Việt Nam đang hướng tới mục tiêu tăng trưởng với chất lượng cao nhất, mạnh mẽ và bền vững nhất

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, Việt Nam đang chuyển sang nền kinh tế xanh, kinh tế số để hướng tới mục tiêu tăng trưởng với chất lượng cao nhất, mạnh mẽ và bền vững nhất. Do đó cần làm rõ nội hàm, các yếu tố thúc đẩy để đạt được nền kinh tế xanh, kinh tế số.

Chiều 7/1, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã tới dự và phát biểu tại Diễn đàn kịch bản kinh tế Việt Nam lần thứ 17, Phiên toàn thể mùa Xuân 2025.

 Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc phát biểu tại Diễn đàn.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc phát biểu tại Diễn đàn.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đánh giá cao sáng kiến tổ chức diễn đàn; mong muốn Diễn đàn sẽ đóng góp nhiều sáng kiến, giải pháp để Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, thúc đẩy nền kinh tế nước ta phát triển mạnh mẽ hơn, đạt được các chỉ tiêu tăng trưởng hai con số như mong muốn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Thông tin về một số thành tựu của năm 2024, Phó Thủ tướng cho biết, toàn bộ 15/15 chỉ tiêu đặt ra đều hoàn thành. Trong đó có các con số rất phấn khởi. Cụ thể là, tăng trưởng kinh tế đạt 7,09%, quy mô nền kinh tế khoảng 476,3 tỷ USD, đứng thứ 33 thế giới, tăng 2 bậc so với năm 2023; chỉ số CPI tăng 3,63% so với năm trước.

Đáng chú ý, Phó Thủ tướng cũng dẫn chứng "con số xô đổ mọi kỷ lục", đó là, kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt gần 800 tỷ USD, xuất siêu 24,77 tỷ USD.

Thu ngân sách tăng 19,8% so với dự toán, đạt hơn 2 triệu tỷ đồng (tăng 336,5 nghìn tỷ đồng). Tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 1,95%... Bên cạnh đó, thu ngân sách nhà nước lần đầu vượt 2 triệu tỷ đồng, tăng 19,8% so với dự toán (vượt dự toán 336,5 nghìn tỷ đồng) tăng 16,2% so với thực hiện năm 2023.

 Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam lần thứ 17-VESF 2025 do Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cùng với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) và Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy phối hợp tổ chức.

Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam lần thứ 17-VESF 2025 do Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cùng với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) và Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy phối hợp tổ chức.

Theo Phó Thủ tướng, nhờ mở rộng cơ sở thu, năm nay là năm thứ 4 thu ngân sách vượt mục tiêu đề ra với tổng vượt thu khoảng 1,2 triệu tỷ đồng. Đây là nguồn lực quan trọng để nhà nước đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội… Bên cạnh đó, nhà nước tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như miễn giảm thuế, phí, lệ phí với tổng số khoảng 800 nghìn tỷ đồng.

Cho biết, trong thành tích quả chung của đất nước, có sự đóng góp to lớn của các doanh nhân, nhà khoa học, nhà quản lý, Phó Thủ tướng kỳ vọng thời gian tới, Chính phủ tiếp tục sẽ nhận được những đóng góp quý báu và thực chất của các doanh nhân, doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý trong xây dựng đất nước, xây dựng nền kinh tế nước ta phát triển bước sang kỷ nguyên mới là kỷ nguyên vươn mình, kỷ nguyên phát triển, thịnh vượng, dân giàu, nước mạnh, hùng cường.

 Diễn đàn có chủ đề "Cải cách - kiến tạo kỷ nguyên tăng trưởng và thịnh vượng: Giải pháp đột phá đạt mục tiêu tăng trưởng cao và phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới".

Diễn đàn có chủ đề "Cải cách - kiến tạo kỷ nguyên tăng trưởng và thịnh vượng: Giải pháp đột phá đạt mục tiêu tăng trưởng cao và phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới".

Theo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Chính phủ đang tập trung thực hiện 3 giải pháp đột phá được Đại hội XIII của Đảng đề ra, đó là hoàn thiện thể chế, xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực.

Đặc biệt, Việt Nam đang chuyển sang nền kinh tế xanh, kinh tế số để hướng tới mục tiêu tăng trưởng với chất lượng cao nhất, mạnh mẽ và bền vững nhất. Do đó cần làm rõ nội hàm, các yếu tố thúc đẩy để đạt được nền kinh tế xanh, kinh tế số.

Phó Thủ tướng mong muốn, từ "hơi thở cuộc sống và yêu cầu thực tiễn đặt ra", qua diễn đàn này, các chuyên gia, nhà khoa học sẽ có những phân tích, luận giải rõ hơn về những yếu tố mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, qua đó kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, nhất là về thể chế, pháp luật, chính sách, giải pháp trong chỉ đạo, điều hành.

"Chúng tôi sẽ lắng nghe, tiếp thu ý kiến các diễn giả và đại biểu để hoàn thiện các giải pháp thúc đẩy kinh tế - xã hội năm 2025 và những năm tiếp theo đạt được hai con số", Phó Thủ tướng khẳng định.

Quốc Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/viet-nam-dang-huong-toi-muc-tieu-tang-truong-voi-chat-luong-cao-nhat-manh-me-va-ben-vung-nhat-post329414.html
Zalo