Gia đình học tập - ngọn lửa thắp sáng tinh thần hiếu học
Giữa miền quê nắng gió, nơi những cánh đồng lúa trải dài bạt ngàn và những cơn bão biển năm nào cũng quần thảo trên dải đất miền Trung, có một gia đình thầm lặng vun đắp cho giấc mơ tri thức, đã và đang viết nên câu chuyện đẹp đẽ về tinh thần hiếu học suốt đời, cho sự học tập của cả một thế hệ.
Bài dự thi cuộc thi viết "Gia đình học tập" của tác giả Huỳnh Thị Hải Yến (Bình Dương)

Đó là gia đình ông Lê Văn Xuân (sinh năm 1958) và bà Đào Thị Thảo (sinh năm 1963), quê ở thôn Đông Thiện, xã Dương Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình – một trong những tấm gương sáng tiêu biểu về "Gia đình học tập" dù là những người nông dân chân chất, lam lũ nhưng lại mang trong mình một khát khao cháy bỏng "nuôi dạy con cái trưởng thành bằng con đường học vấn".
Gieo mầm tri thức từ bùn đất quê nghèo
Gia đình ông Xuân và bà Thảo là một gia đình thuần nông, cả cuộc đời gắn bó với ruộng đồng. Mỗi hạt lúa, củ khoai là mồ hôi mặn chát của cha mẹ trên cánh đồng bùn lầy. Thế nhưng giữa muôn vàn thiếu thốn, ngay từ khi có đứa con đầu lòng, vợ chồng ông bà đã cùng chung một quyết tâm và giữ vững một niềm tin: "Chỉ có cái chữ mới giúp con thoát khỏi lam lũ, chỉ có tri thức mới đưa các con mình đến tương lai tốt đẹp hơn."
Để chắp cánh cho ước mơ học tập của các con, suốt bao năm ròng, ông Lê Văn Xuân cần mẫn bắt đầu một ngày mới từ lúc 3 – 4 giờ sáng, lặng lẽ ra đồng trong sương sớm để cày bừa, đắp bờ, giữ nước cho từng thửa ruộng. Còn bà Đào Thị Thảo – người vợ tảo tần – ngoài việc đồng áng, bà còn tranh thủ từng khoảnh khắc trong ngày để kiếm thêm thu nhập với những bó rau mang ra chợ, gặt lúa mướn, nhổ củ mì thuê. Có năm bão lũ về, lúa trôi theo dòng nước bạc, đàn heo bị cuốn đi trong đêm. Ông Xuân phải đi phụ hồ để kịp đóng học phí cho con. Nhưng chính trong gian khó ấy, những giá trị của sự học – ý chí, lòng kiên trì, niềm khao khát vươn lên – đã được ông bà âm thầm vun trồng, thấm đẫm vào từng suy nghĩ, từng bước đi của những đứa con.
Cơ cực là thế, nhưng ông bà chưa một lần than vãn hay ngần ngại đầu tư cho việc học của con, mong các con được bước tiếp trên con đường tri thức, không bị hoàn cảnh làm gãy cánh ước mơ. Bà thường bảo: "Cha mẹ ăn khoai cũng được, nhưng con cái phải được đi học". Câu nói ấy không chỉ là một lời động viên mà là kim chỉ nam cho cả gia đình.

