Gia Lai: Giải quyết dứt điểm các công trình còn tồn tại, vi phạm về PCCC trước ngày 30-6
Ngày 29-4, UBND tỉnh Gia Lai ban hành Công văn số 1124/UBND-NC về việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở trong công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, để tăng cường thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở trong công tác PCCC, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh, Chủ tịch UBND các cấp theo chức năng nhiệm vụ được phân công và lĩnh vực, phạm vi quản lý có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ UBND tỉnh giao, nhất là các nội dung trọng tâm nêu trong Chỉ thị số 47-CT/TW và Kết luận số 02-KL/TW của Ban Bí thư; Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội; Chỉ thị số 01/CT-TTg và Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Cán bộ Công an xã Tơ Tung (huyện Kbang) kiểm tra điểm chữa cháy công cộng tại làng Nam Cao. Ảnh: R.H
Người đứng đầu chịu trách nhiệm toàn diện về công tác PCCC tại địa phương, cơ quan, đơn vị do mình quản lý; tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc duy trì các biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn các vụ cháy nổ xảy ra.
Đồng thời, tiếp tục tăng cường thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở trong công tác PCCC. Xử lý nghiêm người đứng đầu, người có liên quan để xảy ra các vụ cháy nổ nghiêm trọng do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện trách nhiệm không đầy đủ trong phạm vi giám sát, quản lý của mình.
Ngoài ra, rà soát các công trình còn tồn tại, vi phạm về PCCC tại các đơn vị do mình trực tiếp quản lý để tổ chức thực hiện, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc liên quan thực hiện khắc phục các nội dung tồn tại, tập trung mọi nguồn lực giải quyết dứt điểm và hoàn thành trước 30-6-2025; ưu tiên triển khai các biện pháp xử lý tiết kiệm, hiệu quả nhất để triển khai khắc phục các tồn tại, thiếu sót về PCCC.

Tăng cường cảnh báo nguy cơ cháy nổ, nhất là trong thời kỳ cao điểm nắng nóng. Ảnh: M.T
Đối với những công trình không bảo đảm yêu cầu về PCCC và không có khả năng khắc phục theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tại thời điểm đưa vào hoạt động, cần rà soát kỹ lưỡng, đánh giá khách quan, chính xác, xem xét các nguy cơ phát sinh cháy nổ gây thiệt hại nghiêm trọng. Kết quả rà soát, xử lý, khắc phục báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30-5; giao Công an tỉnh phân loại, tham mưu UBND tỉnh công bố danh sách vào ngày 1-7-2025.
Cùng với đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về PCCC và cứu nạn cứu hộ; chỉ đạo lực lượng Công an, UBND cấp xã tổ chức kiểm tra các điều kiện về an ninh trật tự, an toàn PCCC và cứu nạn cứu hộ đối với các cơ sở theo phân cấp quản lý, kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở không đảm bảo an toàn PCCC; đồng thời, xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ để xảy ra tình trạng vi phạm, mất an toàn về PCCC tại địa bàn, cơ sở.
Chủ động chỉ đạo tổ chức rà soát, phân loại, có ngay giải pháp PCCC đối với khu vực người dân sử dụng lán trại, nhà tạm, khu vực thuộc diện giải tỏa… làm nơi ở trái phép; dứt khoát xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật. Chỉ đạo UBND cấp xã tăng cường các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC theo phân cấp tại Nghị định số 50/2024/NĐ-CP, nhất là đối với các hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh, khu dân cư nguy hiểm về cháy nổ, nhằm phòng ngừa “từ sớm, từ xa”, chủ động ứng phó ngay khi phát sinh, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.

Thực hành nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Ảnh: B.B
Chủ tịch UBND cấp xã phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, hướng dẫn, để xảy ra vụ cháy nổ nghiêm trọng trên địa bàn phụ trách.
Công an tỉnh tăng cường cảnh báo nguy cơ cháy nổ, nhất là trong thời kỳ cao điểm nắng nóng; tập trung phổ biến các kỹ năng cho người dân về công tác PCCC ban đầu, kỹ năng thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp dưới hình thức phù hợp.
Hướng dẫn các cơ sở, hộ gia đình, người dân có ngay các giải pháp đảm bảo an toàn PCCC; hướng dẫn người dân kỹ năng và chủ động phương án chữa cháy, thoát nạn để đảm bảo hạn chế cháy nổ và giảm thiểu tối đa thiệt hại do cháy nổ gây ra.
Triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm bảo đảm an toàn PCCC và CNCH trong mùa hanh khô, công tác phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn mùa mưa lũ, bảo vệ các ngày lễ, Tết, sự kiện quan trọng của đất nước, của tỉnh; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức kỹ năng PCCC và thoát hiểm; kiểm tra công tác PCCC đối với các cơ sở trọng điểm, có nguy cơ cháy nổ cao.
Nâng cao hiệu quả công tác thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn cứu hộ 24/24 giờ; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, phương án, tiếp nhận thông tin, huy động nhanh nhất lực lượng, phương tiện để dập tắt ngay đám cháy, kịp thời cứu người, tài sản; phấn đấu không để xảy ra cháy, nổ lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân.
Sở Khoa học và Công nghệ, Báo Gia Lai, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh tăng thời lượng các tin, bài, phóng sự ngắn gọn, dễ hiểu nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức, biện pháp bảo đảm an toàn PCCC, kỹ năng thoát nạn khi có cháy xảy ra... trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội; phối hợp Công an tỉnh và các nhà mạng nghiên cứu, biên soạn tin nhắn SMS với các nội dung tuyên truyền, khuyến cáo các biện pháp PCCC gửi các thuê bao trên địa bàn tỉnh.
Công ty Điện lực Gia Lai chủ trì, phối hợp lực lượng Công an cử cán bộ “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để kiểm tra, hướng dẫn người dân sử dụng điện, các phương tiện giao thông sử dụng pin Li-ion an toàn; khắc phục tình trạng sử dụng điện không đúng cách, không đúng yêu cầu của nhà sản xuất; hạn chế thấp nhất nguyên nhân cháy, nổ do chập điện.
Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các đoàn thể tỉnh phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức hướng dẫn, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức về an toàn PCCC và cứu nạn cứu hộ đến các hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân; gắn phong trào “Toàn dân PCCC” với các phong trào, cuộc vận động do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên phát động.
Bên cạnh đó, chủ động tổ chức hoạt động giám sát có liên quan đến công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ để kiến nghị, đề xuất các giải pháp nâng cao an toàn PCCC nhằm xử lý, khắc phục những nguy cơ cháy nổ trên địa bàn tỉnh.