Giá dầu châu Á tăng hơn 1% do lo ngại gián đoạn nguồn cung

Trong phiên 11/9 tại châu Á, giá dầu phục hồi từ các mức thấp do lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung, còn giá vàng ổn định khi các nhà đầu tư chờ số liệu lạm phát của Mỹ.

Giá dầu châu Á tăng hơn 1% do lo ngại gián đoạn nguồn cung. Ảnh: TTXVN phát

Giá dầu châu Á tăng hơn 1% do lo ngại gián đoạn nguồn cung. Ảnh: TTXVN phát

* Giá dầu phục hồi từ các mức thấp trong nhiều tháng

Giá dầu tăng hơn 1% trong phiên 11/9, phục hồi một phần mức giảm của phiên trước, do lo ngại cơn bão Francine làm giảm sản lượng ở Mỹ, nước sản xuất lớn nhất thế giới, trong lúc có những lo ngại nhu cầu toàn cầu yếu.

Giá dầu Brent kỳ hạn tăng 84 xu Mỹ, hay 1,2%, lên 70,03 USD/thùng vào lúc 14 giờ 4 phút (theo giờ Việt Nam), trong khi giá dầu ngọt nhẹ WTI kỳ hạn của Mỹ tăng 81 xu Mỹ, hay 1,2%, lên 66,56 USD/thùng.

Cả hai loại dầu này đều giảm gần 3 USD trong phiên trước, trong đó dầu Brent chạm mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021 và dầu WTI giảm xuống mức đáy kể từ tháng 5/2023, sau khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC

) điều chỉnh giảm dự báo nhu cầu trong năm nay và năm tới.

Chuyên gia kinh tế tại Nomura Securities, Yuki Takashima, cho rằng áp lực giảm giá có thể sẽ tiếp tục trong thời gian tới khi các nhà đầu tư lo ngại nhu cầu chậm lại do kinh tế Trung Quốc và Mỹ giảm tốc.

Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ ngày 10/9 cho biết áp thấp đã mạnh lên thành bão Francine trên vịnh Mexico, khiến người dân Louisiana phải sơ tán vào đất liền và các công ty dầu khí phải dừng khai thác.

Cục Quản lý an toàn và thực thi môi trường ngoài khơi Mỹ cho biết, các công ty năng lượng, vốn chiếm khoảng 24% sản lượng của vịnh Mexico tại Mỹ, đã tạm dừng hoạt động và sơ tán nhân viên khỏi 130 giàn khoan dầu.

Ngày 10/9, OPEC dự báo nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng 2,03 triệu thùng/ngày vào năm 2024, giảm so với mức dự báo tăng 2,11 triệu thùng/ngày được đưa ra vào tháng trước. OPEC cũng cắt giảm ước tính tăng trưởng nhu cầu toàn cầu năm 2025 xuống 1,74 triệu thùng/ngày từ 1,78 triệu thùng/ngày.

Số liệu hải quan và của Reuters cho thấy lượng nhập khẩu dầu thô hàng ngày của Trung Quốc trong tháng trước đã tăng lên mức cao nhất trong một năm, dù vẫn giảm 7% so với cùng kỳ năm trước và lượng nhập khẩu từ đầu năm đến nay giảm 3%.

* Giá vàng ổn định

Giá vàng ổn định trong phiên này, khi các nhà đầu tư chờ số liệu lạm phát của Mỹ để có thể nhận định về mức hạ lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) vào tuần tới.

Giá vàng giao ngay tăng 0,2%, lên mức 2.520,08 USD/ounce vào lúc 12 giờ 42 phút (theo giờ Việt Nam). Giá vàng kỳ hạn của Mỹ cũng tăng 0,2%, lên 2.548,90 USD/ounce.

Nhà phân tích cấp cao Matt Simpson của City Index cho biết giá vàng dao động trong biên độ hẹp trước khi số liệu lạm phát của Mỹ được công bố. Ông cho rằng báo cáo mới có thể cho thấy lạm phát yếu và đưa giá vàng lên mức cao kỷ lục.

