Gây nhiễu loạn thông tin - một hành vi 'đục nước béo cò'

Dường như đã thành lệ, mỗi khi nước ta diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng, như: Đại hội đảng các cấp, bầu cử đại biểu Quốc hội... một số đối tượng bất mãn, cơ hội chính trị, thù địch lại đẩy mạnh các hoạt động chống phá.

Họ dùng mọi thủ đoạn, xuyên tạc, bịa đặt gây nhiễu loạn thông tin hòng làm hoang mang tư tưởng của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, kích động, chia rẽ nội bộ, làm giảm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Qua đó nhằm gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, hướng lái dư luận để thực hiện ý đồ từng bước đưa nước ta đi chệch khỏi con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Họ cũng lợi dụng vào hành vi xuyên tạc này để “thuận nước đẩy thuyền”, trục lợi về mặt kinh tế từ mạng xã hội, dạng như “đục nước béo cò”.

Để đạt được mục tiêu đó, các đối tượng bất mãn, cơ hội chính trị, thù địch ra sức xuyên tạc, phủ nhận Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Họ triệt để lợi dụng, khoét sâu vào những hạn chế, thiếu sót trong thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hiện tượng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, lợi dụng các vụ việc đơn lẻ trong nước để xuyên tạc về Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Họ thường tìm cách xuyên tạc chủ trương, chính sách cán bộ của Đảng, Nhà nước và công tác nhân sự của đại hội đảng các cấp, bộ máy của hệ thống chính trị. Một mặt, họ ra sức tuyên truyền, ca ngợi chủ nghĩa tư bản, cổ xúy cho chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng. Họ tâng bốc về chủ nghĩa tư bản, rồi chủ quan cho rằng nước ta cần phải đi theo con đường đó thì mới có “tương lai”... Một thủ đoạn khác đó là, họ tìm mọi cách để xuyên tạc, bôi nhọ danh dự, uy tín của cán bộ, nhất là những người dự kiến tham gia cấp ủy các cấp khóa mới; đưa ra nhận xét, bình phẩm một cách chủ quan, phiến diện về trình độ, năng lực, đạo đức, lối sống của các ứng viên này. Khi muốn “hạ bệ” cá nhân nào, họ sẽ tập trung khoét sâu vào những hạn chế, khuyết điểm ở những ngành, những lĩnh vực mà cá nhân đó phụ trách; rồi quy kết trách nhiệm hoặc tìm cách dựng chuyện, bịa đặt, bóp méo bản chất của các vụ việc liên quan đến các cán bộ chủ trì, dự kiến trong quy hoạch nhân sự đại hội. Thực hiện ý đồ này là nhằm gây mâu thuẫn trong nội bộ, tìm cách hạ thấp ý nghĩa, vai trò của đại hội đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp.

Để tạo ra thông tin xuyên tạc, gây nhiễu loạn, các đối tượng bất mãn, cơ hội chính trị thường cắt ghép, dàn dựng theo kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, rồi lợi dụng sự hoạt khẩu để bình luận, đưa đẩy, hướng lái người nghe, người xem vào những mê cung thông tin để phục vụ cho mưu đồ xấu. Họ thường kết hợp giữa những thông tin có thật với sự kiện không có trong thực tế để làm lẫn lộn đúng-sai, thật-giả; ngụy tạo thông tin, hòng gây tâm lý hoang mang trong xã hội.

Về phương tiện, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng một số chương trình phát thanh, truyền hình nước ngoài phát tiếng Việt để sử dụng các chiêu trò như phỏng vấn, bình luận với sự tham gia của những người được gọi là “nhà nghiên cứu”, “chuyên gia”... Đồng thời, họ lập ra hàng nghìn trang web, blog, hàng trăm tạp chí, báo, nhà xuất bản, đài phát thanh... để đăng tải, xuất bản các bài viết, đoạn phim có nội dung thông tin sai lệch, xuyên tạc, nhiễu loạn nhằm chống phá Việt Nam. Họ triệt để lợi dụng thế mạnh của internet, mạng xã hội, nhất là tính năng livestream của Facebook để tuyên truyền, kích động, lôi kéo, thu hút người nghe, người xem. Hiện nay, họ đã tiến tới việc sử dụng một số người nhẹ dạ cả tin hoặc vì lợi ích kinh tế đứng ra làm “chim mồi”, rồi đóng vai “nhân chứng” phụ họa cho các thông tin xuyên tạc.

