Gia đình 3 thế hệ gìn giữ nghề làm bánh Trung thu truyền thống

Ngày nay, thị trường bánh Trung thu phong phú với nhiều kiểu dáng cũng như hương vị khác nhau. Tuy nhiên, những chiếc bánh Trung thu truyền thống vẫn luôn chiếm được cảm tình và sự lựa chọn của đông đảo người tiêu dùng.

Cận cảnh quy trình làm bánh Trung thu gia truyền. Video Thảo Nguyên.

Bản sắc riêng nhờ hương vị cổ truyền
Về làng Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm) những ngày này ấn tượng đầu tiên là ngay khi đặt chân đến đầu làng đã thơm nức mùi vị từ những xưởng làm bánh nướng, bánh dẻo. Nhà nào cũng tất bật chuẩn bị những mẻ bánh Trung thu mang đậm hương vị truyền thống để phục vụ nhu cầu khách hàng.

Ngay từ những ngày đầu tháng 7 Âm lịch, các cơ sở sản xuất bánh Trung thu trên địa bàn đã bắt đầu mở bán để phục vụ nhu cầu của người dân. Mỗi ngày có hàng nghìn chiếc bánh cổ truyền với nhiều kiểu dáng, kích thước được ra lò.

Cứ mỗi mùa Trung thu đến, căn xưởng nhỏ trong ngõ 46 Xuân Đỉnh của gia đình bà Phạm Thị Thanh Lương (56 tuổi) lại “đỏ lửa” với những mẻ bánh Trung thu. Được biết, gia đình bà là một trong những gia đình làm bánh lâu đời nhất và có nhiều đóng góp xây dựng làng nghề.

Chia sẻ về bí quyết hơn 80 năm gắn bó với nghề làm bánh Trung thu, bà Lương cho hay: “Để tạo ra những chiếc bánh thơm ngon, trước hết, cần làm bằng chính cái tâm của mình. Từ các công đoạn chuẩn bị bột cho đến việc chọn nguyên liệu làm nhân, tất cả đều phải được tuyển chọn kỹ lưỡng. Quá trình sản xuất phải tuân thủ theo từng quy trình nghiêm ngặt, đặc biệt phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Chỉ như vậy, chúng tôi mới có thể làm ra những chiếc bánh chất lượng, đậm đà hương vị cổ truyền.”

Bởi vậy, nguyên liệu trong bánh đều được gia đình bà Lương tự chế biến 100%. Đầu tháng Giêng, gia đình bà Lương đã bắt đầu ngâm rượu mai quế lộ và đến cuối tháng 2 vào mùa hoa bưởi, gia đình bà tiếp tục chưng cất nước hoa bưởi để kịp đến tháng 6 Âm lịch có thể chắt lọc được nước cốt làm hương liệu cho những bánh Trung thu.

Dây chuyền sản xuất hiện đại được áp dụng trong sản xuất bánh Trung thu truyền thống. Ảnh Thảo Nguyên.

Để bắt kịp thời đại cũng như nâng tầm sản phẩm làng nghề, cơ sở bánh Trung thu gia truyền Hùng Lương không ngại ngần đầu tư trang thiết bị hiện đại vào các công đoạn như dập khuôn, đóng gói sản phẩm để nâng cao năng suất lao động, chú trọng bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

“Trước đây, việc đóng gói bánh Trung thu thường phải sử dụng giấy báo hoặc chấm nhang vào bao nilon nhưng ngày nay, quy trình này đã được cải tiến bằng máy đóng gói, khuôn bánh cũng được thay thế bằng máy dập chuyên dụng.” - bà Lương chia sẻ.

Mặc dù quá trình sản xuất bánh đã có sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại nhưng các khâu quan trọng như lựa chọn nguyên liệu tươi ngon, nhào nặn bột và chế biến nhân vẫn được gia đình bà Lương thực hiện thủ công. Chính điều này không chỉ giúp giữ gìn tinh hoa văn hóa ẩm thực mà còn bảo tồn hương vị đặc trưng của bánh truyền thống.

