Giá cước vận tải biển có thể tăng mạnh sau thỏa thuận Mỹ - Trung

Nhiều khả năng, các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ tranh thủ khoảng thời gian này để đẩy nhanh các chuyến hàng, phòng khả năng thuế quan có thể tăng trở lại sau đó...

Một góc cảng Los Angeles của Mỹ - Ảnh: Bloomberg.

Một góc cảng Los Angeles của Mỹ - Ảnh: Bloomberg.

Sau khi Mỹ và Trung Quốc đạt thỏa thuận “đình chiến” thương mại, hạ thuế quan đối ứng cho nhau về 10% trong vòng 90 ngày, hoạt động thương mại giữa hai nước được các nhà bán lẻ và logistics dự báo sẽ tăng mạnh. Nhiều khả năng, các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ tranh thủ khoảng thời gian này để đẩy nhanh các chuyến hàng, phòng khả năng thuế quan có thể tăng trở lại sau đó.

“Tôi có những khách hàng với hàng nghìn container hàng hóa đang chờ sẵn ở Trung Quốc để lên đường sang Mỹ”, Phó chủ tịch Paul Brashier của công ty chuỗi cung ITS Logistics nói với hãng tin CNBC. Ông cho rằng trong vòng 4-6 tuần tới, một làn sóng hàng hóa đóng container được vận tải bằng đường biển sẽ lên tàu từ Trung Quốc để tới Mỹ. Cũng theo ông Brashier thời gian tạm hoãn thuế quan 90 ngày mà Mỹ và Trung Quốc đạt được sau hai ngày đàm phán ở Thụy Sỹ vào cuối tuần vừa rồi “là khoảng thời gian vô cùng quan trọng để lên kế hoạch cho việc dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc”.

Theo thỏa thuận, Trung Quốc hạ thuế quan đối với hàng Mỹ từ 125% về 10%, và Mỹ hạ thuế quan đối với hàng Trung Quốc về 30% - trong đó có 10% là thuế đối ứng và 20% là thuế quan liên quan đến vấn đề fentanyl được giữ nguyên.

DOANH NGHIỆP SẼ TRANH THỦ THỜI GIAN HOÃN THUẾ

Ông Bruce Kaminstein - nhà sáng lập kiêm cựu CEO của công ty sản phẩm làm sạch Casabella - phát biểu: “Thuế quan 30% trong 90 ngày sẽ là khơi lại dòng chảy hàng hóa cho các doanh nghiệp nhỏ. Họ đã mắc kẹt vì chính sách biến động. Các công ty đang ở trong tình thế khó khăn, nên họ sẽ tranh thủ sự tạm hoãn này”, ông nói.

“Khi thuế quan còn ở mức 20%, các nhà nhập khẩu vẫn đẩy mạnh nhập hàng trong tháng 3 và tháng 4. Nhập khẩu hàng hóa qua đường biển của Mỹ đã tăng 11% so với cùng kỳ năm trước trong khoảng thời gian đó. Bởi vậy, mức thuế đã giảm về 30% hiện nay sẽ khởi động lại việc các nhà nhập khẩu ồ ạt nhập hàng về trước khi thuế quan có thể tăng trở lại vào tháng 8”, trưởng nghiên cứu Judah Levine của công ty Freightos nhận định.

Ông Rick Muskat, Chủ tịch công ty bán lẻ giày Deer Stags, dự báo giá cước vận tải container đường biển có thể tăng vọt do nhu cầu bị nén. “Chi phí của chúng tôi sẽ tăng tới gần 40%. Bởi vậy, chúng tôi sẽ phải tăng giá bán đối với những lô hàng được giao vào mùa thu”, ông nói.

Việc chuẩn bị hàng hóa cho mùa mua sắm cuối năm cũng có thể sẽ khiến các nhà nhập khẩu đẩy nhanh việc nhập hàng. Không ai có thể biết trước Bắc Kinh và Washington có thể đạt một thỏa thuận cuối cùng hay không, trong khi phần lớn hàng để bán trong dịp nghỉ lễ Giáng sinh và đón năm mới cần phải rời cảng Trung Quốc trong tháng 8 và tháng 9. “Sẽ có nhiều lô hàng được vận chuyển sớm vì không thể biết trước điều gì sẽ xảy ra sau 90 ngày tạm hoãn”, ông Muskat nói.

