Giá cà phê hôm nay 6/1/2025: Giá cà phê robusta có tín hiệu đảo chiều, nhiều khả năng giảm trong tuần này, những tín hiệu mới từ thị trường?
Tại các quốc gia từ trước tới nay vốn nổi tiếng là 'công xưởng sản xuất cà phê của thế giới', như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam, nay bất ngờ chứng kiến mức tăng đáng kể về tiêu thụ trong nước, cùng với sự tăng trưởng các sản phẩm có giá trị gia tăng và các ngành xuất khẩu.
Giá cà phê hôm nay 6/1/2025
Giá cà phê thế giới giảm trở lại vào cuối tuần qua sau phiên tăng mạnh trong ngày đầu năm.
Giá cà phê trong nước giảm trung bình 500 đồng/kg trong tuần qua, chốt tuần giao dịch trong khoảng 119.800 - 120.500 đồng/kg. Thị trường trong nước đang trong thời ra hàng của vụ thu hoạch mới, nhưng đã bị chậm tiến độ bởi ảnh hưởng của thời tiết, trong đó có những cơn mưa trái mùa kéo dài.
Vào ngày 2/1/2025, ngay sau ngày nghỉ Tết Dương lịch, giá cà phê robusta đã có một phiên tăng lên mức cao nhất trong 2 tuần do lo ngại mưa lớn đang diễn ra ở Việt Nam sẽ làm gián đoạn diễn tiến thu hoạch cà phê robusta.
Theo nhận định về mặt kỹ thuật, giới trong ngành cho rằng, giá cà phê robusta đang có tín hiệu đảo chiều theo hướng giảm, có thể sẽ sớm thấy giá thị trường giao tháng 3 trở lại với mốc hỗ trợ là 4.884 USD/tấn, có thể xuống tới mốc 4.816 USD. Tại mức này rất có thể sẽ có sự chào mua mạnh và giá có thể bật tăng lại theo một chu kỳ ngắn mới. Tuy nhiên, giá cà phê của tuần kế tiếp được dự báo nhiều khả năng là sẽ giảm sút.
Đối với arabica, giá cà phê đã giảm xuống mức thấp nhất trong 4 tuần khi khí hậu ở Brazil trong phần lớn tháng 12, đã được báo cáo là có lượng mưa cải thiện và phân tán trên khắp các vùng trồng cà phê rộng lớn. Dự báo cho thấy sẽ tiếp tục có mưa trong suốt thời gian còn lại của tháng, điều này là cần thiết để cho vụ cà phê mới phát triển. Vụ mùa tới đây được dự kiến có khả năng đạt khoảng 64 triệu bao.
Cà phê arabica được chứng nhận nắm giữ trên sàn giao dịch New York đã tăng 5.830 bao vào tuần qua, đạt mức 985.797 bao.
Diễn biến của cầu thị trường trong thời gian tới, ngoại trừ Brazil, chỉ đứng thứ hai sau Mỹ, còn có các thị trường tiêu thụ mới nổi khác đã xuất hiện những đặc điểm rất mới. Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Trung Quốc có mức tiêu thụ trong nước tăng 40% trong 5 năm qua, có khả năng đạt mức tiêu thụ 6,20 triệu bao trong niên vụ cà phê 2024/25. Trong khi đó, mức tiêu thụ trong nước tại Indonesia dự kiến sẽ đạt 4,80 triệu bao trong niên vụ cà phê hiện tại, tăng 10,35% trong 5 năm qua. Bộ này cũng dự đoán mức tiêu thụ nội địa của Việt Nam sẽ đạt tổng cộng khoảng 3,60 triệu bao trong niên vụ 2024/2025, đánh dấu mức tăng trưởng 33,33% trong 5 năm qua.
Ghi nhận của Thế giới & Việt Nam, chốt phiên giao dịch đầu năm (1/1/2025), giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe London kỳ hạn giao hàng tháng 3/2025 tiếp tục giảm mạnh 88 USD, giao dịch tại 4.968 USD/tấn. Kỳ hạn giao hàng tháng 5/2025 giảm 80 USD giao dịch tại 4.897 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US New York cũng giảm, kỳ hạn giao hàng tháng 3/2025 giảm 8,2 Cent, giao dịch tại 318,65 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 5/2025 giảm 7,2 Cent, giao dịch tại 314,90 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trung bình.
Thông tin thị trường cà phê
Giá cà phê trong nước chốt phiên giao dịch tuần qua (4/1) quay đầu giảm mạnh 1.500 - 1.700 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm. Đơn vị tính: VNĐ/kg
(Nguồn: giacaphe.com)
Theo USDA, niên vụ cà phê 2024-2025 tổng sản lượng của Brazil ước đạt 69,9 triệu bao, trong đó arabica 48,2 triệu bao và robusta 21,7 triệu bao. Nguồn Việt Nam có tổng sản lượng khoảng 29 triệu bao, trong đó xuất khẩu 24,4 triệu bao, còn 4,6 triệu bao tiêu thụ nội địa.
Các chuyên gia trong nước dự báo, sản lượng cà phê của Việt Nam vài năm tới có khả năng tăng nhiều. Bởi trong 2 năm gần đây, cà phê được giá nên người nông dân tập trung đầu tư chăm sóc vườn, năng suất tăng lên rõ. Hơn nữa, Đề án tái canh cây cà phê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ngân hàng thế giới (giai đoạn 2014-2022) đã có hiệu quả tích cực cả về năng suất và sản lượng. Chưa kể, tại nhiều tỉnh Tây Nguyên, diện tích trồng mới liên tục tăng nhưng hiện chưa thống kê được cụ thể, rất khó để dự báo tổng sản lượng.
Trong khi đó, giới chuyên gia nhận định, thị trường thế giới và trong nước được dự báo vẫn còn nhiều biến động, đòi hỏi ngành cà phê sớm điều chỉnh để đi đúng quỹ đạo, duy trì tăng trưởng một cách bền vững. Bởi vậy, nhiệm vụ của ngành cà phê Việt Nam trước mắt là sớm giải quyết các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng, lấy lại uy tín từ đối tác xuất khẩu.
Người sản xuất cần ưu tiên nâng cao chất lượng cà phê, tránh mở rộng diện tích ồ ạt khiến cung vượt cầu. Doanh nghiệp bên cạnh thu mua, xuất thô cần tích cực đầu tư vào chế biến, chế biến sâu các sản phẩm giá trị gia tăng để đảm bảo tăng trưởng bền vững trong dài hạn.
Trước mắt, dù có sản lượng lớn song cà phê Việt Nam luôn bị gắn mác chất lượng chưa tốt nên giá trị thu về thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác. Trên thị trường, chỉ cần một mặt hàng nông sản được dự báo cung không đủ cầu thì giá sẽ tăng chóng mặt. Tuy nhiên, khi nguồn cung tăng trở lại giá nông sản cũng lại giảm rất nhanh. Doanh nghiệp và cả người trồng cà phê cần thuộc lòng quy luật này để tránh chạy theo sản lượng.