Gia Lai: Nâng cao trách nhiệm chủ đầu tư, nhà thầu trong đảm bảo an toàn lao động
Ngày 16-5, Sở Xây dựng Gia Lai ban hành Công văn số 1038/SXD-QLCL về việc tiếp tục tăng cường công tác đảm bảo an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Sở Xây dựng đề nghị các sở, ban, ngành UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn trong thi công xây dựng. Yêu cầu các chủ đầu tư và nhà thầu thực hiện nghiêm các quy định về an toàn, bố trí đầy đủ nguồn lực và kinh phí cho công tác an toàn lao động. Chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn lao động, có quyền dừng thi công hoặc sản xuất nếu phát hiện nguy cơ mất an toàn.

Sở Xây dựng cầu các chủ đầu tư và nhà thầu thực hiện nghiêm các quy định về an toàn, bố trí đầy đủ nguồn lực và kinh phí cho công tác an toàn lao động. Ảnh: P.V
Đồng thời, tăng cường chỉ đạo, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm quy định về an toàn, vệ sinh lao động trong thi công xây dựng. Yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện nghiêm việc huấn luyện an toàn và trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động.
Tăng cường kiểm tra công tác an toàn tại các công trình xây dựng, đặc biệt là công trình có tầng hầm, nhà cao tầng có lao động làm việc trên cao, máy móc và thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn thuộc phạm vi quản lý.
Đối với các chủ đầu tư xây dựng công trình; các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng, Sở Xây dựng đề nghị thường xuyên chỉ đạo đơn vị quản lý dự án, giám sát thi công kiểm tra việc thực hiện các biện pháp an toàn của nhà thầu trong quá trình thi công xây dựng. Rà soát, khắc phục kịp thời các nguy cơ mất an toàn tại công trình đang thi công; chủ động phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Bố trí cán bộ theo dõi, giám sát an toàn lao động, vệ sinh công trường; tạm dừng thi công khi phát hiện nguy cơ mất an toàn, chỉ tiếp tục khi đã khắc phục. Kiểm tra, chấp thuận biện pháp thi công, biện pháp đảm bảo an toàn lao động cho người, máy móc, thiết bị và công trình lân cận theo quy định. Yêu cầu nhà thầu kiểm định kỹ thuật an toàn đối với thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động theo đúng quy định. Thiết lập hệ thống quản lý thi công và bố trí đủ nhân lực giám sát, đảm bảo an toàn lao động theo hợp đồng. Người phụ trách an toàn phải có chuyên môn phù hợp và đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 17 Điều 14 Nghị định 06/2021/NĐ-CP. Trong trường hợp thi công công trình có vùng nguy hiểm ảnh hưởng đến cộng đồng, phải báo cáo biện pháp đảm bảo an toàn đến cơ quan chuyên môn.

Các nhà thầu chỉ sử dụng máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động sau khi đã kiểm định đạt yêu cầu. Ảnh: P.V
Cùng với đó, nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm chủ động tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động; lập và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, thiết bị, công trình và công trình lân cận, đặc biệt với cần trục tháp, vận thăng, giàn giáo và thiết bị làm việc trên cao. Chỉ sử dụng máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động sau khi đã kiểm định đạt yêu cầu. Hướng dẫn và giám sát người lao động nhận diện nguy cơ tai nạn và cách phòng tránh, yêu cầu sử dụng đúng phương tiện bảo vệ cá nhân, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ an toàn lao động và quản lý số lượng lao động trên công trường…
Ngoài ra, người lao động cần tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động. Báo cáo nguy cơ mất an toàn với người có thẩm quyền. Từ chối công việc không đảm bảo an toàn hoặc thiếu phương tiện bảo hộ. Chỉ làm việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn sau khi được huấn luyện và cấp thẻ an toàn. Tham gia ứng cứu, khắc phục tai nạn khi có yêu cầu. Thực hiện các nghĩa vụ khác theo luật về an toàn, vệ sinh lao động.