Gia Lai: Gần 12 ngàn đại biểu dự hội nghị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Sáng 13-1, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Hội nghị kết nối đến 15.345 điểm cầu trên toàn quốc với 978.532 đại biểu tham dự. Tại Gia Lai có gần 12.000 đại biểu tham dự.

Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Tổng Bí thư Tô Lâm-Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Chủ tịch nước Lương Cường; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú.

 Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu chính Hội trường 2-9 (TP. Pleiku). Ảnh: Đ.T

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu chính Hội trường 2-9 (TP. Pleiku). Ảnh: Đ.T

Tại Gia Lai, hội nghị kết nối đến 240 điểm cầu với gần 12 ngàn đại biểu tham dự. Dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu chính Hội trường 2-9 (TP. Pleiku) có các đồng chí: Hồ Văn Niên- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Rah Lan Chung- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Ngọc Lương-Phó Bí thư Tỉnh ủy.

Dự hội nghị tại điểm cầu chính có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (hiện công tác tại các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh); lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; lãnh đạo các đơn vị: Quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh; Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; báo cáo viên Trung ương, báo cáo viên Tỉnh ủy khóa XVI hiện đang công tác tại các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh; đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp, công ty liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin và chuyển đổi số…

Tại hội nghị, các đại biểu xem phóng sự về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (KHCN, ĐMST và CĐS); nghe đồng chí Hoàng Đăng Quang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia; quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo.

Đồng chí Thái Thanh Quý-Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương báo cáo tóm tắt tình hình, kết quả thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển KHCN, ĐMST và CĐS thời gian qua; quán triệt, triển khai tinh thần và nội dung cốt lõi của Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia.

Nghị quyết kết cấu gồm 4 phần chính có liên quan chặt chẽ với nhau, gồm: quan điểm; mục tiêu; nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; tổ chức thực hiện. Nghị quyết xác định 5 nhóm quan điểm chỉ đạo; 5 nhóm mục tiêu đến năm 2030, về các mục tiêu cụ thể nêu trong tầm nhìn đến năm 2045 cao gấp khoảng 2 lần so với giai đoạn 2030. Nghị quyết đã đề ra 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp.

 Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu chính Hội trường 2-9 (TP. Pleiku). Ảnh: Đ.T

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu chính Hội trường 2-9 (TP. Pleiku). Ảnh: Đ.T

Chính phủ đã khẩn trương lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung xây dựng, rà soát, hoàn thiện để sớm ban hành Chương trình hành động với tinh thần “5 rõ: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả”. Quán triệt Nghị quyết số 03/NQ-CP, ngày 9-1-2025 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thông tin: Đây là chương trình hành động tổng thể, toàn diện, được thiết kế với tầm nhìn dài hạn, mục tiêu rõ ràng và các giải pháp mang tính khả thi cao, nhằm cụ thể hóa các định hướng, chủ trương lớn của Đảng thành những hành động thiết thực, sát thực tiễn.

Chính phủ xác định rõ việc triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, không chỉ dừng lại ở việc quán triệt nhận thức mà còn phải được thực hiện bằng những bước đi mạnh mẽ, bài bản, đồng bộ, thống nhất với sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và toàn xã hội. Trên cơ sở 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết số 57-NQ/TW, Chính phủ đã cụ thể hóa với hơn 100 nhiệm vụ cụ thể.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ chủ trương, giải pháp về thể chế pháp luật để đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia. Theo đó, Quốc hội sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, chú trọng thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về thể chế để thúc đẩy phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia, như phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương là: Thời điểm hiện nay đất nước đã có đủ thế và lực, đủ ý chí và quyết tâm để bước vào kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc; mọi cơ hội đang đến với chúng ta phải được nắm bắt kịp thời, bởi nếu để vuột mất, chúng ta sẽ có lỗi với lịch sử và với Nhân dân.

 Các đại biểu nghe Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo. Ảnh: A.H

Các đại biểu nghe Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo. Ảnh: A.H

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm-Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia nhấn mạnh: “Với mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, chúng ta phải coi KHCN, ĐMST và CĐS là động lực chủ chốt. Đây chính là “chìa khóa vàng”, là yếu tố sống còn để vượt qua bẫy thu nhập trung bình và nguy cơ tụt hậu. Tuy nhiên phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số mới chỉ là phương tiện quan trọng còn để đạt đến mục đích đột phá đổi mới sáng tạo mới là yếu tố kỳ diệu để làm nên kỳ tích. Bởi đột phá sáng tạo mới tạo ra được niềm tin, bước tiến vượt bậc mang tính cách mạng, mới vượt qua được rào cản, giới hạn để đạt kết quả vượt trội, đột phá mang tính mới mẻ, tính hiệu quả”.

Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh, Nghị quyết số 57-NQ/TW đã chỉ ra những định hướng chiến lược được đông đảo các cán bộ, đảng viên, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đồng thuận, xem đây là Khoán 10 trên lĩnh vực khoa học và công nghệ. Sự ủng hộ này thể hiện khát vọng phát triển mãnh liệt và quyết tâm vươn lên của dân tộc. Đảng và Nhà nước luôn coi khoa học và công nghệ là yếu tố quyết định, là nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Nghị quyết số 57-NQ/TW không thay thế các nghị quyết trước đây, nhưng có thể xem là nghị quyết giải phóng tư duy khoa học. Nghị quyết của hành động, hướng đến mục tiêu rất cụ thể đổi mới cách nghĩ, cách làm nhằm hiện thực hóa các chủ trương, xóa bỏ các rào cản, giải phóng năng lực, thúc đẩy đột phá trong phát triển KHCN, ĐMST và CĐS tạo nền tảng cho phát triển mạnh mẽ đất nước ta trong thời kỳ mới.

Để đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, kịp thời, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương xắn tay ngay vào việc, không được chậm trễ, những chủ trương, giải pháp trước đó phải được nhanh chóng thể chế hóa, bố trí nhiều nguồn lực để tổ chức thực hiện.

PHƯƠNG DUNG

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/gia-lai-gan-12-ngan-dai-bieu-du-hoi-nghi-ve-dot-pha-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-doi-moi-sang-tao-va-chuyen-doi-so-quoc-gia-post307630.html
Zalo