Gàu da đầu do đâu và cách khắc phục

Gàu là tình trạng hiện tượng rối loạn ở da đầu, tạo thành các vảy trắng nằm rải rác khắp tóc và da đầu. Nguyên nhân gây ra gàu thường là do yếu tố sinh lý và yếu tố bệnh lý.

Mặc dù gàu không lây nhiễm và không nghiêm trọng nhưng tình trạng gàu nhiều sẽ gây phiền toái trong sinh hoạt và đôi khi khó điều trị.

Gàu cũng có khi là sự hoạt động bình thường của các lớp da, hay do dầu gội, được gọi là gàu không do bệnh lý. Tuy nhiên, gàu cũng có thể là biểu hiện của một bệnh lý trên cơ thể. Có thể phân biệt hai tình trạng này dựa vào nguyên nhân.

Gàu là tình trạng da đầu mạn tính, được đánh dấu bởi ngứa và bong da trên da đầu.

Gàu là tình trạng da đầu mạn tính, được đánh dấu bởi ngứa và bong da trên da đầu.

Gàu da đầu không do bệnh lý

Khô da: Là tình trạng hay gặp trong mùa đông. Mảnh từ da khô thường nhỏ hơn và ít dầu hơn so với những nguyên nhân khác của gàu.

Do da nhờn: Chất nhờn được tuyến bã tiết ra nhiều khi bắt đầu tuổi dậy thì. Khi chất nhờn tiết ra nhiều thì đồng thời cũng tăng xuất hiện gàu nhiều ở vùng da đầu phía trước. Vảy trắng, mỏng, đôi khi thành hẳn một lá to, ẩm ướt, sờ vào thấy nhờn. Sau khi gội đầu khoảng 2 ngày trở ra nhiều người thấy ngứa ngáy khó chịu.

Do dùng dầu gội không phù hợp với tuyến mồ hôi da đầu: Việc ngày nào cũng gội đầu, sử dụng dầu gội có chất tẩy mạnh, dùng lượng dầu gội một lần nhiều quá mức cần thiết... đã vô tình tẩy hết lớp ceramide bảo vệ trên da đầu tạo điều kiện cho các vi khuẩn và vi nấm ký sinh trên da đầu sinh sôi phát triển và trở thành tác nhân gây bệnh. Da đầu ngứa, có nhiều gầu trắng, nhỏ, vụn, đôi khi kèm theo rụng tóc.

Do ít gội đầu: Việc không gội đầu thường xuyên, hoặc quá thưa (trên 1 tuần mới gội 1 lần) cũng gây ngứa và có nhiều gầu trên da đầu. Việc để lâu quá không gội thì các tế bào chết sẽ tích tụ lại cộng với mồ hôi tạo thành các vảy gây bít tắc các lỗ nang lông làm cản trở hô hấp qua da làm cho da đầu dễ mắc bệnh.

Để tóc còn ướt khi ngủ: Không ít người có thói quen tắm trễ vào buổi tối và lười không sấy khô tóc trước khi đi ngủ nên da đầu bị ẩm ướt, vi khuẩn, nấm ký sinh có điều kiện sinh sôi, phát triển, gây gàu.

Dùng hóa chất: Da đầu tiếp xúc nhiều với các hóa chất duỗi, uốn, nhuộm lâu ngày sẽ dễ làm tắc nghẽn chân tóc không sản xuất dầu tự nhiên, khiến da đầu khô và sản sinh ra gàu. Ngoài ra còn gây tình trạng viêm da đầu tạo mảng da sưng tấy, nổi đỏ.

Gàu da đầu do bệnh lý

Mắc nấm đầu: Các chủng nấm khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ sinh sôi phát triển và gây bệnh. Các sợi nấm có khả năng tiêu được chất sừng có trên bề mặt da, móng và tóc. Khi gây bệnh trên đầu chúng sẽ gây bong da trên đầu tạo thành những mảng trắng trông giống như gàu, nền da đỏ, có bờ sẩn mọc xung quanh đám tổn thương. Có thể kèm theo rụng tóc hoặc gãy tóc. Tổn thương tạo thành từng mảng trên da đầu. Bệnh nấm này có thể lây từ người sang người.

Bệnh viêm da tiếp xúc: Một số trường hợp dùng dầu gội hoặc thuốc nhuộm tóc, uốn tóc, các loại keo xịt tóc... rồi dị ứng với một thành phần nào đó có trong các chế phẩm này mà mắc bệnh viêm da tiếp xúc. Các thể nặng thì có thể gây tiết dịch, chảy nước, mụn nước, mụn mủ cần phải đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu. Các trường hợp nhẹ, không có tổn thương rầm rộ trên da mà chỉ hơi ngứa và bong vảy da nhẹ trên đầu trông giống như có nhiều gàu.

Bệnh viêm da tiết bã: Viêm da tiết bã không chỉ ảnh hưởng đến da đầu mà còn gây tổn thương ở các vùng da tiết nhiều chất nhờn như da đầu phía trước, đầu 2 lông mày, 2 cạnh bên của mũi, sau tai, phía trước ngực và phía sau lưng. Trên da đầu người lớn có vảy bong dày, vảy có màu trắng hoặc hơi ngả vàng, có thể khô hoặc hơi ẩm ướt.

Bệnh vảy nến: Rất nhiều người mắc bệnh vảy nến với khởi đầu là bong da ở trên đầu. Nhiều trường hợp bệnh chỉ tồn tại trên da đầu suốt đời hoặc một thời gian rất dài. Vảy trắng mủn như khảm xà cừ, bong nhiều hoặc có thể đóng thành lớp dày. Nền da phía dưới đỏ hoặc có thể sần lên kèm theo ngứa.

Hãy kiểm soát căng thẳng thật tốt để giúp cơ thể khỏe mạnh, tránh các bệnh về sức khỏe tinh thần và hạn chế được tình trạng gàu khó chịu.

Hãy kiểm soát căng thẳng thật tốt để giúp cơ thể khỏe mạnh, tránh các bệnh về sức khỏe tinh thần và hạn chế được tình trạng gàu khó chịu.

Biện pháp khắc phục

Để giảm tình trạng gàu, người dân nên thực hiện như sau:

Đối với các trường hợp gàu không do bệnh lý thì không nên gội đầu quá nhiều, mà chỉ nên gội 2-3 lần/tuần. Với gàu do bệnh lý, thì cần đi khám bác sĩ để có chỉ định về dầu gội hoặc dùng thuốc cụ thể. Không tùy tiện dùng thuốc, dùng không đúng sẽ không khỏi bệnh và làm tình trạng bệnh của da đầu ngày càng nặng hơn.
Không tùy tiện dùng dầu gội, đặc biệt là các loại dầu không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Không lạm dụng thuốc nhuộm, uốn ép tóc hoặc sử dụng quá nhiều gel vuốt tóc, dễ gây tổn thương da đầu.
Hãy kiểm soát căng thẳng thật tốt để giúp cơ thể khỏe mạnh và tránh các bệnh về sức khỏe tinh thần và hạn chế được tình trạng gàu khó chịu.
Thực hiện chế độ dinh dưỡng lành mạnh, nên uống đủ nước mỗi ngày, ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi.

BS. Vũ Khanh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/gau-da-dau-do-dau-va-cach-khac-phuc-169240920151428562.htm
Zalo