Giá điện hợp lý sẽ thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng
Mở rộng cánh cửa cho doanh nghiệp tư nhân tham gia các dự án năng lượng sẽ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo đảm tính bền vững, củng cố an ninh năng lượng quốc gia, phát triển kinh tế; muốn vậy, giá điện hợp lý là chìa khóa quan trọng, bởi khi doanh thu được bảo đảm, khu vực tư nhân sẽ mạnh dạn đầu tư.
Chính sách thu hút đầu tư bước đầu có hiệu quả
Chia sẻ tại hội thảo “Khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Việt Nam”, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) thuộc Văn phòng Dịch vụ dự án Liên Hợp Quốc (UNOPS) tổ chức chiều 18.2, TS. Nguyễn Ngọc Thủy, Điều phối viên Quốc gia ETP/UNOPS thông tin: để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng cao và vẫn phải bảo đảm mục tiêu của Thỏa thuận Paris, đầu tư hàng năm vào năng lượng sạch tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển cần tăng gấp 3 lần, từ 770 tỷ USD năm 2022 lên 2,2 - 2,8 nghìn tỷ USD/năm cho đến năm 2030; nếu không tính Trung Quốc, tổng vốn đầu tư này có thể tăng 7 lần.
Cũng theo bà Thủy, hầu hết các khoản đầu tư trong ngành năng lượng đến từ doanh nghiệp, song có sự khác biệt rất lớn ở các quốc gia; theo đó, một nửa đầu tư này ở các nền kinh tế đang phát triển đến từ Chính phủ và doanh nghiệp nhà nước, so với chỉ 15% ở các nền kinh tế đã phát triển. Các dự án năng lượng đòi hỏi suất đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn dài, đặc biệt là dễ bị ảnh hưởng bởi yếu tố tài chính (tỷ giá ngoại tệ, lãi suất), sự thay đổi trong chính sách, quy định, do đó rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên có liên quan.
Đối với Việt Nam, việc mở rộng cánh cửa cho doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các dự án năng lượng sẽ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo đảm tính bền vững, củng cố an ninh năng lượng quốc gia, đồng thời phát triển kinh tế đất nước.
Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Phạm Minh Hùng thông tin, hiện nay, cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư tư nhân vào lĩnh vực năng lượng đã có, như Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Luật Điện lực 2024 hay Quy hoạch điện VIII đều xác định khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư, phát triển các dự án năng lượng…
![Quang cảnh hội thảo](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_19_592_51510430/6d56424a6c04855adc15.jpg)
Quang cảnh hội thảo
Tính đến cuối năm 2024, tổng công suất nguồn điện là 82.400MW, trong đó khối tư nhân đóng góp hơn 50%. Sự gia tăng tỷ trọng đầu tư tư nhân là kết quả của Luật Điện lực và các chính sách thu hút đầu tư; khối tư nhân có lợi thế ra quyết định đầu tư nhanh hơn doanh nghiệp nhà nước cũng giúp đẩy mạnh các dự án hiệu quả như năng lượng tái tạo, ông Hùng đánh giá.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Quỳnh Lê bổ sung, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư năm 2020, được sửa đổi năm 2024 đã tạo hành lang pháp lý thu hút đầu tư tư nhân vào các dự án, trong đó có lĩnh vực năng lượng. Đến nay, đã có 19 dự án BOT trong lĩnh vực năng lượng, với công suất 27.000MW, tổng vốn huy động gần 2.000 tỷ USD; trong đó 2 dự án đã chuyển giao cho EVN (Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ 3 và Phú Mỹ 2.2), 10 dự án đã ký hợp đồng. “Các dự án BOT điện đã chứng tỏ sự thành công ở Việt Nam”, bà Lê nhìn nhận.
Cần khuyến khích tư nhân vào tất cả loại hình năng lượng
Dẫn Quy hoạch điện VIII, ông Phạm Minh Hùng thông tin, nhu cầu đầu tư vào ngành điện thời gian tới là rất lớn, theo đó, giai đoạn 2021 - 2030, trung bình cần 13,5 tỷ USD/năm; giai đoạn 2031 - 2050 cần 20 - 26 tỷ USD/năm. Hiện, Bộ Công Thương đang điều chỉnh quy hoạch này, dự kiến nhu cầu vốn sẽ còn tăng cao hơn do sẽ phát triển điện hạt nhân.
