Gặp mặt các cán bộ, chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày và trực tiếp tham gia làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975
Hòa trong không khí hào hùng của những ngày tháng Tư lịch sử, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 (1975–2025), sáng 23/4, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang long trọng tổ chức gặp mặt cán bộ, chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày và những người trực tiếp tham gia làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975 tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.
Dự gặp mặt có đồng chí Nguyễn Văn Gấu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh. Cùng dự có các đồng chí: Nghiêm Xuân Hưởng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Văn Tuấn, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Bắc Giang; các đồng chí lãnh đạo đại diện các sở, ban, ngành, đơn vị trong tỉnh. Đặc biệt, dự buổi gặp mặt có 300 đại biểu là cán bộ, chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày và những người trực tiếp tham gia làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975 tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.

Các đại biểu dự buổi gặp mặt.
"Trước quân thù, khóc là hèn, van xin là yếu đuối"
Trong số 300 cựu chiến binh đến dự buổi gặp mặt có không ít người là thương binh nặng, có người mất chân, tay, có người hỏng mắt, người phải dùng xe lăn, mang theo đôi nạng. