Giá cát xây dựng tăng đột biến: Cần sớm điều tiết cung - cầu
Sau khi UBND tỉnh quyết liệt trong xử lý tình trạng khai thác cát trái phép, thì hiện nay giá cát trên địa bàn tỉnh đã tăng đột biến, do cát mỏ cát được cấp phép mới được hoạt động. Điều này đặt ra yêu cầu mới trong quản lý, khai thác, sử dụng cát làm vật liệu xây dựng, đặc biệt là vai trò điều tiết cung - cầu của cơ quan quản lý nhà nước.'UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN&MT lập kế hoạch đấu giá các mỏ cát để kịp thời phục vụ nhu cầu xây dựng, điều hòa cung - cầu trên thị trường. Tuy nhiên, phải có thời gian vì quy trình, thủ tục đấu giá mỏ cát khá phức tạp, mất nhiều thời gian'.
Giá cát tăng gấp đôi
Trong vòng một tuần qua, các doanh nghiệp (DN) xây dựng và người dân có nhu cầu mua cát phản ánh giá cát tăng đột biến, với mức từ 70.000 đồng/m3 lên 155.000 đồng/m3 cát. Lý giải về việc tăng giá này, 3 chủ mỏ cát tại thôn 6, xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi), thôn Diên Niên và thôn Phước Lộc, xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh) đều cho rằng, giá bán như hiện nay là hợp lý. Còn trước đó, các DN khai thác các mỏ cát hợp pháp đều phải chịu thiệt, khi bán giá thấp hơn mức đấu giá. Nguyên nhân là phải "cạnh tranh" giá với cát lậu.
Xe tải xếp hàng chờ mua cát tại mỏ cát thôn 6, xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi). Ảnh chụp lúc 16 giờ 30 phút, ngày 23.4.2021.
Đại diện chủ mỏ cát ở thôn Phước Lộc cho biết: Giá cát mới tăng khoảng 1 tuần nay, sau khi tỉnh quyết liệt xử lý tình trạng khai thác cát lậu. Thực tế, các DN đấu giá cát đã ở mức 115.000 - 200.000 đồng/m3; giá tính thuế tài nguyên tối thiểu cũng áp ở mức tối thiểu 105.000 đồng/m3. Do đó, giá cát tăng cao không có gì lạ. Lâu nay cát lậu nhiều quá, nên mới có hiện tượng nhiễu loạn thị trường.
Theo Công ty CP Đầu tư Hợp Nghĩa, chủ mỏ cát ở thôn 6, xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi), Công ty trúng đấu giá mỏ cát thôn 6 với số tiền 18,1 tỷ đồng, cộng với các khoản chi phí khảo sát, đo vẽ, lập bản đồ, tiền cấp quyền khai thác... lên đến hơn 31 tỷ đồng. Trữ lượng được khai thác là 220.000m3, tính ra giá cát mà DN đầu tư tại mỏ cát này lên đến hơn 140.000 đồng/m3. Vì thế, khi bán ra với giá 155.000 đồng/m3, thì DN mới chỉ có lãi khoảng 10.000 đồng/m3.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh TRẦN PHƯỚC HIỀN
Cần có giải pháp điều hành kịp thời
Trong khi các chủ mỏ cát khẳng định giá cát tăng ở mức như hiện tại là đúng bản chất thị trường, thì những người có nhu cầu mua cát để xây dựng lại than phiền là "bất hợp lý". Các nhà thầu xây dựng cho rằng, nguyên nhân của việc tăng giá đột biến này có một phần từ tình trạng "độc quyền" trong khai thác cát.
Giá đã cao, nhưng việc mua cát những ngày qua cũng không dễ dàng. Có thời điểm xe chờ mua cát nối thành hàng dài tại mỏ cát thôn 6, xã Nghĩa Dũng và phải chờ vài ngày mới tới lượt. Đại diện chủ mỏ cát này xác nhận: Có tình trạng xe xếp hàng dài chờ mua cát nhưng chỉ diễn ra trong 2 ngày rồi chấm dứt. Nguyên nhân do 2 mỏ cát ở xã Tịnh Sơn tạm đóng cửa để giải quyết một số vấn đề liên quan đến an toàn khai thác cát; khi các mỏ này hoạt động trở lại thì tình trạng chờ đợi sẽ không còn.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 4 mỏ cát còn hiệu lực khai thác, trong đó trên sông Trà Khúc, đoạn qua TP.Quảng Ngãi và huyện Sơn Tịnh có 3 mỏ: Diên Niên, Phước Lộc, xã Tịnh Sơn và thôn 6, xã Nghĩa Dũng. Trên sông Vệ có 1 mỏ cát Đức Nhuận, thuộc địa bàn các xã Đức Nhuận (Mộ Đức) và xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa). Tuy nhiên, hiện tại chỉ có 3 mỏ ở sông Trà Khúc tiến hành khai thác, còn mỏ cát trên sông Vệ đang đo vẽ bản đồ hiện trạng sau mùa lũ, chờ phê duyệt mới cho phép khai thác. Còn tại các huyện miền núi cũng có vài điểm khai thác cát quy mô nhỏ thuộc lòng hồ dự án thủy điện, nhằm phục vụ xây dựng chính dự án thủy điện trước khi ngăn dòng tích nước.
Hiện đang vào mùa cao điểm xây dựng, nhu cầu cát trong tỉnh tăng cao, nên việc chỉ có 3 mỏ cát được khai thác là quá ít. Các DN xây dựng và người dân mong muốn, tỉnh cho đấu giá thêm một số mỏ cát, vừa tăng nguồn ngân sách cho tỉnh, vừa cân bằng thị trường, tạo thuận lợi cho hoạt động xây dựng.