Nhờ áp dụng công nghệ cải tiến, sản lượng trung bình mỗi ngày cơ sở sản xuất được trên 5.000 chiếc. Mỗi chiếc bánh có giá trung bình từ 40.000 - 55.000 đồng (tùy loại).

Để gìn giữ nghề truyền thống của gia đình, bà Lương không chỉ hướng dẫn con trai cách tuyển chọn nguyên liệu tươi ngon mà còn dành trọn tâm huyết truyền dạy những bí quyết gia truyền. Với mong muốn con hiểu và cảm nhận được hương vị xưa cũ, sao cho mỗi chiếc bánh đều mang đậm hương vị cổ truyền.

Kế thừa, phát triển nghề truyền thống

Nối tiếp nghề truyền thống mà gia đình để lại, anh Nguyễn Hữu Hoàn (35 tuổi) là con trai của vợ chồng bà Lương luôn trân trọng và tâm huyết với nghề ông cha truyền lại. Anh Nguyễn Hữu Hoàn tâm sự: “gia đình tôi đã gìn giữ truyền thống nghề làm bánh Trung thu qua nhiều thế hệ và tôi tự hào là thế hệ thứ 3 tiếp bước. Đây không chỉ đơn thuần là một công việc mà còn là một nét đẹp văn hóa. Với tâm huyết mang đến những chiếc bánh thơm ngon và chất lượng đến tay người tiêu dùng, tôi quyết tâm gìn giữ và phát triển nghề làm bánh Trung thu của gia đình”.

Ngoài đảm bảo chất lượng sản phẩm, trong thời đại 4.0, anh Hoàn cũng nắm bắt xu hướng hiện nay để tạo ra những chiếc bánh vừa đáp ứng thị hiếu ngày càng đa dạng của khách hàng, vừa không mất đi hương vị cổ truyền.

“Hàng năm, cơ sở vẫn học hỏi, làm thử và đưa ra những sản phẩm mới để kiểm nghiệm. Sản phẩm nào phù hợp với dòng bánh cổ truyền thì cơ sở sẽ đưa ra sản xuất còn những dòng bánh chưa phù hợp thì cơ sở sẽ tạm ngưng sản xuất và tiếp tục tìm tòi học hỏi để nâng cao chất lượng hoặc làm mới những dòng bánh đó” - anh Hoàn chia sẻ thêm.

Bên cạnh nhân bánh thập cẩm truyền thống, cơ sở sản xuất bánh Trung thu gia truyền Hùng Lương còn sáng tạo thêm nhiều dòng bánh Trung thu với các loại nhân khác nhau như: dừa hành chà bông, mochi gà quay trứng muối; hay các nhân cơ bản như: trà xanh, đậu đỏ, sữa dừa, lá dứa, sen nhuyễn… tạo nên sự đa dạng cho chiếc bánh Trung thu truyền thống và cũng giúp khách hàng có thêm nhiều sự lựa chọn.

Bánh trung thu truyền thống vẫn luôn là sự lựa chọn của nhiều thực khách. Ảnh Thảo Nguyên.

Bánh trung thu truyền thống vẫn luôn là sự lựa chọn của nhiều thực khách. Ảnh Thảo Nguyên.

Bước ra từ quầy bánh tại cơ sở Hùng Lương, chị Đỗ Thùy Linh (tại quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Bánh Trung thu Hùng Lương mang hương vị truyền thống, đặc sắc riêng không phải ở đâu cũng có, nhân bánh bùi béo, tròn vị. Vì thế, hàng năm cứ mỗi dịp Trung thu, tôi lại tìm đến đây mua bánh về cùng gia đình thưởng thức”.

Ngày nay, giữa vô vàn thương hiệu đình đám nổi tiếng nhưng những chiếc bánh Trung thu gia truyền giản dị của gia đình bà Lương vẫn luôn có sức hút đặc biệt, níu chân biết bao nhiêu thực khách gần xa.

Đoàn Thảo Nguyên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/gia-dinh-3-the-he-gin-giu-nghe-lam-banh-trung-thu-truyen-thong.html
Zalo