Con gái thứ 2 của ông bà Xuân Thảo: Lê Thị Hải

Con gái thứ 3: Lê Thị Hồng

Con trai cả: Lê Văn Nam

Con trai thứ: Lê Văn Hanh

Cháu của ông bà Xuân Thảo.
Gặt hái những "mùa vàng" tri thức từ sự tảo tần
Từ mảnh đất lam lũ ấy, công sức, sự hy sinh lặng thầm của ông bà đã đơm hoa kết trái ngọt ngào. Cả bốn người con của gia đình đều nối tiếp nhau thi đỗ đại học và hiện đều là những cán bộ, công chức nhà nước – những hạt giống tri thức được ươm mầm từ bùn đất quê nghèo, điều từng là giấc mơ xa xỉ với biết bao gia đình ở quê.
Người con trai cả – anh Lê Văn Nam (sinh năm 1983) hiện đang là giáo viên Vật lý công tác tại Trường THCS-THPT Dương Văn An, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Anh luôn là giáo viên gương mẫu, có nhiều sáng kiến đổi mới trong giảng dạy.
Người con gái thứ hai – chị Lê Thị Hải (sinh năm 1987) hiện là giáo viên tiếng Anh tại Trường THCS Thái Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Chị là người luôn được đồng nghiệp quý mến, học sinh yêu thương vì phương pháp giảng dạy linh hoạt, sáng tạo. Chị đạt giáo viên dạy giỏi và chiến sĩ thi đua nhiều năm liền.
Người con gái thứ ba – chị Lê Thị Hồng (sinh năm 1989) hiện là giáo viên Tin học tại Trường Tiểu học Minh Thạnh, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Không chỉ là người con hiếu thảo, vì công việc phải xa quê lập nghiệp nhưng chị luôn dành sự quan tâm đặc biệt - hướng về gia đình. Trong công tác, chị luôn năng động, sáng tạo, có nhiều đóng góp tích cực cho phong trào thi đua của nhà trường, luôn giúp đỡ hỗ trợ đồng nghiệp trong nhà trường về công nghệ thông tin đặc biệt trong thời đại công nghệ 4.0 ngày càng phát triển. Nhiều năm chị đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, giáo viên dạy giỏi và được sự tin yêu, tín nhiệm cao từ đồng nghiệp, mọi người xung quanh. Chị cũng là đồng nghiệp mà tôi rất quý trọng đã giúp đỡ tôi rất nhiều khi tôi là một giáo viên tập sự.
Người con trai út – anh Lê Văn Hanh (sinh năm 1998) hiện đang công tác tại Tiểu đoàn 452, Trung tâm Huấn luyện, Vùng 4 Hải quân. Mang trong mình tinh thần yêu nước nồng nàn và lý tưởng sống cao đẹp, anh Hanh tự nguyện khoác lên mình màu áo lính biển – màu áo của lòng kiên cường và trách nhiệm với Tổ quốc. Là người con út trong gia đình, anh thừa hưởng trọn vẹn tinh thần vượt khó, ý chí sắt đá từ cha mẹ và các anh chị đi trước.
Mỗi người con, một con đường khác nhau, nhưng đều chung một điểm là không phụ công lao cha mẹ, không ngừng nỗ lực để trở thành công dân tốt, người lao động gương mẫu, là hạt giống lan tỏa tinh thần học tập và cống hiến. Đặc biệt, cả bốn người con đều là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam – minh chứng rõ nét cho lý tưởng sống cao đẹp, trách nhiệm với xã hội và niềm tin được hun đúc từ truyền thống gia đình. Thành quả đó không chỉ là những tấm bằng đại học, không chỉ là công việc ổn định, mà còn là sự trưởng thành về nhân cách, đạo đức, lối sống, là sự hiếu thuận với cha mẹ, yêu thương đùm bọc lẫn nhau của các con ông Xuân – bà Thảo. Đó chính là "gia sản" quý giá nhất mà bất cứ bậc cha mẹ nào cũng mơ ước.
Tấm bằng "Gia đình học tập" – quả ngọt từ sự hy sinh thầm lặng
Với những đóng góp và nỗ lực không ngừng nghỉ, gia đình ông bà Lê Văn Xuân – Đào Thị Thảo đã vinh dự được UBND xã Dương Thủy công nhận là "Gia đình hiếu học xuất sắc" giai đoạn 2007–2012.
Tiếp nối chặng đường ấy, đến năm 2015, gia đình được Hội Khuyến học huyện Lệ Thủy cấp giấy chứng nhận "Gia đình học tập tiêu biểu" – một sự ghi nhận xứng đáng cho cả hành trình dài đầy vất vả và hy sinh. Nhưng với ông bà, danh hiệu không phải là đích đến. Ông Xuân từng nói: "Danh hiệu quý thật, nhưng điều cha mẹ mong hơn là thấy các con sống tử tế, có ích, và dạy lại cho cháu chắt đạo làm người, cái quý của sự học tập."
Ngọn lửa truyền thống hiếu học - tiếp nối qua thế hệ cháu
