tour, tuyến mới, kết nối với Dương Xá và các làng nghề truyền thống, khu sinh thái Phù Đổng, Ninh Hiệp, Bát Tràng… để đa dạng hóa các sản phẩm, chương trình du lịch.
Tích cực tham gia công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa lịch sử, ngay từ năm 2022, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn huyện Gia Lâm tập trung thực hiện nhiều hoạt động thiết thực, góp phần xây dựng các khu di tích, điểm du lịch, danh lam thắng cảnh kiểu mẫu.
Điển hình là mô hình “Danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử kiểu mẫu” được thực hiện tại 3 địa điểm gồm: Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng, Khu di tích thờ Hoàng Thái hậu Ỷ Lan và làng gốm Bát Tràng. Cùng với đó, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện đã xây dựng 2 chuyên mục “Gia Lâm - hành trình di sản” và “Cuối tuần có hẹn với Gia Lâm” nhằm nâng cao hơn nữa vai trò của các cấp Hội Phụ nữ trong việc giữ gìn, phát huy các nét đẹp văn hóa, các giá trị di sản, di tích lịch sử truyền thống của địa phương, quảng bá tiềm năng du lịch…
Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Trương Văn Học khẳng định, đến với Gia Lâm, du khách có cơ hội chiêm ngưỡng, khám phá 320 di tích lịch sử, văn hóa, được tham quan, trải nghiệm nhiều lễ hội truyền thống tiêu biểu, như: Lễ hội Gióng, lễ hội đền Bà Tấm, lễ hội Chử Đồng Tử... Nhiều sản phẩm, chương trình du lịch được khai thác, thu hút du khách, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Qua thống kê các năm 2023, 2024, mỗi năm Gia Lâm đón khoảng 650.000 lượt khách tham quan, trải nghiệm...
Để thực hiện nhiệm vụ giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa lịch sử, rất cần sự vào cuộc chỉ đạo, thực hiện của cấp ủy, chính quyền các cấp để biến “tài nguyên văn hóa” thành sản phẩm giá trị cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.