Gen Z 'nghỉ hưu ngắn hạn': Quyết định bốc đồng hay tìm lại chính mình?
'Nghỉ hưu ngắn hạn' là một xu hướng 'xả hơi' đang dần trở nên phổ biến trong giới lao động, đặc biệt với thế hệ Gen Z.
Bước vào thị trường lao động, nhiều Gen Z đối mặt với áp lực, gánh nặng đến từ nhiều phía, cảm thấy quá tải, không kịp thích nghi.... Nhịp sống nhanh hơn không cho phép chúng ta có đủ thời gian “ngưng đọng” để "sạc pin" kịp thời. Vì vậy, để đảm bảo bản thân đủ sức thích nghi, nhiều bạn trẻ đã quyết định thực hiện những cuộc "nghỉ hưu ngắn hạn".

Nhiều Gen Z đang lựa chọn "nghỉ hưu ngắn hạn". Ảnh minh họa từ Internet.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trạng thái muốn "nghỉ hưu”. Nhìn chung đều xuất phát từ tâm lý không thể chờ đến vài chục năm sau mới được nghỉ ngơi, được thả lỏng. Đây giống như một hình thức để các bạn trẻ nạp lại năng lượng, sẵn sàng trở lại trong trạng thái tốt hơn.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng nhận định, sự lan tỏa của mạng xã hội như một phương tiện đưa xu hướng này càng được hưởng ứng. Những chia sẻ trải nghiệm cá nhân của những người đang “nghỉ hưu” đã thôi thúc nhiều bạn trẻ khác cũng hiện thực hóa việc “xả hơi”, thay vì chỉ để kế hoạch này nằm im trên giấy.

Gap year là một khái niệm không còn quá xa lạ đối với netizen. Ảnh: Minh họa từ Internet
Thực chất, "nghỉ hưu ngắn hạn" không phải là một khái niệm mới. Trước đây, Gen Z đã có khái niệm “gap year” để mô tả trạng thái một người quyết định tạm gác lại việc học, tiến trình phát triển trong thời gian ngắn để "tìm lại" chính mình. Tương tự như vậy, "nghỉ hưu ngắn hạn" là việc một người tạm gác lại toàn bộ sự nghiệp trong một khoảng thời gian với nhiều mục đích khác nhau.
Thời gian nghỉ thường kéo dài từ vài tháng đến một năm, quá ngắn với cái nghĩa “nghỉ hưu”, nhưng quá dài cho một kỳ nghỉ phép. Nhiều người chọn nghỉ trong vài tháng vì muốn xốc lại tinh thần. Số khác lại chọn nghỉ để thực hiện nhiều điều mà mình còn dang dở như đi du lịch, thay đổi môi trường sống, hay học thêm một kỹ năng mới. Việc này như một cách bù đắp cho bản thân, để không phải hối hận về một khoảng thời gian chỉ chìm đắm trong công việc.

Du lịch là một trong những hoạt động được chọn để tận hưởng kỳ "nghỉ hưu". Ảnh: Minh họa từ Internet
Kim Tấn, một bạn trẻ hiện đang là điều dưỡng tại Úc, đã chọn gác lại công việc một năm tại Úc để trở về Việt Nam. Chia sẻ trên trang cá nhân, Kim Tấn chọn “gap year” vì sau khoảng thời gian dài ở Úc, anh muốn trở về Việt Nam để thăm gia đình, bạn bè. Anh cũng muốn đi du lịch nhiều hơn vì nhận thấy bản thân chưa có nhiều trải nghiệm về quê hương của mình. Bên cạnh đó, anh cũng chọn học một kỹ năng mới để làm cho thời gian “nghỉ hưu” của mình trở nên ý nghĩa.
Kim Tấn chia sẻ lý do chọn “gap year” một năm để trở về Việt Nam. Nguồn: @rnkimtan
Tuy nhiên, một kỳ "nghỉ hưu ngắn hạn" có thể dẫn đến nhiều rủi ro. Việc tạm ngưng một công việc quá lâu dễ khiến nhiều người chênh vênh, rơi vào trạng thái “lạc lõng”. Khi muốn trở về nhịp sống cũ, bạn cần phải tăng tốc để chạy đua với nhịp sống vội vã của cuộc sống.
Bên cạnh đó, trước khi bước vào kỳ nghỉ, một kế hoạch kỹ lưỡng để bảo đảm cân bằng các yếu tố về tài chính, sức khỏe, quỹ thời gian và các kế hoạch dự phòng là việc cần được chú trọng.

Nhịp sống tấp nập khiến nhiều người lo lắng bị “bỏ rơi” khi tạm nghỉ quá lâu. Ảnh: Minh họa từ Internet
Không thể phủ nhận rằng, làm việc trong môi trường căng thẳng suốt một khoảng thời gian dài sẽ đem lại nhiều hệ lụy về sức khỏe thể chất và tinh thần. Chưa kể, những áp lực “vô hình” chồng chất, nhu cầu thực hiện một kỳ nghỉ "xả hơi" cũng là điều dễ hiểu. Quan trọng là bạn hãy tính toán để "kỳ nghỉ" đóng vai trò hữu ích cho cả chặng đường phát triển cá nhân lâu dài, thay vì là một quyết định bốc đồng có thể kéo lùi cảm hứng sống hay những nỗ lực bạn đã bỏ ra.