GDP 8%: Chính sách cần sớm đi vào cuộc sống, biến quyết tâm thành hành động
Quốc hội đã thông qua mục tiêu tăng trưởng 8% của năm và các địa phương cũng được trao quyền, tuy nhiên để biến quyết tâm thành hành động cụ thể thì những chính sách này cần sớm đi vào cuộc sống.
Nghị quyết của Quốc hội bổ sung mục tiêu tăng trưởng 8% vào năm 2025, đây là quyết tâm đầy thách thức. Do đó, việc hiện thực hóa mục tiêu này đòi hỏi những giải pháp đột phá, đồng bộ trên nhiều lĩnh vực, từ thể chế, hạ tầng đến môi trường kinh doanh và động lực tăng trưởng.
Trao đổi với VietnamPlus để làm rõ hơn các nội dung của Nghị quyết và giải pháp triển khai, chuyên gia kinh tế Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh: "Cải cách thể chế là đòn bẩy cho nền kinh tế cất cánh. Các địa phương đã được trao quyền dám quyết, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Do đó, chính sách cần sớm đưa vào cuộc sống, thúc đẩy nhanh chóng thành các hành động cụ thể, để bắt tay vào làm ngay."
"Liều thuốc" cho tăng trưởng
Ngày 19/2, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 với điểm nhấn quan trọng là mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 8% trở lên.
Theo ông Phan Đức Hiếu, quyết định này không chỉ thể hiện quyết tâm chính trị cao độ của Nhà nước trong việc đưa nền kinh tế vượt qua những thách thức hiện tại mà còn là một cam kết mạnh mẽ đối với sự phát triển bền vững và thịnh vượng của đất nước trong giai đoạn 2021-2030. Tuy nhiên, mục tiêu tham vọng này đặt ra một bài toán khó và đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh mục tiêu tăng trưởng 8% không chỉ là một con số mà còn là một cột mốc quan trọng để Việt Nam đạt được quy mô GDP trên 500 tỷ USD và GDP bình quân đầu người trên 5.000 USD vào năm 2025. Để đạt được điều này, Nghị quyết của Quốc hội đã chỉ ra những giải pháp mang tính nền tảng và đột phá trên nhiều lĩnh vực.
Về thể chế và pháp luật, đó là sự đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng kiến tạo, quản lý theo kết quả, khuyến khích sáng tạo và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm. Theo đó, Nghị quyết nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng hành lang pháp lý cho các lĩnh vực mới, như chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các ngành công nghiệp mới.

Chuyên gia kinh tế Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh: "Cải cách thể chế là đòn bẩy cho nền kinh tế cất cánh." (Ảnh: Vietnam+)
Bên cạnh đó, Nghị quyết tập trung vào việc hoàn thiện hạ tầng chiến lược, bao gồm các dự án trọng điểm như Cảng hàng không Long Thành, cảng Lạch Huyện đồng thời đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông quan trọng khác. Việc bổ sung vốn đầu tư công và tiết kiệm chi thường xuyên để đầu tư cho các dự án trọng điểm được xem là một giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đặc biệt, những yếu tố then chốt để cải thiện môi trường kinh doanh là cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ điểm nghẽn thị trường bất động sản, thị trường vốn, thị trường trái phiếu. Bên cạnh đó, ông Phan Đức Hiếu chia sẻ Nghị quyết đã chỉ rõ tầm quan trọng của việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) công nghệ cao bằng cơ chế "luồng xanh" và tháo gỡ vướng mắc cho các dự án chậm tiến độ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.
Những yếu tố then chốt để cải thiện môi trường kinh doanh là cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ điểm nghẽn thị trường bất động sản, thị trường vốn, thị trường trái phiếu.
Nền tảng để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8%, Nghị quyết đã chỉ ra các động lực tăng trưởng. Cụ thể là phát huy động lực truyền thống (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu) và tạo động lực mới (khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số). Trong đó, Nghị quyết ưu tiên phát triển các ngành mới nổi (AI, dữ liệu lớn, công nghệ sinh học,...) đồng thời đẩy mạnh đào tạo nhân lực chất lượng cao và thu hút chuyên gia, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của nền kinh tế trong tương lai.
Về thương mại, đó là tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA), mở rộng thị trường xuất khẩu, đàm phán FTA mới là những giải pháp quan trọng để tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế. Nghị quyết cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ Việt Nam đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo chuyên gia Phan Đức Hiếu, điểm nhấn tại Nghị quyết lần này là việc phân cấp, phân quyền, khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, tạo không gian sáng tạo và bảo vệ cán bộ dám đổi mới. Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng đề xuất điều chỉnh bội chi ngân sách để tăng nguồn lực đầu tư phát triển, thể hiện quyết tâm chính trị cao để đạt được mục tiêu tăng trưởng.

Nghị quyết lần này là việc phân cấp, phân quyền, khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, tạo không gian sáng tạo và bảo vệ cán bộ dám đổi mới. (Ảnh: QH/Vietnam+)
Đòn bẩy cho kinh tế cất cánh
Ông Phan Đức Hiếu chia sẻ những kết quả kinh tế-xã hội đã đạt được trong năm 2024 là nền tảng quan trọng và đáng ghi nhận, thể hiện rõ nét công tác điều hành của Chính phủ cùng sự cố gắng, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước. Kết quả này đã tạo tiền đề cho năm 2025 nối tiếp đà tăng trưởng.
Nhìn lại năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để đạt được mức tăng trưởng ấn tượng 7,02%, vượt mục tiêu đề ra (6-6,5%). Đây là một thành công đáng trân trọng, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Theo ông Hiếu, bức tranh tăng trưởng tích cực hơn theo tháng, theo quý trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Sự kỳ vọng và niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân vào triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế tiếp tục được củng cố.
Cùng với các chỉ số kinh tế, công tác cải cách thể chế đã có những bước tiến mới, chưa có tiền lệ, như việc đưa Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở… có hiệu lực sớm hơn 5 tháng. Đây là hành động cụ thể, thể hiện tinh thần quyết liệt, khẩn trương, sớm đưa luật pháp, chính sách vào cuộc sống.
Bức tranh tăng trưởng tích cực hơn theo tháng, theo quý trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.
Việc tháo gỡ khó khăn tại dự án là cách nhanh nhất để đưa nguồn lực vào phát triển kinh tế-xã hội, song song với phát triển dự án mới. (Ảnh: Vietnam+)
"Quốc hội cũng không ngần ngại với vấn đề luật vừa ban hành đã phải sửa ngay, thay vào đó là tinh thần nếu có vướng mắc, phải giải quyết ngay; đã làm tốt rồi thì vẫn có thể làm tốt hơn," ông Hiếu nhấn mạnh.
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi, ít rủi ro là yếu tố then chốt cho mục tiêu tăng trưởng. Nhấn mạnh những yếu tố này, chuyên gia Phan Đức Hiếu chỉ ra việc tháo gỡ khó khăn tại dự án là cách nhanh nhất để đưa nguồn lực vào phát triển kinh tế-xã hội, song song với phát triển dự án mới.
"Rất mừng là từ cuối năm 2024 đến nay, Chính phủ thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các địa phương tập trung rà soát các dự án có khó khăn, vướng mắc, tồn đọng kéo dài, khẩn trương có giải pháp xử lý dứt điểm để triển khai ngay các dự án, không để lãng phí tài sản, tiền của nhà nước, doanh nghiệp, người dân và xã hội," ông Hiếu chia sẻ.
Hơn nữa, Quốc hội cũng rất khẩn trương, quyết liệt trong việc giám sát tối cao đồng thời đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản, nhà ở xã hội… Với những vấn đề cấp bách song chưa đủ điều kiện để đưa vào luật, Quốc hội đã sử dụng khái niệm "Nghị quyết thí điểm" để tháo gỡ cho doanh nghiệp.
Quyết tâm tăng tốc và bứt phá
Ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã xác định năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá và thể hiện tinh thần mạnh mẽ, quyết liệt, đột phá trên cơ sở đổi mới cả tư duy, cách nghĩ, cách làm và hành động, cả về tổ chức bộ máy đến nội dung nhiệm vụ, giải pháp và hành động cụ thể.
Trước đó, Nghị quyết 01/NQ-CP đã đề ra ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và có thặng dư cao.
"Có thể thấy giải pháp hàng đầu hiện nay là thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế thay vì hy sinh tăng trưởng để ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô như năm 2023. Những thông điệp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các hội nghị thậm chí đã không còn sử dụng từ ‘ưu tiên’ mà thay vào đó là "tăng tốc, bứt phá." Điều này thể hiện quyết tâm đã lớn hơn rất nhiều lần so với chủ trương, chính sách đặt ra," ông Phan Đức Hiếu nhận định.
Việc trình Quốc hội điều chỉnh tăng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 ở mức trên 8% càng thể hiện rõ hơn quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025.
Thêm vào đó, việc trình Quốc hội điều chỉnh tăng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 ở mức trên 8% càng thể hiện rõ hơn quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025, góp phần củng cố, tạo nền tảng vững chắc để đạt tăng trưởng 2 con số trong thời gian tiếp theo.
"Tôi tin rằng mục tiêu tăng trưởng mới được đề xuất có thể nhìn nhận như một áp lực để buộc các cơ quan phải hành động và hành động có kết quả. Việc hiện thực hóa không dễ và đòi hỏi cả hệ thống phải làm việc gấp đôi, gấp ba. Hơn nữa, chúng ta cứ tiếp tục chần chừ, không đặt mục tiêu như vậy thì sẽ không đủ quyết tâm để thực hiện," ông Hiếu nói.
Nhấn mạnh rằng tăng trưởng ở mức trên 8%, thậm chí 2 con số của Việt Nam là có tiềm năng, chỉ có điều, trước nay vẫn phần nào bị kìm hãm bởi điểm nghẽn thể chế. Theo đó, chuyên gia Phan Đức Hiếu khẳng định nếu cải cách thể chế tạo được kết quả đột phá, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện nhanh chóng, mạnh mẽ-thuận lợi hơn, hiệu quả hơn, ít rủi ro hơn-thì sẽ có đường băng rộng mở để nền kinh tế có thể "cất cánh.”