Số liệu về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ sẽ được công bố vào lúc 19 giờ 30 phút (theo giờ Việt Nam), trong khi chỉ số giá của nhà sản xuất và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu sẽ được công bố một ngày sau đó.

Báo cáo về CPI dự kiến sẽ cho thấy lạm phát gần đạt mục tiêu 2% của Fed, ủng hộ quan điểm của Chủ tịch Jerome Powell rằng đà tăng giá cả đang được kiểm soát.

Theo đa số các nhà kinh tế trong cuộc thăm dò của Reuters, Fed sẽ hạ lãi suất 25 điểm cơ bản tại mỗi cuộc họp trong ba cuộc họp chính sách còn lại vào năm 2024.

Vàng, tài sản không có lãi suất, có xu hướng là một lựa chọn đầu tư ưa thích trong bối cảnh lãi suất thấp hơn và bất ổn địa chính trị.

Căng thẳng tiếp diễn ở Trung Đông do xung đột Israel-Hamas đã thúc đẩy hoạt động mua tài sản trú ẩn an toàn trong năm nay.

Còn tại Việt Nam phiên 11/9, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) công bố giá bán vàng miếng SJC ở mức 78,5 - 80,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

* Các thị trường chứng khoán biến động trái chiều

Các thị trường chứng khoán biến động trái chiều, do lo ngại về hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, dù các nhà giao dịch lạc quan về việc Fed hạ lãi suất.

Các thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục và Hong Kong (Trung Quốc) trong xu hướng giảm chung như hầu hết các thị trường khác trong khu vực. Các thị trường Nhật Bản, Sydney, Seoul, Đài Bắc, Bangkok, Jakarta, Wellington và Manila cũng chìm trong sắc đỏ, trong khi Singapore và Mumbai tăng nhẹ.

Chốt phiên, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 1,5%, xuống 35.619,77 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 0,7%, xuống 17.108,71 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải (Trung Quốc) giảm 0,8%, xuống 2.721,8 điểm.

Các nhà giao dịch lo ngại trước khi số liệu lạm phát quan trọng của Mỹ được công bố, với tác động lớn đến quyết định của Fed về lãi suất vào tuần tới.

Các số liệu việc làm của Mỹ được công bố trong tuần trước đã gây lo ngại rằng nền kinh tế hàng đầu thế giới đang tăng trưởng chậm hơn dự kiến và có thể đang trên đà suy thoái.

Các số liệu trên được công bố một tháng sau đợt lao dốc của thị trường chứng khoán do tình hình thị trường lao động cũng xấu không kém và gây tranh luận về việc liệu Fed có phải đợi quá lâu trước khi hạ lãi suất do tập trung vào việc giảm lạm phát hay không.

Sự không chắc chắn về kinh tế Mỹ diễn ra cùng lúc với những khó khăn của nền kinh tế Trung Quốc, khi các nhà lãnh đạo nước này nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản, tiêu dùng ảm đạm và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao trong giới trẻ.

Số liệu CPI của Mỹ sẽ được công bố trong ngày 11/9 và sẽ có tác động đến kế hoạch của Fed sắp tới.

Nhà phân tích Mark Zandi tại Moody's Analytics cho rằng mặc dù Fed có thể hạ lãi suất 50 điểm cơ bản, nhưng điều này ít có khả năng xảy ra, vì Fed sẽ chỉ cắt giảm mạnh như vậy nếu nền kinh tế hoặc hệ thống tài chính đi chệch hướng.

Còn tại Việt Nam, kết thúc phiên này, chỉ số VN-Index giảm 1,96 điểm, hay 0,16%, xuống 1.253,27 điểm, và chỉ số HNX-Index giảm 0,24 điểm, hay 0,1%, xuống 231,45 điểm.

Lê Minh (Tổng hợp)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/gia-dau-chau-a-tang-hon-1-do-lo-ngai-gian-doan-nguon-cung/346705.html
Zalo