Giá cổ phiếu đang 'chơi đùa' với phân tích cơ bản?
Nhiều doanh nghiệp công bố báo cáo kết quả kinh doanh với lợi nhuận tích cực, triển vọng tốt thì cổ phiếu quay đầu giảm và ngược lại, doanh nghiệp báo lợi nhuận giảm, thậm chí lỗ, triển vọng xấu, giá cổ phiếu lại... 'bốc đầu'.
Ảnh minh họa.
Nhiều doanh nghiệp công bố báo cáo kết quả kinh doanh với lợi nhuận tích cực, triển vọng tốt thì cổ phiếu quay đầu giảm và ngược lại, doanh nghiệp báo lợi nhuận giảm, thậm chí lỗ, triển vọng xấu, giá cổ phiếu lại... “bốc đầu”.
“BANK, CHỨNG, THÉP” LỢI NHUẬN TĂNG: CỔ PHIẾU LAO DỐC
Điển hình tại nhóm ngân hàng, hầu hết đều công bố lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng tích cực cho dù dự báo từ trước đó cho rằng lợi nhuận nhóm này có thể sẽ xấu đi trong quý 3/2021 do mặt bằng lãi suất cho vay giảm hỗ trợ doanh nghiệp hậu dịch Covid-19. Tại TCB, ngân hàng đạt 5.562 tỷ lợi nhuận trước thuế và 4.432 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, đều tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế 9 đạt 17.098 tỷ đồng, tăng 59,6% so với cùng kỳ năm 2020. Lãi sau thuế đạt 13.715 tỷ đồng, tăng 60%.
Tại TPB, lợi nhuận trước thuế quý 3/2021 đạt 1.387 tỷ, tăng 40,18%. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.120 tỷ đồng, tăng hơn 40%. Lũy kế 9 tháng, ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế 4.393 tỷ đồng, tăng 45,3% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành khoảng 76% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Hay VIB, lợi nhuận 5.300 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ. Tỷ lệ sinh lời đang đứng ở top đầu ngành với ROE trên 29%.
Một số ngân hàng khác như CTG, BID, VCB, ACB dù chưa công bố kết quả kinh doanh nhưng ước tính từ các công ty chứng khoán cũng cho thấy nhóm này tiếp tục duy trì lợi nhuận lạc quan trong quý 3. Chứng khoán SSI Research ước tính lợi nhuận trước thuế Q3/2021 của ACB tăng 13-15% so với cùng kỳ; CTG ước tính lợi nhuận trước thuế Quý 3/2021 đạt 3.000 tỷ đồng, tăng 3,3% so với cùng kỳ. MBB ước lợi nhuận trước thuế ước tính đạt 3,3 - 3,4 nghìn tỷ đồng tăng 10-12% so với cùng kỳ năm ngoái. VCB ước tính lợi nhuận trước thuế quý 3/2021 đạt 5 nghìn tỷ đồng, tăng 0,3% ...
Đồ họa: K.Linh.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu nhóm ngân hàng nhiều mã đã điều chỉnh suốt gần 3 tháng trở lại đây do lo ngại tăng trưởng lợi nhuận quý 3 chậm lại. Điều đó nghĩa là các nhà đầu tư đều đã hình dung được bức tranh lợi nhuận nửa cuối năm 2021 sẽ chịu tác động lớn, tin xấu đã phản ánh vào giá, do đó, một khi công bố kết quả kinh doanh tích cực trong quý 3, thị trường kỳ vọng nhóm này sẽ khởi sắc trở lại.
Tuy nhiên, bất ngờ là sau khi công bố lợi nhuận lạc quan, cổ phiếu nhóm này tiếp tục “bay màu” dù cho triển vọng nhóm này được các công ty chứng khoán đánh giá sẽ tốt trong quý 4 nhờ NIM cải thiện khi cầu tín dụng tăng trở lại hậu Covid-19. Phiên giao dịch đầu tuần 25/10, nhóm ngân hàng tiếp tục giảm 0,83%, trong đó, giảm mạnh nhất là TCB - 2,68%; VPB - 0,54%; BID 0,25%; VCB - 0,21%, CTG -1,11%; MBB -1,08%.... Duy nhất có CTG có mức tăng 0,84%.
Điều này diễn ra tương tự với nhóm thép và chứng khoán. Dòng tiền vẫn trụ lại thị trường chứng khoán với tài khoản cá nhân mở mới liên tiếp tăng cao đã giúp các công ty chứng khoán tiếp tục có một mùa bội thu trong quý 3/2021.
Chứng khoán SSI ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý 3/2021 của SSI là 667 tỷ đồng, tăng gần 2 lần so với quý 3/2020. Sau khi công bố lợi nhuận, cổ phiếu SSI cũng lao đầu giảm 7% trong vòng một tuần giao dịch. Chứng khoán VND cũng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng gấp đôi, đạt 548 tỷ đồng, tuy nhiên, cổ phiếu VND cũng giảm 5,7% trong 4 phiên gần đây. Chứng khoán VCI lợi nhuận tăng 3,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái nhưng cổ phiếu cũng tuột dốc, giảm 6% trong một tuần trở lại.
Hầu hết các công ty chứng khoán khác đều có chung một tình trạng lợi nhuận tăng trưởng nhưng cổ phiếu lại bị nhà đầu tư quay lưng không thương tiếc.
Đồ họa: K.Linh.