Chính phủ đã khẳng định ngay trong năm 2025 phải đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng hiệu quả quản lý. Trong đó, quản lý là cần thiết nhưng nhằm kiến tạo phát triển đồng thời dứt khoát loại bỏ tư duy "không quản được thì cấm." Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương, trên tinh thần đề cao phương pháp "quản lý theo kết quả," chuyển mạnh từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm" gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát. Chính phủ cũng quán triệt ưu tiên giải quyết các nguồn lực bị lãng phí, như quy hoạch treo, dự án vướng thủ tục, đất công không sử dụng, tài sản tranh chấp và các vụ án kéo dài...
Tuy nhiên, ông Phan Đức Hiếu có lưu ý về thách thức độ trễ chính sách, do đó cần phải tìm mọi cách để giảm thiểu độ trễ này nhằm tạo nhiều cơ hội kinh doanh nhanh hơn, đồng đều hơn. Các địa phương đã được trao quyền dám quyết, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sớm đưa chính sách vào cuộc sống và cần thúc đẩy nhanh chóng thành hành động cụ thể, bắt tay vào làm ngay.

Cải cách thể chế tạo được kết quả đột phá, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện nhanh chóng, mạnh mẽ-thuận lợi hơn, hiệu quả hơn, ít rủi ro hơn, sẽ có đường băng rộng mở để nền kinh tế có thể "cất cánh.” (Ảnh: Vietnam+)
Cơ hội kinh doanh đồng đều
Chuyên gia Phan Đức Hiếu phân tích cộng đồng doanh nghiệp rất cần môi trường đầu tư kinh doanh tốt với các quy định pháp luật rõ ràng, dễ tuân thủ với chi phí thấp, có tính tiên liệu cao, nhanh chóng thực hiện được các ý tưởng kinh doanh của mình và ít rủi ro. Theo ông, làm được điều này không chỉ ngay lập tức gia tăng niềm tin mà còn là nền tảng phát triển lâu dài, bền vững.
Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô vẫn còn nhiều bất định, kinh tế chính trị thế giới khó đoán định, cộng đồng doanh nghiệp đã, đang và sẽ phải chống chọi với những khó khăn hiện hữu không dễ giải quyết. Ông Hiếu nhấn mạnh một trong những "biến số" được nhắc tới nhiều nhất là kinh tế Mỹ và các chính sách mới của Tổng thống Donald Trump, có thể bao gồm những chính sách bảo hộ thương mại quyết liệt và xu hướng chuyển đầu tư về nước, đi kèm với đó là những biện pháp, rào cản kỹ thuật khắt khe hơn trên thị trường quốc tế. Điều này dẫn đến thách thức lớn nhất là nhu cầu thị trường thấp, tính cạnh tranh cao và để có thể cạnh tranh được trên thị trường xuất khẩu, việc tôn trọng chuẩn mực kinh doanh quốc tế rất quan trọng.
Cộng đồng doanh nghiệp rất cần môi trường đầu tư kinh doanh tốt với các quy định pháp luật rõ ràng, dễ tuân thủ với chi phí thấp, có tính tiên liệu cao, nhanh chóng thực hiện được các ý tưởng kinh doanh của mình và ít rủi ro.
Theo đó, ông Hiếu cho rằng bên cạnh vai trò to lớn, trụ cột của các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu đàn thì doanh nghiệp nhỏ và vừa có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, nhất là tạo việc làm, thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân… Do đó, Chính phủ nên xem xét để có chính sách hỗ trợ kết nối những doanh nghiệp đầu tàu với những doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc tiếp cận thị trường, tạo đầu ra cho sản xuất, kinh doanh. Cụ thể có thể dùng chính sách thuế để thúc đẩy sự liên kết này. Thêm vào đó, Chính phủ cần xác định rõ hơn đâu là giải pháp quan trọng bổ sung hoặc thay đổi so với trước đây để đảm bảo có thể tăng trưởng thêm 1%, như thông qua thúc đẩy tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đầu tư. Việc rà soát để tiếp tục thực hiện, kéo dài thêm chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí… là rất cần thiết.
Trên những phân tích này, chuyên gia Phan Đức Hiếu nhận định Nghị quyết của Quốc hội về việc bổ sung mục tiêu tăng trưởng 8% vào năm 2025 là một tín hiệu tích cực, thể hiện quyết tâm cao độ của Nhà nước trong việc đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Để hiện thực hóa mục tiêu này, cần có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội.
“Hy vọng rằng với những giải pháp được đề ra và sự nỗ lực không ngừng nghỉ của tất cả các bên liên quan, Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% vào năm 2025, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững trong tương lai,” ông Hiếu nói./.

Nghị quyết của Quốc hội về việc bổ sung mục tiêu tăng trưởng 8% vào năm 2025 là một tín hiệu tích cực, thể hiện quyết tâm cao độ của Nhà nước trong việc đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa. (Ảnh: Vietnam+)