Điều đáng trân quý hơn cả là ngọn lửa học tập ấy không dừng lại ở thế hệ con mà các cháu trong gia đình tiếp tục là niềm tự hào khi luôn chăm ngoan, lễ phép, và có ý thức học tập rõ ràng. Trong đó, nhiều cháu đã đạt giải học sinh giỏi cấp trường, cấp huyện và đạt giải cao trong các phong trào:
Cháu Lê Trương Khánh Nhi (sinh năm 2012) con gái anh Nam nhiều năm liền đạt học sinh xuất sắc. Lớp 6 cháu đạt giải nhì học sinh giỏi môn Ngữ văn, lớp 7 đạt giải 3 học sinh giỏi môn Ngữ văn cấp huyện.
Cháu Võ Ngọc Minh (sinh năm 2014) con trai chị Hải nhiều năm liền đạt học sinh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cháu cũng đạt nhiều thành tích cao trong các phong trào như Trạng Nguyên Toàn Tài cấp Tỉnh năm học 2021-2022, đạt giải Huy chương vàng cờ vua U8 năm học 2021-2022, đạt giải Đồng khối 4 kỳ thi cấp Quốc gia về Olympic Tiếng Anh năm học 2023-2024, đạt giải Đồng môn cờ vua U11 cấp huyện năm học 2024-2025. Cháu cũng đạt danh hiệu cháu ngoan Bác Hồ cấp huyện giai đoạn 2020-2025.
Cháu Trần Hoài An (sinh năm 2018) con trai chị Hồng mặc dù mới học lớp 1 nhưng chị đã luôn định hướng học tập cho con của mình. Cháu đạt giải Nhất Trạng Nguyên Tiếng Việt trên Internet cấp Tỉnh.
Chị Lê Thị Hồng – người con thứ ba của gia đình – từng chia sẻ với tôi trong một buổi trò chuyện đầy xúc động: "Các anh chị em trong gia đình luôn nhắc nhở con cháu rằng, chính sự hi sinh của ông bà đã cho chúng em có được ngày hôm nay. Đó là động lực để bọn trẻ phải cố gắng, phải học hành nên người." Điều đặc biệt là ở mỗi người con, người cháu trong gia đình, ngọn lửa về lòng biết ơn ông bà, cha mẹ luôn rực cháy. Những dịp lễ Tết, sinh nhật, lễ Vu Lan báo hiếu, họ luôn trở về, quây quần bên mái nhà nhỏ, ôn lại những năm tháng gian khó, cùng tri ân công lao trời biển của đấng sinh thành. Nhưng riêng chị Hồng chỉ có thể tận hưởng những niềm vui đó gián tiếp qua những cuộc gọi video cùng gia đình ở quê.
Gửi lời tri ân đến hai người nông dân vĩ đại
Trong hành trình tìm đến ánh sáng tri thức của cả đại gia đình, ông Lê Văn Xuân và bà Đào Thị Thảo chính là những người lặng lẽ gieo mầm đầu tiên. Không học vị cao sang, không một ngày đứng trên bục giảng, nhưng ông bà lại là "người thầy đầu đời" – là tấm gương sáng ngời của lòng yêu thương, đức hy sinh và khát vọng vươn lên không mỏi mệt. Những bài học quý giá nhất mà ông bà truyền dạy không đến từ trang sách, mà đến từ chính những giọt mồ hôi rơi trên thửa ruộng, từ bữa cơm đạm bạc chắt chiu cho con đi học, từ ánh mắt đầy kỳ vọng, và những lời dạy bảo dịu dàng mà thấm đẫm đức hy sinh. Tình yêu thương không điều kiện, sự nhẫn nại bền bỉ trước bao giông gió cuộc đời và niềm tin sắt đá vào giá trị của giáo dục nơi ông bà – chính là ngọn đèn soi lối cho cả một thế hệ. Ông bà đã sống trọn một đời để chứng minh chân lý: "Dù nghèo vật chất, nhưng nếu giàu ý chí, giàu khát vọng học tập, thì tương lai vẫn có thể tỏa sáng rực rỡ."
Kết nối – lan tỏa giá trị – truyền cảm hứng gia đình học tập
Trên hành trình xây dựng xã hội học tập, mỗi gia đình chính là một hạt giống gieo mầm tri thức, vun đắp tương lai. Gia đình ông Lê Văn Xuân và bà Đào Thị Thảo là minh chứng rõ ràng cho chân lý: Dù khởi đầu trong gian khó, chỉ cần có tình yêu thương, sự hy sinh và niềm tin vào giáo dục, thì bất cứ gia đình nào cũng có thể vươn tới những điều tốt đẹp. Từ những mùa lúa bội thu trên quê hương Lệ Thủy, đến những thành quả học tập, công tác đáng tự hào của con cháu – gia đình ấy đã và đang viết nên một câu chuyện đẹp về truyền thống hiếu học, về sức mạnh của tri thức và lòng kiên trì. Họ không chỉ xứng đáng với danh hiệu "Gia đình học tập tiêu biểu" mà còn là ngọn lửa âm ỉ thắp sáng niềm tin, tiếp thêm động lực cho biết bao gia đình khác trên hành trình vun đắp ước mơ, xây dựng quê hương ngày một văn minh, giàu đẹp.