Gia Lai nỗ lực nâng tầm ngành hàng cà phê
Không còn đặt trọng tâm ở sản lượng, cà phê Gia Lai đang chuyển mình mạnh mẽ, hướng tới đỉnh cao chất lượng và gia tăng giá trị khi có sự vào cuộc của cả doanh nghiệp, nông dân và chính quyền.
Gia Lai - một trong những thủ phủ cà phê của Việt Nam với hơn 100.000 ha, đang từng bước khẳng định vị thế trên bản đồ chất lượng cà phê thế giới. Làn sóng thưởng thức cà phê đặc sản lan rộng, đang tạo ra thị trường đầy tiềm năng với giá trị vượt xa cà phê thương mại. Nhận thấy cơ hội này, nhiều doanh nghiệp tại Gia Lai đã tiên phong đầu tư bài bản, hướng đến quy trình sản xuất khép kín từ giống cây, canh tác đến chế biến sâu.
Ông Nguyễn Tiến Định - Giám đốc Công ty CP Cà phê Việt Nam United, huyện Chư Prông, Gia Lai cho biết, nhận thấy cà phê đặc sản là xu hướng của ngành cà phê toàn cầu, vì thế doanh nghiệp sẽ không đứng ngoài cuộc. “Trong quá trình làm việc với các nông hộ, doanh nghiệp đã chủ động chia sẻ kiến thức với người nông dân để họ hiểu, muốn bán được cà phê giá cao hơn nhất thiết phải nâng cao chất lượng cà phê để có thu nhập tốt hơn”, ông Định nói.

Cà phê đặc sản tại Gia Lai được trồng và chăm sóc theo hướng canh tác hữu cơ
Không chỉ là câu chuyện của doanh nghiệp, cà phê đặc sản cũng tạo nên những chuyển đổi trong lề lối sản xuất của người nông dân và các hợp tác xã. Từ chú trọng sản lượng sang sản xuất bền vững, bà con đã áp dụng phương pháp hữu cơ, thu hái chọn lọc, rửa trái và phơi trên giàn.
Tại huyện Đăk Đoa, Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Lam Anh đã thành công với mô hình canh tác hữu cơ thuận tự nhiên. Sản phẩm cà phê đặc sản của hợp tác xã không chỉ đạt chứng nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh, mà còn chinh phục được nhiều thị trường khó tính trong và ngoài nước.
“Bằng hình ảnh người nông dân chân chất, có niềm tin lớn vào giá trị của hạt cà phê, hợp tác xã đã thay đổi cách chăm sóc vườn cây, nâng cao chất lượng sản phẩm. Điều này không chỉ giúp tăng giá trị cà phê, còn góp phần xóa đói giảm nghèo, giúp bà con làm giàu từ chính cây cà phê”, ông Lê Hữu Anh, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Lam Anh chia sẻ.

Cà phê được rang bằng máy móc đạt tiêu chuẩn hướng đến hương vị cà phê thơm ngon
Hiện tại, Gia Lai đã hình thành 34 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ cà phê, với tổng diện tích trên 43.500 ha; quy tụ 26 doanh nghiệp và 8 hợp tác xã. Nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn sản xuất cà phê hữu cơ, đầu tư chế biến sâu nhằm nâng cao chất lượng và gia tăng giá trị sản phẩm.
Để cà phê chất lượng cao và cà phê đặc sản vượt ra khỏi quy mô của các mô hình, chính quyền các địa phương trong tỉnh đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực, từ việc quy hoạch vùng trồng đến kết nối doanh nghiệp với thị trường quốc tế.
Ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Gia Lai cho biết, đến năm 2030, ngoài việc phát triển cà phê đặc sản 2.340ha, Gia Lai sẽ đưa 80% diện tích cà phê của toàn tỉnh được sản xuất theo tiêu chuẩn có chứng nhận.
“Ngoài việc các doanh nghiệp phát triển cà phê đặc sản và cà phê theo tiêu chuẩn để đáp ứng thị trường, Gia Lai cũng đang nỗ lực thu hút đầu tư để có thể xây dựng cơ sở, các nhà máy chế biến sâu sản phẩm cà phê, để nâng tỷ lệ chế biến sâu cà phê trên địa bàn tỉnh, cũng như nâng cao giá trị của sản phẩm cà phê”, ông Có cho biết.

Sản phẩm cà phê nhân Robusta chất lượng cao phục vụ xuất khẩu
Với những nỗ lực không ngừng của doanh nghiệp, nông dân và chính quyền, cà phê Gia Lai đang từng bước khẳng định vị thế trên bản đồ cà phê chất lượng cao thế giới. Việc chuyển từ sản xuất đại trà sang tập trung vào chất lượng và giá trị bền vững, cũng mang lại thu nhập cao hơn cho người nông dân, đồng thời góp phần nâng tầm thương hiệu cà phê Việt Nam.