Giá cổ phiếu MWG tiếp tục chịu áp lực
Giá cổ phiếu MWG của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động đã giảm 15,9% từ đầu tháng 11/2024 tới nay, khi khối ngoại liên tục bán ròng và áp lực pha loãng tăng lên.
Thế giới Di động quay lại phát hành cổ phiếu ESOP
Đầu năm, dù thị trường được kỳ vọng với câu chuyện nâng hạng, nhưng áp lực rút vốn vẫn tăng mạnh khi nhà đầu tư lo ngại về bất ổn do căng thẳng thương mại và cuộc chiến thuế quan. Từ ngày 1/1 đến 14/2/2025, khối ngoại đã rút ròng kỷ lục 12.572 tỷ đồng trên sàn HoSE (tháng 12/2024, khối ngoại chỉ rút ròng 2.300 tỷ đồng), tập trung mạnh ở giai đoạn sau khi ông Donald Trump nhận chức Tổng thống Mỹ.
Nổi bật nhóm cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng phải kể đến cổ phiếu MWG của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động. Trong đó, tại thời điểm ngày 20/5/2024, khối ngoại duy trì gần như kín room tại cổ phiếu MWG (room còn lại 0,47 triệu cổ phiếu), nhưng từ cuối tháng 5/2024 tới nay, khối ngoại liên tục bán ròng và tính tới ngày 14/2/2025 room cho khối ngoại lên tới hơn 55 triệu cổ phiếu, khoảng 3,77% vốn điều lệ của Thế giới Di động (giai đoạn bán mạnh đầu năm 2025).
Bên cạnh đó, Thế giới Di động cũng quay trở lại chính sách phát hành cổ phiếu ưu đãi theo chương trình lựa chọn cho cán bộ quản lý chủ chốt năm 2024 (ESOP), tương ứng phát hành hơn 19,9 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 81,9% so với giá thị trường ngày 14/2/2025 (55.200 đồng/cổ phiếu) và dự kiến triển khai trong quý I/2025, sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Được biết, Thế giới Di động là một trong các doanh nghiệp thường xuyên phát hành cổ phiếu ESOP hàng năm. Trong đó, trừ năm 2023 kinh doanh lao dốc không phát hành, còn lại các năm trước đó thường xuyên phát hành.
Về chính sách phát hành cổ phiếu ESOP, việc phát hành đồng nghĩa áp lực pha loãng đối với cổ đông hiện hữu và các cổ phiếu ESOP được phát hành thường sẽ về tài khoản định kỳ, gây áp lực chốt lời của lãnh đạo doanh nghiệp.
Ông Lâm Văn Vân, đại diện Quỹ đầu tư ECI Capital đánh giá, theo quy định kế toán quốc tế, ESOP là một loại chi phí và khi phát hành, doanh nghiệp sẽ phải ghi nhận giảm lợi nhuận trong kỳ. Ngược lại, theo quy định kế toán hiện hành của Việt Nam, phát hành ESOP là nguồn lợi nhuận sau thuế, vì vậy không làm tăng chi phí trong kỳ dù chính sách phát hành ESOP dựa trên kết quả kinh doanh của từng năm tài chính và hiện nay nhiều doanh nghiệp đang lạm dụng để thưởng cho lãnh đạo chủ chốt gây áp lực pha loãng cổ phiếu với cổ đông hiện hữu.
Thực tế, đối với cổ phiếu MWG, nhà đầu tư đang phản ứng bán mạnh cổ phiếu sau khi doanh nghiệp công bố kế hoạch phát hành cổ phiếu ESOP với giá chiết khấu cao. Trong đó, từ ngày 5/11/2024 đến 14/2/2025, giá cổ phiếu MWG đã giảm 15,9%, từ 65.600 đồng về 55.200 đồng/cổ phiếu và vẫn tiếp tục xu hướng giảm điểm.
Lãi tăng mạnh trong năm 2024, nhưng vẫn còn nhiều điểm đáng lưu ý
Trái với diễn biến giá cổ phiếu lao dốc, Thế giới Di động vừa báo cáo kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2024 và kế hoạch tham vọng trong năm 2025. Trong đó, năm 2024, Công ty ghi nhận doanh thu tăng 13,6%, lên 134.341 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 22,2 lần, lên 3.733,3 tỷ đồng. Bước sang năm 2025, Công ty lên kế hoạch doanh thu tăng 11,7%, lên 150.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 29,9%, lên mức 4.850 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh tăng trưởng của Thế giới Di động chủ yếu từ các chuỗi lâu đời như Thế giới Di động, Điện máy Xanh, các chuỗi mới vẫn chưa cho thấy hiệu quả. Trong đó, tại thời điểm cuối năm 2024, chuỗi Bách hóa Xanh còn lỗ lũy kế 8.651,5 tỷ đồng; chuỗi nhà thuốc An Khang còn lỗ lũy kế 1.008,3 tỷ đồng; hoạt động đầu tư tại Campuchia còn lỗ lũy kế 702,6 tỷ đồng; hoạt động đầu tư vào Công ty liên kết PT Era Blu Elektronik (tại Indonesia) trong năm 2024 phát sinh lỗ gần 44,6 tỷ đồng, vì vậy giá trị đầu tư vào thị trường Indonesia đã giảm từ 286,6 tỷ đồng về 242 tỷ đồng.
Dù vậy, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) vẫn kỳ vọng, động lực tăng trưởng của Thế giới Di động trong thời gian tới, khi chuỗi Thế giới Di động và Điện máy Xanh duy trì mở rộng thị phần và mang lại lợi nhuận ổn định khoảng 4.000 - 5.000 tỷ đồng; chuỗi Bách hóa Xanh có lãi trong năm 2024 và mở rộng cửa hàng hiệu quả giai đoạn 2025-2026; và tiềm năng chuỗi Erablue tại thị trường Indonesia khi thị trường này còn phân mảnh và nhiều tiềm năng.