Còn tại nhóm thép, Hòa Phát lần đầu tiên báo lãi trên 10.000 tỷ đồng trong quý 3, nhưng sau đó cũng là những chuỗi ngày sideway của cổ phiếu quốc dân. So với phiên giao dịch vùng giá đỉnh lịch sử 58.000 đồng/cổ phiếu, HPG giảm còn 56.700 đồng vào phiên 25/10. HSG quý 3 năm nay báo lãi sau thuế 1.701 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với quý 3/2020 nhưng HSG cũng quay đầu giảm trong một tuần trở lại đây.
Luật bất thành văn ở thị trường chứng khoán “tin ra là bán” có thể lý giải tình trạng cổ phiếu thép và chứng khoán. Tuy nhiên, nếu đặt vào bối cảnh chung thì dường như hơi “vô lý” khi triển vọng nhóm này rất sáng sủa trong những tháng cuối năm.
Với nhóm thép, xuấu khẩu tiếp tục là điểm sáng khi mà số liệu thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho thấy, thép tiếp tục “soán ngôi vua” mặt hàng xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong thời gian gần đây với tăng trưởng 135,3% tính đến giữa kỳ tháng 10. Trước đó, tính đến cuối tháng 9, tăng trưởng xuất khẩu thép là 130,9%. Sự thiếu hụt điện phải cắt giảm các nhà máy sản xuất tại Trung Quốc cũng được các công ty chứng khoán đánh giá là cơ hội sáng cho doanh nghiệp xuất khẩu thép Việt Nam cho đến ít nhất cuối quý 4/2021.
Với nhóm chứng khoán, thanh khoản quay trở lại mốc 27.000 tỷ đồng phiên đầu tuần 25/10 cùng với số lượng tài khoản mở mới tháng 9 gần 115.000 tài khoản hứa hẹn thị trường chứng khoán tiếp tục mang lại khoản lợi nhuận lớn cho các công ty chứng khoán ở cả mảng môi giới, cho vay margin, tự doanh....
LỖ, LỢI NHUẬN GIẢM, PHÂN TÍCH CƠ BẢN XẤU: CỔ PHIẾU THĂNG HOA
Càng vô lý hơn khi đặt nhóm ngân hàng, thép và chứng khoán với những nhóm gần như chẳng có gì tốt đẹp, cổ phiếu lại phi ầm ầm. Cổ phiếu tăng giá mạnh nhất sàn HOSE trong tuần vừa qua là cổ phiếu FTM của Phát triển Đức Quân với 31,4%. Cổ phiếu FTM tăng bất chấp kết quả kinh doanh quý 3 tiêu cực, báo lỗ 37,5 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước đã lỗ 49,3 tỷ đồng. Công ty lỗ 131,5 tỷ đồng sau 9 tháng, cùng kỳ lỗ 150,5 tỷ đồng.
Diễn biến cổ phiếu FTM.
Ở sàn HNX, trong top 10 về mức tăng giá thì có đến 9 mã tăng trên 40%, trong đó, MCO của Đầu tư và Xây dựng BDC Việt Nam tăng giá mạnh nhất với 56,5%. Trong tuần, MCO đã có cả 5 phiên tăng trần. Doanh nghiệp này cũng đã công bố báo cáo tài chính quý 3 với lợi nhuận sau thuế chỉ ở mức 32,3 triệu đồng, giảm so với mức 49,3 triệu đồng của cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng chỉ gần 88 triệu đồng.
Tại sàn UPCoM, đa số các mã tăng giá mạnh đều thuộc diện thanh khoản thấp. RGC của Đầu tư PV-Inconess tăng giá mạnh nhất thị trường với 85%. Cổ phiếu RGC tăng bất chấp doanh nghiệp này lỗ 7,7 tỷ đồng trong quý 3, lỗ lũy kế 9 tháng đầu năm 2021 là 10 tỷ đồng.
Đặc biệt phải nhắc đến nhóm than, khi mọi phân tích cơ bản đều cho rằng nhóm này không hưởng lợi lắm khi giá than thế giới tăng cao thì cổ phiếu lại lội ngược dòng xuất sắc. Cụ thể, theo phân tích của SSI Research, chính sách giá than chịu sự quản lý chặt của Chính phủ, nên hầu hết ngành than chưa được hưởng lợi từ cơn sốt than trên thế giới.
Các doanh nghiệp ngành than đã công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 nhìn chung không tương xứng với lợi thế của ngành khi giá than trên thế giới đã liên tục phá vỡ kỷ lục. Trong đó, Than Cao Sơn là doanh nghiệp than duy nhất báo lỗ trong quý 3 do cung độ vận chuyển đất đá quý 3 tăng dẫn đến tăng giá vốn, giảm lợi nhuận. Than Cọc Sáu ghi nhận doanh thu giảm mạnh trong quý 3 khi chỉ đạt 292 tỷ đồng, tuy nhiên vẫn có lãi nhẹ khả quan hơn khoản lỗ tới 16 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, giá cổ phiếu ngành than lại tăng mạnh trong suốt những tháng gần đây, nổi bật là giá cổ phiếu NBC của Than Núi Béo đã phi từ mức giá 6.400 đồng lên 28.000 đồng tương đương mức tăng gần 5 lần. Cổ phiếu CST tăng từ vùng giá 9.000 đồng lên 28.000 đồng/cổ phiếu, gần gấp 3 lần. TVD của Than Vàng Danh tăng từ 7.000 đồng lên 20.000 đồng... Hầu hết các cổ phiếu nhóm than đều tăng giá bằng lần, tốc độ tăng chóng mặt so với lợi nhuận của nhóm này...