Gen Z học sử qua lăng kính số

Trong một thế giới nơi mỗi cú chạm màn hình có thể mở ra cả kho tàng tri thức, lịch sử không còn là môn học gắn liền với những trang sách dày cộm và các con số khô khan. Đối với gen Z - thế hệ lớn lên cùng điện thoại thông minh và mạng xã hội, việc tìm hiểu về quá khứ đang diễn ra theo cách đầy sinh động và đậm chất công nghệ.

Không cần phải ngồi trong lớp hay mở sách giáo khoa, chỉ cần lướt vài phút trên TikTok, người trẻ có thể tiếp cận hàng loạt video kể chuyện lịch sử bằng phong cách ngắn gọn, trực quan và hấp dẫn. Một trận đánh hào hùng, chân dung vị anh hùng dân tộc hay câu chuyện đằng sau một bức ảnh đen trắng…, tất cả đều có thể được tái hiện chỉ trong 60 giây. Như một thước phim tua nhanh, những kiến thức tưởng như “khó nhằn” lại trở nên gần gũi và dễ tiếp thu hơn bao giờ hết.

 Tuổi trẻ Tiền Giang “phủ đỏ” niềm tin, viết tiếp thông điệp hòa bình. Ảnh: Trung ương Đoàn

Tuổi trẻ Tiền Giang “phủ đỏ” niềm tin, viết tiếp thông điệp hòa bình. Ảnh: Trung ương Đoàn

Các kênh như “Sử Việt AI” đang tận dụng trí tuệ nhân tạo để tạo hình ảnh minh họa sinh động, đồng thời kể chuyện bằng ngôn ngữ trẻ trung, dễ hiểu. Không cần dài dòng, mỗi video ngắn là một “cú chạm cảm xúc” với lịch sử, đủ để khiến người xem muốn tìm hiểu sâu hơn..

Bên cạnh video ngắn, podcast cũng đang là người bạn đường của nhiều bạn trẻ trong những giờ nghỉ ngơi. Họ nghe về kháng chiến chống thực dân Pháp khi đạp xe ra công viên, nghe chuyện về các triều đại khi nằm thư giãn trước giờ ngủ. Những giọng kể truyền cảm, kết hợp âm thanh như tiếng súng, nhạc nền, loa phóng thanh… khiến lịch sử như bước ra từ trang sách, sống động và đầy chân thực.

Không chỉ là nghe để biết, nhiều bạn còn cảm nhận tinh thần thời đại qua những câu chuyện được kể. Nhiều học sinh chia sẻ rằng từng rất sợ học sử, nhưng khi nghe một podcast về các anh hùng giải phóng dân tộc, các bạn cảm thấy nể phục và xúc động kể lại cho bạn bè. Chính cảm xúc là thứ khiến lịch sử ở lại trong tâm trí lâu hơn bất kỳ bài kiểm tra nào.

Điều đáng chú ý là gen Z không chỉ tiếp nhận lịch sử một chiều, họ còn trở thành người kể lại, người sáng tạo nội dung. Rất nhiều bạn trẻ đang tự sản xuất các video cosplay nhân vật lịch sử, tái hiện lại khung cảnh Hà Nội xưa, hoặc kể lại những ký ức chiến tranh qua lăng kính cá nhân... Trên TikTok, không hiếm những đoạn phim ngắn ghi lại hình ảnh “cô gái năm 1975” trong tà áo dài trắng, bên chiếc xe đạp Phượng Hoàng và tiếng nhạc xưa vang lên từ loa cassette.

Một số bạn trẻ mạnh dạn bước xa hơn: Lập website chia sẻ tư liệu, thiết kế đồ họa lịch sử, sáng tác truyện tranh dựa trên sự kiện có thật. Những dự án như “Kinh đô kỳ họa” đã biến di sản thành mô hình 3D sống động, khiến người trẻ không chỉ học mà còn được thư giãn với lịch sử, cảm nhận nó bằng nhiều giác quan.

Có lẽ điểm khác biệt lớn nhất trong cách gen Z tiếp cận lịch sử chính là sự gắn kết giữa cá nhân với câu chuyện tập thể. Họ không chỉ học để thi, mà học để hiểu mình đến từ đâu, đất nước đã trải qua điều gì. Cảm xúc, sự tò mò và tinh thần tự học chính là những yếu tố khiến lịch sử không còn là môn học khô khan, mà trở thành chất liệu gợi mở những giá trị nhân văn sâu sắc.

Sự bùng nổ công nghệ không làm người trẻ rời xa quá khứ, trái lại, giúp họ tiếp cận với lịch sử theo những cách chưa từng có. Nhờ sự chủ động, sáng tạo và kết nối, gen Z đang tiếp sức cho dòng chảy lịch sử để lịch sử không dừng lại trong sách vở, mà tiếp tục lan tỏa qua từng cú chạm, từng phút nghe, từng câu chuyện được kể bằng ngôn ngữ của thời đại số.

BẢO ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/gen-z-hoc-su-qua-lang-kinh-so-826789
Zalo