Ghế nóng: Không thể một đường
Còn hai vòng đấu nữa Giải futsal vô địch quốc gia 2021 mới kết thúc, nhưng chức vô địch đã gần như chắc chắn nằm trong tay của Câu lạc bộ Thái Sơn Nam.
Nếu không có “địa chấn” xảy ra, Thái Sơn Nam sẽ có lần thứ 11 vô địch quốc gia sau 15 mùa giải futsal được tổ chức và là lần thứ 6 nâng cúp vô địch liên tiếp.
Trên đấu trường quốc tế, futsal Việt Nam đã và đang thể hiện được sự tiến bộ vượt bậc. Nhiều người yêu mến futsal mong đợi rằng, thành tích thi đấu ấn tượng của đội tuyển quốc gia tại Vòng chung kết FIFA Futsal World Cup 2021 sẽ tạo cú hích để phát triển phong trào futsal trong nước. Thực tế đã chứng minh, vẫn còn nhiều vấn đề cần cải thiện nếu muốn trình độ, đẳng cấp của futsal Việt Nam vươn tầm châu Á, từng bước tiệm cận tới trình độ của thế giới.
Đầu tiên cần khẳng định, hệ thống các giải đấu futsal Việt Nam vẫn chưa có sự cạnh tranh quyết liệt, bằng chứng là bao năm qua nhà vô địch vẫn là cái tên quen thuộc Thái Sơn Nam. Đây là một trong hai đội bóng của futsal Việt Nam đạt chuẩn theo tiêu chí của Liên đoàn Bóng đá châu Á (ngoài ra còn Thái Sơn Bắc). Điều đáng nói, hai câu lạc bộ này đều thuộc sở hữu của “bầu” Trần Anh Tú.
“Bầu” Tú được xem là “kiến trúc sư” trưởng của futsal Việt Nam. Sự đầu tư về tiền bạc, tâm huyết của ông đã được đền đáp xứng đáng bằng việc đội tuyển futsal Việt Nam hai lần liên tiếp tham dự và lọt tới vòng 16 đội mạnh nhất World Cup. Thương hiệu Câu lạc bộ Thái Sơn Nam cũng đã vươn tầm châu lục, được những người yêu mến futsal thế giới biết tới. Chúng ta cảm ơn những đóng góp của “bầu” Tú, nhưng cũng thẳng thắn nhìn nhận, muốn nền futsal Việt Nam phát triển thì không thể mãi trông chờ vào riêng ông.
Bao năm qua, giải futsal vô địch quốc gia vẫn đang trong tầm kiểm soát của “bầu” Tú. Ông đầu tư mạnh cho Thái Sơn Nam, Thái Sơn Bắc, đồng thời tài trợ cho một số câu lạc bộ futsal khác. Cứ cho rằng ông không kiểm soát về chuyên môn, song việc một số đội bóng có liên quan đến “bầu” Tú thì rất khó để người hâm mộ tin vào một giải đấu công bằng, sòng phẳng.
Futsal hay bóng đá ngoài trời của Việt Nam lâu nay vẫn phụ thuộc vào ông “bầu”, nghĩa là một ông chủ bỏ tiền, tâm huyết ra nuôi đội, đổi lại họ nhận được việc thương hiệu của công ty/doanh nghiệp mình được quảng bá; hoặc những ưu đãi từ chính quyền địa phương. Nếu muốn futsal Việt Nam bước vào con đường chuyên nghiệp, cầu thủ đủ sống hoặc thậm chí làm giàu với nghề thì rất cần thay đổi nhận thức của xã hội.
Lâu nay, futsal vẫn chưa được đông đảo mọi người quan tâm. Chỉ đến khi đội tuyển futsal Việt Nam gây tiếng vang tại đấu trường World Cup, người hâm mộ mới dần "mở lòng" với môn thể thao này. Tuy nhiên, khi FIFA Futsal World Cup 2021 kết thúc, có mấy ai quan tâm đến tình hình của đội tuyển futsal Việt Nam? Có mấy người theo dõi những diễn biến của Giải futsal vô địch quốc gia 2021?
Muốn phát triển thì futsal Việt Nam cần phải bước vào con đường chuyên nghiệp. Con đường ấy đòi hỏi các câu lạc bộ phải có sự đầu tư để đạt tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, hệ thống đào tạo trẻ...
Thu nhập của cầu thủ và huấn luyện viên phải được nâng cao thay vì chuyện nhiều cầu thủ hiện nay vẫn chưa đủ sống với nghề. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cần tổ chức thêm những đợt tập trung, tập huấn và thi đấu quốc tế cho các lứa đội tuyển futsal Việt Nam.
Ngoài ra, việc nghiên cứu sử dụng những cầu thủ và huấn luyện viên nước ngoài nhằm nâng cao trình độ tại Giải futsal vô địch quốc gia cần được nghiêm túc tính tới. Hiện nay, ngoại trừ những tuyển thủ quốc gia thì phần lớn các cầu thủ của futsal Việt Nam vẫn chưa biết đến các nền futsal khác trên thế giới như thế nào... Trong tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế, futsal Việt Nam không thể đi một đường.