Gia Lai tăng cường công tác bảo vệ trẻ em
Ngày 21-4, UBND tỉnh Gia Lai ban hành Công văn số 1019/UBND-KGVX về việc tăng cường công tác bảo vệ trẻ em, phòng-chống xâm hại trẻ em.
Theo đó, nhằm bảo đảm quyền trẻ em, tăng cường công tác phòng-chống xâm hại trẻ em và giảm tối đa các tổn hại của trẻ em trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan và UBND cấp huyện tăng cường công tác phòng-chống xâm hại trẻ em.

Dạy bơi cho trẻ là một trong những giải pháp quan trọng để bảo vệ trẻ, phòng tránh tai nạn đuối nước. Ảnh: M.T
Đồng thời, nâng cao năng lực về bảo vệ trẻ em, phòng-chống xâm hại trẻ em cho cán bộ làm công tác trẻ em các cấp; tăng cường theo dõi, hướng dẫn các địa phương về công tác quản lý hoạt động của các cơ sở có thực hiện hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em (đặc biệt là các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo).
Công an tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng Công an triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi xâm hại trẻ em; xử lý nghiêm các vụ việc xâm hại trẻ em, các cơ quan, tổ chức, cá nhân che giấu, không thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc thiếu trách nhiệm trong việc xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em.
Ngoài ra, UBND tỉnh đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ xâm hại trẻ em; xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc có liên quan đến hành vi xâm hại trẻ em theo quy định pháp luật để răn đe, giáo dục, phòng ngừa.

Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đang là vấn đề cấp bách hiện nay. Ảnh: M.T
Các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND cấp huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 25-12-2023 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; Luật Trẻ em và Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19-6-2020 của Quốc hội về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng-chống xâm hại trẻ em.
Cùng với đó, tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, các cấp, các ngành trong việc phát hiện, báo cáo và xử lý các vụ việc vi phạm quyền trẻ em; hướng dẫn cha mẹ, người trực tiếp chăm sóc trẻ em về kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng-chống xâm hại trẻ em; giáo dục kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, tự phòng ngừa xâm hại cho trẻ em.
Khuyến khích việc phát hiện sớm, lên tiếng, thông báo, tố cáo các hành vi xâm hại trẻ em qua Tổng đài điện thoại Quốc gia Bảo vệ trẻ em (số 111); nâng cao hiệu quả công tác phối hợp liên ngành trong công tác bảo vệ trẻ em, phòng-chống xâm hại trẻ em. Tăng cường công tác theo dõi, quản lý tình hình về trẻ em, kịp thời phát hiện các trường hợp trẻ em có nguy cơ bị xâm hại nhất là trẻ em sống trong gia đình có cha mẹ ly hôn, ly thân, cha mẹ đi làm ăn xa hoặc có người liên quan đến tệ nạn xã hội.
Song song với đó, thực hiện kịp thời, hiệu quả việc tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em và bảo đảm nguồn lực để thực hiện việc can thiệp, hỗ trợ cho trẻ em khi bị xâm hại theo quy định của Luật trẻ em và Nghị định số 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ.
Ủy ban nhân dân tỉnh giao UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thanh tra, kiểm tra toàn bộ các cơ sở có thực hiện hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em trên địa bàn (đặc biệt là các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo), bảo đảm tuân thủ các quy định của Luật Trẻ em và các quy định pháp luật có liên quan; xử lý kịp thời các cơ sở hoạt động không đăng ký, tự phát, không được cấp phép hoặc không bảo đảm các điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo quy định của pháp luật.