Nhấn mạnh sự cần thiết thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực năng lượng, trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng hai con số vào những năm tới, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng chúng ta đang gặp nhiều thách thức, đó là thiếu cơ chế giá điện cạnh tranh và minh bạch; hiện, giá điện Nhà nước điều chỉnh chưa phản ánh đủ chi phí, làm giảm sức hấp dẫn nhà đầu tư. “Nếu không tăng giá điện thì sẽ không thể khuyến khích đầu tư, nhưng tăng giá điện thì dư luận xã hội sẽ phức tạp. Do vậy, phải có một chiến lược truyền thông”, ông Dũng đề nghị.
Mặt khác, việc tiếp cận vốn đối với khu vực tư nhân đang là vấn đề lớn, nhất là vốn vay từ nước ngoài mà không có Chính phủ bảo lãnh thì khu vực tư nhân sẽ không thể vay được, trừ một số tập đoàn rất lớn. Các doanh nghiệp tư nhân cũng phải đối diện với rủi ro pháp lý và chính sách. Chẳng hạn, theo Luật Đất đai 2024, giá đất tăng lên 5 - 6 lần, thậm chí cả chục lần, do đó để hút doanh nghiệp đầu tư về truyền tải điện với giá đất như này là không dễ. Chưa kể, thủ tục hành chính phức tạp cũng là một rào cản; nêu thực trạng, ông Dũng hàm ý cần phải tháo gỡ để thu hút tư nhân đầu tư vào lĩnh vực năng lượng.
Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ Phạm Minh Hùng cho rằng, muốn thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực năng lượng, cần bảo đảm giá điện hợp lý, phản ánh đầy đủ chi phí sản xuất và kinh doanh, giúp nhà đầu tư có lợi nhuận ổn định. Cùng với đó, cho phép tư nhân tự quyết định giá mua bán điện nhưng không vượt quá khung giá quy định của Nhà nước. Giá điện phải bảo đảm công khai, minh bạch, không phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp điện lực. Đồng thời, cần nghiên cứu chính sách bảo đảm đầu tư như chuyển ngang giá nhiên liệu sang giá điện để giảm rủi ro, cam kết sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn để bảo đảm lợi ích cho nhà đầu tư.
PGS.TS. Nguyễn Thị Nhung, chuyên gia Dự án “Khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Việt Nam” đồng tình cho rằng phải có sự ổn định về chính sách và giá điện, vì khi doanh thu của đơn vị vào năng lượng tái tạo được bảo đảm thì họ sẽ mạnh dạn đầu tư.
Cũng theo bà Nhung, để giải quyết các vấn đề chính sách và pháp lý để tăng cường niềm tin của nhà đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, cần xây dựng khuôn khổ giá điện cho các loại dự án năng lượng tái tạo khác nhau để giúp nhà đầu tư chuẩn bị tốt hơn cho kế hoạch triển khai dự án; chính thức hóa các chính sách ưu đãi về thuế, phí và lệ phí cho các khoản đầu tư xanh nói chung và các dự án năng lượng tái tạo nói riêng.
Còn theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, nhu cầu năng lượng sẽ vượt xa khả năng của năng lượng tái tạo, trong khi năng lượng tái tạo là nguồn tài nguyên khan hiếm trong tương lai gần. Do đó, “đừng quá ảo tưởng vào điện gió và điện mặt trời”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh, đồng thời khuyến nghị Việt Nam cần khuyến khích đầu tư tư nhân vào tất cả các loại điện gió, điện mặt trời, điện hạt nhân, điện than và điện khí. Mặt khác, hiệu quả sử dụng năng lượng ròng mới là yếu tố quyết định cho chính sách về năng lượng của Việt Nam. Do vậy, làm thế nào để khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm nhất mới là chính sách quan trọng nhất.