Gia Lai: Xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn

Tỉnh Gia Lai kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, phê duyệt vị trí đất xây dựng trung tâm logistic tại huyện Đak Đoa.

Tín hiệu tích cực

Chiều ngày 1/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn giai đoạn 2022-2025.

Về hạ tầng vùng nguyên liệu đã hoàn thành 82/131km, xây dựng được 2/5 trạm bơm điện, 3/8 nhà kho, nhà trưng bày sản phẩm. Tổng vốn trung hạn dự án hạ tầng vùng nguyên liệu do Bộ NN&PTNT đầu tư đã giải ngân 220 tỷ đồng trong tổng số 440 tỷ đồng.

Về diện tích vùng nguyên liệu có liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp là hơn 103.000ha. Có 26 doanh nghiệp thu mua, chế biến nông sản tham gia liên kết và 353 hợp tác xã tham gia. Đã thành lập 130 tổ khuyến nông cộng đồng, trong đó Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thành lập 26 tổ, các tỉnh thành lập 104 tổ.

Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai đề án thí điểm do Bộ NN-PTNT tổ chức. (Ảnh: Hồng Phong)

Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai đề án thí điểm do Bộ NN-PTNT tổ chức. (Ảnh: Hồng Phong)

Sau quá trình triển khai Đề án, tỉnh Gia Lai đã gặt hái được những kết quả nhất định. Cụ thể, Gia Lai đã hình thành và phát triển vùng sản xuất nguyên liệu cà phê quy mô lớn, hàng hóa tập trung, hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến. Đồng thời, phát triển trên 12 hợp tác xã nông nghiệp ở vùng nguyên liệu cà phê bền vững với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tại 7 huyện, thành phố.

Về hạ tầng giao thông triển khai nâng cấp hơn 12km đường vào khu vực sản xuất vùng nguyên liệu của 4 hợp tác xã nông nghiệp; hỗ trợ hạng mục công trình dân dụng cho 1 hợp tác xã với tổng kinh phí 26,33 tỷ đồng.

Để thực hiện tốt hơn đề án, UBND tỉnh Gia Lai kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét, phê duyệt vị trí đất xây dựng trung tâm logistic Gia Lai tại huyện Đak Đoa.

Cần Bộ hỗ trợ chính sách cho nhà đầu tư

Bà Trần Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (tỉnh Gia Lai) cho biết, thời gian qua, công ty Vĩnh Hiệp đã xây dựng mạng lưới sản xuất cà phê với sản lượng hàng năm trên 150.000 tấn.

“Chúng tôi luôn tự hào về tổ khuyến nông cộng đồng như người bạn đồng hành luôn kề vai sát cánh cùng tham gia vào chuyển giao kỹ thuật, chuyển đổi số, tạo dựng chuỗi liên kết cùng với người dân tiếp cận nông nghiệp đa giá trị, gia tăng cao cho nông sản Việt trong đó có cây cà phê”, bà Lan Anh chia sẻ.

Công ty Vĩnh Hiệp xuất khẩu cà phê sang các nước châu âu. (Ảnh: Hồng Phong)

Công ty Vĩnh Hiệp xuất khẩu cà phê sang các nước châu âu. (Ảnh: Hồng Phong)

Đại diện UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, đề án đã tạo động lực, khơi dậy tiềm năng phát triển cho tỉnh, góp phần xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới thành công.

Tỉnh Đắk Lắk cam kết phối hợp với các bộ, ngành ban hành các chính sách thu hút khuyến khích đầu tư phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, hỗ trợ nguồn kinh phí cho công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích cà phê kém hiệu quả, thiếu nguồn nước sang các loại cây trồng khác. Đồng thời, hỗ trợ thực hiện công tác chuyển đổi số cho lĩnh vực trồng trọt.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, về cơ bản, đề án đã hình thành được 5 vùng nguyên liệu đạt chuẩn tại 13 tỉnh, thành thí điểm. Đề án đảm bảo các yêu cầu quy hoạch của vùng nguyên liệu ở các địa phương.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, để hình thành vùng nguyên liệu đạt chuẩn, đảm bảo các yêu cầu của ngành nông nghiệp thì còn nhiều khó khăn nên rất cần các nhà đầu tư, doanh nghiệp cùng tham gia.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết thêm, việc phát triển vùng nguyên liệu đạt chuẩn sẽ là cơ sở củng cố, kiện toàn tổ chức sản xuất cho ngành nông nghiệp. “Phải có vùng nguyên liệu đạt chuẩn thì ngành nông nghiệp mới đi vào quỹ đạo, khi đó Bộ NN&PTNT mới tập trung hỗ trợ chính sách”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói tại hội nghị.

Hồng Phong

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/gia-lai-xay-dung-vung-nguyen-lieu-nong-lam-san-dat-chuan-336296.html
Zalo