Giá trị di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc lan tỏa tại 'Ngày tìm hiểu về Việt Nam 2025'

'Ngày tìm hiểu về Việt Nam năm 2025' và đón tiếp đoàn công tác của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tại Chí Linh (Hải Dương) là cơ hội khẳng định giá trị nổi bật toàn cầu của di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Minh Hùng phát biểu tại chương trình

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Minh Hùng phát biểu tại chương trình

Ngày 16/5, tại khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc (TP Chí Linh) diễn ra chương trình “Ngày tìm hiểu về Việt Nam năm 2025” và đón tiếp đoàn công tác của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam.

Đoàn đại biểu tham quan di tích Côn Sơn

Đoàn đại biểu tham quan di tích Côn Sơn

Đại diện các Bộ Ngoại giao, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và các Đại sứ Brunei, Czech, Nicaragua, Iran, Tây Ban Nha, Sri Lanka… và phu nhân tại Việt Nam... tham dự chương trình.

Lãnh đạo tỉnh cùng các Đại sứ dâng hương tại chùa Côn Sơn

Lãnh đạo tỉnh cùng các Đại sứ dâng hương tại chùa Côn Sơn

Đoàn đại biểu đã tham quan, tìm hiểu về giá trị lịch sử, văn hóa, các giá trị nổi bật toàn cầu của khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc; trải nghiệm các sản phẩm du lịch đặc trưng như trà sen Kiếp Bạc, bánh đậu xanh Côn Sơn, đội nón sen Kiếp Bạc…

Khách nước ngoài quay vòng tòa Cửu phẩm Liên hoa

Khách nước ngoài quay vòng tòa Cửu phẩm Liên hoa

Hải Dương hiện có 3.199 di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng (trong đó có 4 di tích, cụm, quần thể di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt).

Đoàn tham quan các hiện vật trưng bày tại thành các, đền Kiếp Bạc

Đoàn tham quan các hiện vật trưng bày tại thành các, đền Kiếp Bạc

Hồ sơ đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là hồ sơ di sản đầu tiên ở Việt Nam theo chuỗi 20 cụm/điểm di sản. Trong đó, Hải Dương có 5 điểm gồm: chùa Côn Sơn, đền Kiếp Bạc, chùa Thanh Mai (cùng ở TP Chí Linh), động Kính Chủ, chùa Nhẫm Dương (Kinh Môn).

Đoàn làm việc tại nhà khách đền Kiếp Bạc, thưởng thức trà sen Kiếp Bạc, bánh đậu xanh Côn Sơn...

Đoàn làm việc tại nhà khách đền Kiếp Bạc, thưởng thức trà sen Kiếp Bạc, bánh đậu xanh Côn Sơn...

Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc hiện lưu giữ nhiều giá trị tiêu biểu và đáp ứng đầy đủ những tiêu chí quan trọng theo hồ sơ đề cử di sản thế giới và có đầy đủ cơ sở khoa học để tuyên bố tính toàn vẹn, tính xác thực.

Phát biểu tại chương trình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Hùng mong muốn các Đại sứ, đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội tiếp tục quan tâm, ưu tiên và dành sự ủng hộ cho 3 tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh và Bắc Giang trong quá trình vận động, trình UNESCO công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là di sản thế giới.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Hùng tặng quà ông Verella Frantz, cố vấn nguyên Thủ tướng Haiti

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Hùng tặng quà ông Verella Frantz, cố vấn nguyên Thủ tướng Haiti

Chương trình “Ngày tìm hiểu về Việt Nam năm 2025” và đón tiếp đoàn công tác của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam diễn ra trong 2 ngày 16 - 17/5 tại 3 tỉnh: Bắc Giang, Hải Dương và Quảng Ninh. Chương trình do Bộ Ngoại giao phối hợp UBND 3 tỉnh tổ chức.

Chương trình nhằm giới thiệu tới bạn bè quốc tế vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam; tạo điều kiện cho 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương quảng bá văn hóa các tỉnh Bắc Bộ; khẳng định các giá trị của quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trước thềm hồ sơ đề cử được bảo vệ tại Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản thế giới tại Pháp trong tháng 7 tới. Ngoài ra, chương trình cũng lồng ghép giới thiệu môi trường kinh tế - xã hội của các tỉnh nhằm thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển.

LÊ HƯƠNG - VĂN TUẤN

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/gia-tri-di-tich-con-son-kiep-bac-lan-toa-tai-ngay-tim-hieu-ve-viet-nam-2025-411739.html
Zalo