Sau hơn 1 tháng thương chiến diễn ra căng thẳng, nhiều doanh nghiệp Mỹ đã chịu thiệt hại đáng kể. Theo ông Muskat, Deer Stags có một lô hàng thuộc diện bị áp thuế quan 145% đã được chuyển vào một kho ngoại quan để tránh phải trả thuế quan trong lúc công ty chờ xem liệu thuế quan có được giảm xuống hay không. Chi phí tăng thêm đối với lô hàng này hiện đã lên tới hơn 10.000 USD.

“Bây giờ, chúng tôi sẽ đưa lô hàng đó khỏi kho ngoại quan và sẽ phải trả chi phí đó một cách vô nghĩa”, ông Muskat nói.

Ông Kaminstein cho rằng với tỷ suất lợi nhuận gộp điển hình đối với các công ty kinh doanh các sản phẩm tiêu dùng thường trong khoảng 40-50%, thuế quan 30% sẽ làm khó nhiều mô hình kinh doanh.

“Đối với các nhà nhập khẩu nói nói chung, mức thuế 30% vẫn có thể làm khó sản phẩm và khả năng sinh lời của họ”, ông Alan Baer, CEO công ty logistics OL USA, nói. Chưa kể, “với khối lượng hàng hóa cần vận chuyển tăng lên, việc có đặt được chuyến cho các lô hàng hay không và giá cước vận tải có thể tăng là những trở ngại khác”.

CÁC CÔNG TY VẪN THẬN TRỌNG

Khi thương chiến căng thẳng thời gian qua, số chuyến tàu chở hàng xuất phát từ Trung Quốc đã giảm mạnh. Theo dữ liệu bình quân luân phiên 4 tuần của công ty Xeneta, công suất chở hàng xuyên Thái Bình Dương từ Trung Quốc tới Bờ Tây của Mỹ đã giảm 17% kể từ hôm 20/4. Số chuyến tàu bị hủy trong cùng khoảng thời gian tăng 86%.

Ông Peter Sand, trưởng phân tích vận tải biển của Xeneta, cũng cảnh báo nhu cầu vận tải hàng hóa đột ngột tăng mạnh trở lại sẽ dẫn tới giá cước vận tải tăng theo. “Giá cước vận tải biển từ Trung Quốc tới Bờ Tây của Mỹ có thể tăng thêm tới 20% trong ngắn hạn”, ông nói - nhưng lưu ý rằng giá cước gần đây đã giảm nhiều. Theo dữ liệu của Xeneta, từ đầu năm đến nay, giá cước bình quân của các tuyến từ Trung Quốc tới Bờ Tây và Bờ Đông của Mỹ đã giảm tương ứng 56% và 48%.

“Các nhà nhập khẩu sẽ xem khoảng thời gian 90 ngày là cơ hội để vận chuyển nhiều hàng nhất có thể tới Mỹ, và điều này sẽ dẫn tới áp lực tăng giá cước”, ông nói.

Trao đổi với CNBC, CEO Stephen Edwards của cảng Virginia nói cảng này đang xem xét các kịch bản và lên kế hoạch cho trường hợp lượng hàng container từ Trung Quốc tăng mạnh. “Chúng tôi đang sử dụng lại các mô hình đã dùng để dự báo những gì có thể xảy ra trong đại dịch, trong thời gian kênh đào Panana bị hạn chế, và trong giai đoạn có biến động ở khu vực Biển Đỏ”, ông cho biết.

CEO Matthew Shay của Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ (NRF) nói rằng việc hoãn thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc là bước đi quan trọng đầu tiên, mang lại sự giải tỏa ngắn hạn cho các nhà bán lẻ và doanh nghiệp khác trước mùa nghỉ lễ cuối năm. Ông nói thêm rằng thỏa thuận Mỹ - Trung “đặt nền móng cho tiến bộ quan trọng” trong đàm phán thương mại giữa Mỹ không chỉ với Trung Quốc mà còn với cả nhiều quốc gia khác.

Dù vậy, ông Adoniro Cestar - trưởng bộ phận thương mại và giải pháp vận hành vốn của Citi - nhận định nhiều doanh nghiệp Mỹ vẫn sẽ tiếp tục đợi cho tới khi có sự chắc chắn cao hơn mới đưa ra các quyết định sản xuất và đầu tư quan trọng. Ông nói rằng cũng giống như trong đại dịch Covid-19, dù tình hình ngắn hạn có như thế nào, các công ty vẫn sẽ đẩy mạnh các chiến lược quản trị rủi ro để phòng ngừa khả năng biến động trong dài hạn liên quan tới thuế quan.

Bình Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/gia-cuoc-van-tai-bien-co-the-tang-manh-sau-thoa-thuan-my-trung.htm
Zalo