Chủ thể tiến hành hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, gây nhiễu loạn thông tin gồm nhiều đối tượng, trong đó, lực lượng giữ vai trò chủ đạo là các phần tử cơ hội chính trị, bất mãn, các tổ chức phản động, thù địch ở nước ngoài. Thực tế, đã có một số người dân do nhận thức lệch lạc, thiếu thông tin hoặc vì động cơ, mục đích cá nhân như: Nhằm câu like, câu view, tìm cách gây sự chú ý trên mạng hoặc phục vụ việc bán hàng online... nên đã hùa theo, vô hình trung cổ vũ, lan tỏa những thông tin sai lệch.

Về mặt chủ quan, chúng ta cũng nhận thấy, còn có cán bộ, đảng viên lơ là, mất cảnh giác, lúng túng trong nhận diện và đấu tranh, ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để kẻ địch lợi dụng kẽ hở và thực hiện mưu đồ tuyên truyền, xuyên tạc chống phá Nhà nước. Việc tuyên truyền, phản bác lại các quan điểm sai trái, thù địch có nơi, có lúc còn hình thức, chưa đa dạng, phong phú về nội dung, thiếu độ sắc bén, tính thuyết phục chưa cao. Việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước tại một số địa phương còn sơ hở, thiếu sót. Thực tế là cũng có một bộ phận cán bộ, đảng viên ở cấp cơ sở còn quan liêu, tham nhũng, cửa quyền, hách dịch với người dân. Việc giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện ở một số nơi còn chậm, kéo dài, vượt cấp, gây bức xúc trong nhân dân... Đó là những yếu tố mà các đối tượng xấu triệt để lợi dụng để tuyên truyền thông tin nhiễu loạn, xuyên tạc.

Vì vậy, chúng ta cần xác định, cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng, chống lại các thế lực thù địch, phản động là nhiệm vụ mang tính cấp bách, thường xuyên, liên tục, lâu dài của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân. Đó là việc làm rất cần thiết, cần phải được thực hiện thống nhất, rốt ráo để bảo vệ thành quả cách mạng mà Đảng và nhân dân ta đã dày công xây dựng. Do vậy, công tác này luôn phải được đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, Nhà nước nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, xây nên “bức tường thành” về tư tưởng. Muốn vậy, chúng ta cần chủ động xử lý hiệu quả những vấn đề mới nảy sinh, những bức xúc, nổi cộm ngay từ cơ sở, đặc biệt ở những địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh chính trị, có nguy cơ phát sinh “điểm nóng” để kịp thời triệt nguồn thông tin xấu ngay từ khi manh nha.

Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền đối nội và tuyên truyền đối ngoại làm cho cộng đồng quốc tế, kiều bào ta ở nước ngoài hiểu đúng về những thành tựu của đất nước đã đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Tăng cường công tác tuyên truyền cũng là để nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trước những hành vi xuyên tạc, gây nhiễu loạn thông tin của các thế lực thù địch, phản động, từ đó thúc đẩy mọi người tự giác tham gia vào công tác phòng ngừa, đấu tranh, đồng thời trang bị cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân khả năng nhận diện và “miễn dịch” trước các nội dung thông tin xấu độc, nguy hại.

Cán bộ ở cơ sở phải hướng dẫn, giúp đỡ người dân tiếp cận những thông tin chính thống, tin cậy về tình hình trong nước, nhất là các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ quyền con người; chủ động phát hiện, kịp thời đấu tranh phê phán, phản bác những bài viết, thông tin có nội dung xuyên tạc, nhiễu loạn ở nước ta...

Phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn hoạt động tuyên truyền thông tin nhiễu loạn, xuyên tạc là cuộc chiến đầy khó khăn, thách thức, nhưng là nhiệm vụ dứt khoát phải tiến hành. Thực hiện tốt những giải pháp nêu trên là để góp phần ngăn chặn có hiệu quả các chiêu trò hòng phá hoại tư tưởng trước thềm đại hội đảng các cấp, giữ vững an ninh chính trị, đồng thời loại bỏ những kẻ “đục nước béo cò” cả ở trong và ngoài nước.

QUỐC AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cuoc-thi-bao-chi-bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang-trong-tinh-hinh-moi/gay-nhieu-loan-thong-tin-mot-hanh-vi-duc-nuoc-beo-co-815966
Zalo