Giá gạch nung tăng mạnh do khan hiếm nguồn cung

Từ sau Tết Nguyên đán, giá gạch nung tại thị trường Hải Dương liên tục tăng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến các đại lý vật liệu xây dựng và người dân đang thi công công trình.

Giá gạch tăng cao, nhiều đại lý, cửa hàng phải chờ đợi lấy gạch từ nhà máy (Ảnh chụp tại một cửa hàng vật liệu xây dựng ở TP Hải Dương)

Giá gạch tăng cao, nhiều đại lý, cửa hàng phải chờ đợi lấy gạch từ nhà máy (Ảnh chụp tại một cửa hàng vật liệu xây dựng ở TP Hải Dương)

Giá tăng kỷ lục

Có nhiều năm kinh nghiệm xây nhà sẵn để bán ở TP Hải Dương, anh N.M.T. chưa bao giờ thấy giá gạch nung cao đỉnh điểm như hiện nay. Thậm chí, giá gạch còn được các doanh nghiệp sản xuất điều chỉnh theo ngày. Hiện giá gạch Đồng Tâm dao động từ 1.700 – 1.850 đồng/viên; gạch Thanh Nhàn (Bắc Giang) 1.810 – 1.850 đồng/viên…, cao hơn từ 600 – 700 đồng/viên so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cao nhưng hàng lại “nhỏ giọt”, người có nhu cầu phải phụ thuộc vào nhà máy, đại lý.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, chủ một cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng ở phường Nhị Châu (TP Hải Dương) cho biết, hiện nay giá gạch nhập vào rất cao, trong khi số lượng hạn chế, lại không ổn định, rất ảnh hưởng đến việc kinh doanh. Hiện hầu hết các cơ sở sản xuất gạch nung đều không nhận đặt cọc. Nhiều đại lý phải chờ từ 3 – 5 ngày mới có thể lấy được gạch từ nhà máy.

Một số người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh gạch nung cho rằng, giá sản phẩm này có thể vẫn tiếp tục tăng trong năm nay. Nguyên nhân do người dân vẫn có xu hướng thích sử dụng gạch nung trong khi các nguồn cung đang giảm nhẹ. Sau khi loại bỏ hoàn toàn gạch nung thủ công, từ năm 2016 - 2020, Hải Dương đã chấp thuận đầu tư 19 dự án sản xuất gạch tuynel với tổng công suất khoảng 2 tỷ viên/năm. Nhưng gần đây, nhiều nhà máy gạch tuynel đã thu hẹp sản xuất...

Dự toán kinh phí xây dựng của gia đình anh Nguyễn Hữu H. ở TP Hải Dương bị "đội lên" do giá gạch tăng cao

Dự toán kinh phí xây dựng của gia đình anh Nguyễn Hữu H. ở TP Hải Dương bị "đội lên" do giá gạch tăng cao

Anh Nguyễn Hữu H. ở TP Hải Dương cho biết: “Gia đình tôi xây nhà từ tháng 3/2025. Căn nhà 4 tầng cần khoảng 100.000 viên gạch. Do giá gạch tăng phi mã khiến cho dự toán tiền gạch của công trình bị đội lên khoảng 60 – 70 triệu đồng so với ban đầu. Chưa kể mức giá này có thể tiếp tục bị đội lên nếu như giá gạch tiếp tục tăng. Không những vậy, người mua gạch còn phải đặt hàng và có lúc phải chờ vài ngày mới có nên ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng. Đã có lúc đội thợ xây dựng cho gia đình tôi phải tạm nghỉ vài ngày để chờ gạch".

Thu hẹp sản xuất

Theo đánh giá của một số chủ nhà máy sản xuất gạch tuynel, hiện tượng khan hiếm gạch xây dựng bắt đầu từ sau Tết Nguyên đán. Nguyên nhân do nửa cuối năm 2024, giá gạch xây ổn định ở mức thấp nên các nhà máy hoạt động cầm chừng, không có sản phẩm dự trữ. Đến khi nhu cầu tăng mạnh, các nhà máy sản xuất không kịp trong khi đại lý thiếu hàng giao cho khách. Bênh cạnh đó, chi phí đầu tư vào sản xuất có sự biến động do giá đất nguyên liệu và than đều tăng mạnh. Ngoài ra, còn do ảnh hưởng của bão Yagi và trận lụt hồi tháng 9/2024 khiến nhiều cơ sở sản xuất gạch bị úng ngập, nhà xưởng, máy móc, thiết bị hư hại, việc phục hồi sản xuất cần có thời gian dẫn đến lượng cung giảm.

Nhiều nhà máy gạch tuynel đang vận hành hết công suất thiết kế (Ảnh chụp tại nhà máy gạch của Công ty TNHH Đồng Tâm)

Nhiều nhà máy gạch tuynel đang vận hành hết công suất thiết kế (Ảnh chụp tại nhà máy gạch của Công ty TNHH Đồng Tâm)

Cơn bão Yagi đã khiến 70% số nhà xưởng sản xuất gạch của Công ty CP Sản xuất và Dịch vụ thương mại vật liệu xây dựng Cường Thịnh 68 (TP Hải Dương) bị sập đổ, tốc mái. Đơn vị từng phải dừng sản xuất gạch trong 3 tháng. Đại diện nhà máy cho biết hiện chỉ đủ hàng để cung ứng cho các đại lý.

Công ty TNHH Đồng Tâm ở xã Đại Sơn (Tứ Kỳ) cũng chịu thiệt hại hàng chục tỷ đồng do cơn bão số 3 gây ra. Theo ông Vũ Văn Hạt, Giám đốc công ty, gạch nung xây dựng đã giữ giá từ 1.100 - 1.300 đồng/viên trong suốt giai đoạn 2019 – 2024. Trong khi cùng thời gian này, ngoài giá điện tăng, công thợ đã tăng khoảng 30%, chi phí đầu tư vào sản xuất như giá than, đất đồi đều tăng 50%... Nhiều nhà máy duy trì hoạt động trong thua lỗ nên dần thu hẹp quy mô sản xuất. Cơn bão Yagi như “giọt nước tràn ly” đã khiến không ít doanh nghiệp sản xuất gạch nung phá sản, làm giảm nguồn cung trong khi nhu cầu sử dụng gạch nung vẫn tăng.

Giá gạch nung tăng đột biến tác động trực tiếp đến người dân đang xây, sửa công trình. Tuy nhiên đây là thời điểm để định hình lại quy hoạch sản xuất, kinh doanh gạch nung, đồng thời là cơ hội để phát triển đa dạng vật liệu xây dựng, nhất là các sản phẩm không nung.

Gạch bê tông Thành Công, một sản phẩm trọng yếu của Nhà máy Sản xuất vật liệu xây dựng Thành Công (Kim Thành) đang được nhiều công trình xây dựng sử dụng do chất lượng ổn định. Gạch được sản xuất bằng dây chuyền hiện đại và được kiểm soát chặt chẽ nguyên liệu đầu vào. Theo ông Phạm Thế Phường, Giám đốc nhà máy này, việc sử dụng gạch không nung đang được mở rộng sang cả các công trình nhà ở gia đình. Đơn vị luôn bảo đảm ổn định chất lượng sản phẩm và duy trì giá bán ở mức cạnh tranh để thu hút khách hàng.

Trước biến động giá gạch nung, cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát thị trường, kịp thời đề xuất giải pháp bình ổn giá và bảo đảm nguồn cung, hạn chế tác động đến người dân.

THÀNH LONG - HUYỀN TRANG

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/gia-gach-nung-tang-manh-do-khan-hiem-nguon-cung-411565.html
Zalo