Gen Z 'đổ bộ' lên Threads tìm việc: Vì sao nhà tuyển dụng vẫn ngại 'săn' nhân tài?
Trong bối cảnh thị trường lao động cạnh tranh gay gắt, tìm kiếm việc làm trên nền tảng Threads không đơn giản như tưởng tượng, đòi hỏi người lao động phải trang bị nhiều kỹ năng và chiến lược phù hợp.
"Sân chơi" cho người trẻ
Threads là một nền tảng mạng xã hội mới, được phát triển bởi Meta (công ty mẹ của Instagram), ra mắt vào tháng 7/2023. Threads được thiết kế để cạnh tranh với Twitter, với tính năng cho phép người dùng đăng tải các đoạn văn bản ngắn, hình ảnh, video và tương tác qua bình luận, thích, chia sẻ.
Mặc dù chỉ mới ra mắt không lâu, Threads đã chiếm phần đông đa số người sử dụng, trong đó có Gen Z.
Từ khóa tìm kiếm việc làm trên Thread từng gây bão một thời gian dài. Các doanh nghiệp, công ty cũng dựa vào đó để tuyển dụng những "nhân tài trẻ" cho doanh nghiệp mình. Và hầu hết, các doanh nghiệp đều đang tận dụng mạng xã hội này như một công cụ tiềm năng và hoàn toàn miễn phí để chiêu mộ nhân lực cho mình.
Trao đổi với Người Đưa Tin, bà Nguyễn Phương Thanh, Chuyên viên tuyển dụng, Trưởng phòng Nhân sự Công ty Nha Khoa Kim cho biết: "Threads đang mở ra một cách tiếp cận độc đáo cho người dùng trẻ, đặc biệt là GenZ. Đây là một thế hệ lớn lên cùng công nghệ số, nên họ luôn tìm kiếm những nền tảng mới mẻ và phù hợp với phong cách sống của mình. Với Threads, các bạn trẻ có thể thể hiện bản thân một cách sáng tạo hơn, từ đó thu hút được sự chú ý từ nhà tuyển dụng".
Bà Thanh cũng nhận xét thêm rằng, các doanh nghiệp có thể tận dụng nền tảng này để tìm kiếm ứng viên thông qua những nội dung ngắn gọn, thu hút và trực tiếp. "Các bài đăng chỉ cần ngắn gọn, súc tích nhưng lại có thể truyền tải được thông điệp mạnh mẽ. Điều này rất phù hợp với những nhà tuyển dụng muốn nhắm đến đối tượng GenZ – những người trẻ yêu thích sự nhanh nhẹn và sáng tạo”, bà Thanh nói.
Lan Anh (22 tuổi, ngụ Tp.Thủ Đức), sinh viên vừa tốt nghiệp chuyên ngành Truyền thông Đa phương tiện, chia sẻ về việc cô tìm thấy cơ hội việc làm qua Thread: "Mình ban đầu không nghĩ rằng Threads có thể là nơi để tìm việc. Nhưng khi tham gia, mình thấy rất nhiều công ty quảng cáo vị trí tuyển dụng thông qua những bài đăng cực kỳ sáng tạo và ngắn gọn. Việc theo dõi thông tin tuyển dụng trên Thread giúp mình không bị ngợp như khi lướt qua hàng loạt thông tin dài dòng trên các nền tảng khác."
Hay bạn Vũ Quang (24 tuổi, ngụ quận Tân Bình), một lập trình viên đang tìm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chia sẻ việc sử dụng Thread giúp anh dễ dàng tiếp cận với những thông tin tuyển dụng phù hợp.
Tuy nhiên, bạn Vũ Quang cũng thừa nhận, các tuyển dụng trên này thường là những vị trí cấp thấp, cộng tác viên, thực tập sinh, freelancer. Đơn vị tuyển dụng thường là các công ty nhỏ, startup, chưa có được độ uy tín cao, nghiêm túc, chuyên nghiệp như các nền tảng khác.
Hơn nữa, ngôn ngữ trên Thread thường ngắn gọn, không đầu không cuối, sử dụng tiếng lóng, bông đùa của giới trẻ. Chính vì vậy, không ít đối tượng cũng sẽ lợi dụng điều này để lừa đảo dưới vỏ bọc tuyển nhân viên làm việc. Nếu không cẩn trọng, các bạn trẻ rất dễ bị lừa chuyển tiền, điền thông tin vào đường link xin việc,...
Theo ông Trần Lê Quang Vũ, Giám đốc công ty Truyền thông Hoàng Vũ cho biết, GenZ không còn giới hạn trong việc tìm kiếm việc làm qua những phương pháp truyền thống.
