Gia Lai tổng kết công tác Tư pháp năm 2024

Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác Tư pháp năm 2024 và triển khai nhiệm vụ công tác Tư pháp năm 2025. Tham dự hội nghị có bà Lê Thị Ngọc Lam, Giám đốc Sở Tư pháp cùng các lãnh đạo Sở Tư pháp, Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Gia Lai.

Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2024, Sở Tư pháp Gia Lai đã xây dựng Kế hoạch và tổ chức thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực chuyên môn thuộc chức năng quản lý của đơn vị, như: Công chứng, luật sư, bồi thường nhà nước, công tác pháp chế, theo dõi thi hành pháp luật và xử lý vi phạm hành chính,... theo Kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt.

Việc hướng dẫn, trao đổi về chuyên môn, nghiệp vụ cũng được thực hiện thường xuyên thông qua Hội nghị công tác tư pháp, qua trao đổi, hướng dẫn giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ công tác tư pháp của các cơ quan, đơn vị...

Đáng chú ý, tổng số văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) được ban hành trên địa bàn tỉnh Gia Lai là 87 văn bản (tăng 31,8 % so với số liệu cùng kỳ năm 2023); Công tác thẩm định dự thảo VBQPPL được thực hiện bảo đảm tuân thủ đúng trình tự, thủ tục, nội dung, thời hạn thẩm định, chất lượng thẩm định ngày càng được nâng cao; hồ sơ thẩm định được các cơ quan, đơn vị chuẩn bị, cung cấp bảo đảm đúng, đầy đủ theo quy định của Luật năm 2015, Luật năm 2020.

Quang cảnh Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị.

Tại Hội nghị, Trưởng các phòng chuyên môn thuộc Sở đã trao đổi, thảo luận sôi nổi về những thành tựu và khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực Tư pháp trong năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ, những giải pháp để tháo gỡ những khó khăn trong năm tới.

Đồng thời, lãnh đạo Sở Tư pháp cũng nêu ra những phương hướng nhiệm vụ toàn ngành năm 2025. Cụ thể: Về Về xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL, pháp chế. Tiếp tục triển khai thi hành hiệu quả Luật năm 2015, Luật năm 2020; Nghị định số 34/2016/NĐ-CP; Nghị định số 154/2020/NĐ-CP, Nghị định số 59/2024/NĐ-CP, Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, Nghị định số 56/2024/NĐ-CP. Bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ, nâng cao chất lượng trong công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát VBQPPL.

Bên cạnh đó, Sở Tư pháp Gia Lai đã chú trọng kiện toàn, nâng cao năng lực cho đội ngũ người làm công tác xây dựng pháp luật, thẩm định, kiểm tra, rà soát, pháp chế. Đặc biệt, Sở Tư pháp tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong tổ chức thực hiện PBGDPL, chú trọng việc định hướng, lựa chọn nội dung PBGDPL phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn để giải quyết các vướng mắc về thực tiễn thi hành pháp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL.

Qua đó đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, phát hiện và nhân rộng cách làm hay, các điển hình tiên tiến về công tác PBGDPL. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm người đứng đầu.

Lãnh đạo Sở Tư pháp Gia Lai cũng nêu ra những giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng ngành Tư pháp trên địa bàn như: Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng làm việc cho đội ngũ công chức, viên chức, người lao động theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào công tác của ngành Tư pháp, nhất là trong công tác chỉ đạo, điều hành, cung cấp dịch vụ công cho cá nhân, doanh nghiệp; Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong thực hiện công tác tư pháp...

Uyên Thu

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/gia-lai-tong-ket-cong-tac-tu-phap-nam-2024-post535551.html
Zalo