Gia Lai: Đề xuất hỗ trợ đi lại cho gần 2000 công chức, viên chức sau sáp nhập

Dự kiến từ ngày 1/9 tới, cùng với một số địa phương khác trong cả nước, hai tỉnh Gia Lai và Bình Định sẽ sáp nhập, lấy tên gọi là tỉnh Gia Lai.

Dự kiến từ ngày 1/9 tới, cùng với một số địa phương khác trong cả nước, hai tỉnh Gia Lai và Bình Định sẽ sáp nhập, lấy tên gọi là tỉnh Gia Lai. Hiện nay, hai tỉnh đang khẩn trương rà soát, xây dựng các phương án nhằm đảm bảo điều kiện làm việc cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là những người từ tỉnh Gia Lai cũ sẽ chuyển về làm việc tại trung tâm hành chính mới đặt tại thành phố Quy Nhơn.

UBND tỉnh Gia Lai tại Thành phố Pleiku, nơi có hầu hết cán bộ sẽ chuyển công tác tới trung tâm hành chính mới sau sáp nhập.

UBND tỉnh Gia Lai tại Thành phố Pleiku, nơi có hầu hết cán bộ sẽ chuyển công tác tới trung tâm hành chính mới sau sáp nhập.

Theo đó, dự kiến có khoảng 1.972 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động từ các cơ quan, tổ chức thuộc tỉnh Gia Lai sẽ chuyển về công tác tại trung tâm hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp (dự kiến đặt tại tỉnh Bình Định). Trong đó bao gồm 1.219 cán bộ, công chức và 602 viên chức (không tính lực lượng thuộc ngành giáo dục, y tế, nông nghiệp và Ban Quản lý Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh); 151 người lao động (không bao gồm lao động tại Ban Quản lý Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh).

Theo Sở Nội vụ Gia Lai, đây là một lượng lớn nhân sự cần được sắp xếp, bố trí lại một cách hợp lý nhằm đảm bảo hoạt động thông suốt, hiệu quả cho bộ máy hành chính sau sáp nhập.

Để hỗ trợ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong quá trình chuyển công tác, Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai đã đề xuất một số chính sách hỗ trợ cụ thể, bao gồm: Hỗ trợ chi phí đi lại (8 lượt/tháng) cho cán bộ, công chức làm việc tại thành phố Pleiku phải di chuyển đến thành phố Quy Nhơn, hoặc những người có quãng đường từ nơi ở đến đơn vị hành chính cơ sở trên 50km; Hỗ trợ chi phí sinh hoạt theo quy định hiện hành về chế độ phụ cấp lưu trú; Hỗ trợ tiền thuê chỗ ở hàng tháng, căn cứ vào mức chi phí thực tế.

Các chính sách hỗ trợ này được áp dụng trong thời gian 3 năm kể từ ngày có quyết định sáp nhập chính thức của cấp có thẩm quyền. Sau thời gian này, việc hỗ trợ sẽ được cân nhắc, điều chỉnh dựa trên khả năng ngân sách của tỉnh và thực tế phát sinh. Điều này không chỉ nhằm tinh gọn bộ máy hành chính, mà còn góp phần ổn định tâm lý, đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, đảm bảo sự chuyển tiếp suôn sẻ, hiệu quả sau khi đơn vị hành chính mới đi vào hoạt động.

Ngoài ra, theo Đề án sáp nhập do tỉnh Bình Định chủ trì xây dựng, phương án sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sau sáp nhập sẽ tuân theo các quy định hiện hành và hướng dẫn của Trung ương, trên nguyên tắc phân cấp thẩm quyền và phù hợp với nhu cầu thực tiễn.

Đối với những trường hợp dôi dư, dự thảo đề án đưa ra một số phương án giải quyết như: nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ hưu đúng tuổi hoặc thôi việc theo nguyện vọng.

Dự kiến, số lượng cán bộ, công chức, viên chức dôi dư sẽ được giải quyết theo lộ trình giảm dần từ năm 2026 đến năm 2029, cụ thể: Năm 2026, giảm 34 người; năm 2027, giảm 25 người; năm 2028: giảm 22 người; năm 2029: giảm 23 người.

Nguyễn Thảo/VOV Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/gia-lai-de-xuat-ho-tro-di-lai-cho-gan-2000-cong-chuc-vien-chuc-sau-sap-nhap-post1199094.vov
Zalo