Ông Lê Quang Vũ chia sẻ: "Các bạn trẻ hiện nay đang tìm đến những nền tảng mới như Thread vì nó phản ánh đúng tinh thần sáng tạo, năng động của thế hệ này. Thay vì nộp đơn qua các cổng thông tin tuyển dụng truyền thống, họ thể hiện mình thông qua những bài viết ngắn, video, và hình ảnh - những yếu tố mà các nhà tuyển dụng cũng dần ưa chuộng.
Tìm việc tưởng dễ, nhưng không dễ
Theo báo cáo từ Navios Search, thị trường lao động Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn. Hơn một nửa số công ty tham gia khảo sát cho biết họ có kế hoạch tuyển dụng thêm nhân sự nhưng chỉ với số lượng hạn chế, không quá 25% quy mô hiện tại.
Đặc biệt, 18% doanh nghiệp cho biết họ không có nhu cầu tuyển dụng trong năm 2024. Những ngành nghề như kinh doanh, sản xuất và truyền thông tiếp thị sẽ được ưu tiên tuyển dụng, trong khi các vị trí kỹ thuật và hành chính tổng hợp chỉ chiếm 2-3% tổng nhu cầu tuyển dụng.
Với tình hình như vậy, nhiều người trẻ lựa chọn Threads như một giải pháp mới để tìm việc, với kỳ vọng tiếp cận nhanh chóng đến nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, mọi việc không hề đơn giản như thế.
Thread là một nền tảng mạng xã hội không được thiết kế riêng cho mục đích tuyển dụng chuyên nghiệp. Điều này dẫn đến việc thiếu các công cụ và tính năng cần thiết để hỗ trợ nhà tuyển dụng và ứng viên.
Doanh nghiệp khó lòng tìm được các hồ sơ chất lượng hay sàng lọc thông tin một cách hệ thống như trên các trang tuyển dụng chuyên nghiệp. Tạo nên sự thiếu hiệu quả và mất thời gian khi tìm kiếm nhân tài trên Threads.
Do tính chất công khai của nền tảng, khi một công việc được đăng tải trên Threads, nó có thể thu hút hàng trăm thậm chí hàng ngàn phản hồi trong thời gian ngắn. Cạnh tranh giữa các ứng viên trở nên gay gắt và nhà tuyển dụng khó kiểm soát được chất lượng hồ sơ.
Trao đổi với PV, anh Phạm Anh Duy, Trưởng phòng tuyển dụng tại Sa Media cho biết: "Dùng Threads để tuyển dụng là điều tôi chưa từng nghĩ đến, vì quá trình sàng lọc và tìm kiếm ứng viên trở nên phức tạp. Không có hệ thống lọc hồ sơ, không có giao diện chuyên dụng để tạo các bài đăng tuyển dụng chi tiết.
Khi đăng tuyển trên các trang tuyển dụng chuyện nghiệp khác, chúng tôi có thể giới hạn số lượng hồ sơ và sàng lọc những ứng viên phù hợp hơn. Nhưng trên Thread, mỗi khi đăng tuyển, chúng tôi nhận được rất nhiều phản hồi ngẫu nhiên, gây khó khăn trong việc lựa chọn và theo dõi".
Còn theo ông Trần Lê Quang Vũ, Giám đốc công ty Truyền thông Hoàng Vũ nhận định: Threads tuy là nền tảng mới mẻ, nhưng nó chưa đủ mạnh để trở thành công cụ tuyển dụng chuyên nghiệp. Các tính năng hỗ trợ tìm kiếm việc làm trên Threads còn thiếu tính hệ thống, gây khó khăn cho ứng viên trong việc nổi bật bản thân trước nhà tuyển dụng.
"Threads có thể là nơi tốt để tuyển dụng cho các vị trí sáng tạo, công việc freelancer hay ngắn hạn, nhưng đối với những ngành nghề yêu cầu kỹ năng chuyên môn cao, hoặc các vị trí quản lý cấp cao, nền tảng này chưa thực sự là lựa chọn tối ưu. Các doanh nghiệp lớn thường tìm đến những kênh chuyên nghiệp hơn để tiếp cận ứng viên có năng lực và kinh nghiệm phù hợp”, ông Vũ nói.
Báo cáo từ Navios Search, khuyến nghị người lao động cần nhanh chóng thích nghi với sự cạnh tranh này bằng cách phát triển các kỹ năng mềm. Các kỹ năng như giải quyết vấn đề, giao tiếp, ngoại ngữ và khả năng thích ứng với sự thay đổi là vô cùng cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Ngoài ra, việc mở rộng tìm kiếm cơ hội việc làm trên nhiều nền tảng khác nhau, đặc biệt là các trang tuyển dụng trực tuyến, sẽ giúp tăng cơ hội thành công.
Khuynh Hà