Gia Cát Lượng chết mà vẫn khiến Tư Mã Ý hồn bay phách lạc: Vì sao?

Cái chết của Gia Cát Lượng không chỉ là mất mát lớn đối với nhà Thục Hán mà còn trở thành một điển tích nổi tiếng trong dân gian, đặc biệt khi nhắc đến sự sợ hãi của Tư Mã Ý – một trong những chiến lược gia hàng đầu của Tào Ngụy.

Gia Cát Lượng (181 - 234), tự Khổng Minh, hiệu Ngọa Long tiên sinh, là nhà chính trị, quân sự, ngoại giao và là nhà phát minh nổi bật thời Tam quốc. Ông chính là người kiến tạo thế chân vạc giữa Thục Hán, Đông Ngô và Tào Ngụy, giữ vai trò Thừa tướng nhà Thục, cúc cung tận tụy vì giang sơn.

Năm Kiến Hưng thứ 12 (năm 234), Gia Cát Lượng dẫn quân Bắc phạt, đóng quân tại Ngũ Trượng Nguyên. Giữa mùa hè nóng bức, chiến sự bế tắc kéo dài khiến ông lao tâm khổ tứ, thân thể ngày càng suy kiệt. Ông chỉ ăn được rất ít, tính tình cáu gắt. Không lâu sau đó, Gia Cát Lượng phát bệnh nặng, nằm liệt trong doanh trại. Đến tháng 8 cùng năm, ông qua đời vì nôn ra máu, hưởng dương 54 tuổi.

Lưu Thiện – con trai Lưu Bị – khi nghe tin dữ từ tiền tuyến đã vô cùng bàng hoàng. Mọi việc lớn nhỏ trong triều đều do Gia Cát Lượng gánh vác, nên khi ông mất, Lưu Thiện không khỏi lo lắng cho vận mệnh quốc gia. Tương truyền, sau khi nghe tin, Lưu Thiện khóc lóc chạy đến nơi an táng, tự mình chủ trì tang lễ, truy phong Gia Cát Lượng làm “Trung Vũ hầu”.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trong Tam quốc diễn nghĩa, hồi 104 có đoạn: “Rơi sao lớn, thừa tướng quy thiên; Trông tượng gỗ, Ngụy quân mất vía”. Theo đó, Ngụy Diên vô tình dập tắt ngọn minh đăng, khiến việc dâng sao giải hạn, mượn tuổi trời cho Gia Cát Lượng không thành, cuối cùng ông mất ở gò Ngũ Trượng.

Trước lúc lâm chung, biết bản thân không sống được bao lâu, Gia Cát Lượng để lại di biểu dâng lên Lưu Thiện, đồng thời căn dặn Dương Nghi tổ chức rút quân an toàn. Ông viết lại binh thư, bày mưu kế, để lại di ngôn với mong muốn giữ vững lực lượng cho nhà Thục. Gia Cát Lượng dặn dò: “Sau khi ta chết, không được phát tang, không cờ trống, hãy làm một bàn thờ lớn, đặt thi thể ta ngồi trên, ngậm bảy hạt gạo, dưới chân đặt một ngọn đèn sáng, trong doanh trại vẫn giữ nguyên như thường, không được than khóc. Như vậy sao Tướng Tinh sẽ không rơi, hồn ta cũng được yên ổn. Tư Mã Ý thấy sao không sa, ắt không dám manh động, quân ta có thể rút lui từng nhóm an toàn. Nếu Tư Mã Ý đuổi theo, hãy dựng trận thế, đánh trống phất cờ, đẩy xe có tượng gỗ của ta ra trước quân, cho quân sĩ dàn hàng hai bên. Tư Mã Ý nhìn thấy tất sẽ hoảng sợ bỏ chạy”.

Theo đúng kế hoạch, Dương Nghi, Khương Duy và các tướng trung thành với Gia Cát Lượng đã giữ kín tin ông qua đời, âm thầm chỉnh đốn binh mã và rút quân về Hán Trung. Trong khi đó, Tư Mã Ý quan sát thiên văn, thấy một ngôi sao lớn đỏ rực, tỏa sáng bốn phía, từ đông bắc lao về tây nam rồi rơi thẳng vào doanh Thục. Hiện tượng xảy ra ba lần rơi, ba lần vụt lên, kèm theo âm thanh vang rền. Tư Mã Ý lập tức reo lên: “Khổng Minh chết rồi!” và chuẩn bị khởi binh truy kích.

Tuy nhiên, vốn đa nghi, Tư Mã Ý lại ngờ vực: “Khổng Minh có thuật phù phép, có thể điều khiển thần Lục Đinh, Lục Giáp. Có thể ông cố tình tạo hiện tượng này để dụ ta. Nếu đuổi theo, e rằng trúng kế”. Nghĩ vậy, Tư Mã Ý quay ngựa về, chỉ phái Hạ Hầu Bá cùng vài chục quân lính đến gò Ngũ Trượng thăm dò.

Khi thám báo xác nhận quân Thục đã rút, Tư Mã Ý liền dẫn quân đuổi theo. Nhưng quân Thục dưới sự chỉ đạo của Dương Nghi đã rải đinh sắt để cản đường. Tư Mã Ý nhanh trí, sai hơn 2.000 binh sĩ đi giày có đế gỗ mềm đi trước, đinh cắm vào đế giày, nhờ đó quân Ngụy thuận lợi tiến quân.

Khi đuổi đến gần, quân Thục bất ngờ dựng cờ, đánh trống như thể chuẩn bị phản kích. Quân Tư Mã Ý vì quá bất ngờ nên không dám tiến thêm. Trên thực tế, đó chính là một phần trong kế sách của Gia Cát Lượng: ông cho đẽo một tượng gỗ giống hệt mình, đặt lên xe, khi quân địch áp sát thì đẩy xe ra trước. Thấy “Gia Cát Lượng” vẫn ung dung ngồi đầu quân, Tư Mã Ý cùng toàn quân Ngụy hoảng sợ cực độ, bỏ vũ khí tháo chạy.

Tư Mã Ý chạy hơn 50 dặm, đến khi định thần mới hoang mang hỏi thuộc hạ: “Đầu của ta còn không?”. Trận này trở thành trò cười thiên hạ, lưu truyền câu nói “Tử Gia Cát năng tẩu sinh Trọng Đạt” – tức “Gia Cát chết vẫn đuổi được Trọng Đạt sống”.

Người đời sau còn làm thơ châm biếm:

Nửa đêm sao lớn rơi sờ sờ

Lại còn hồ nghi Lượng chết vờ

Muôn thuở người Xuyên cười Trọng Đạt

Sờ đầu lại hỏi mất hay chưa?

Vì quá thông minh mà Tư Mã Ý trở nên quá thận trọng, đánh mất cơ hội tiêu diệt quân Thục. Sự kiện này được hậu thế gọi là “Xác giả Gia Cát Lượng đánh lui Tư Mã Ý”.

Bảo Ngọc (t/h)

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/gia-cat-luong-chet-ma-van-khien-tu-ma-y-hon-bay-phach-lac-vi-sao/20250517112638816
Zalo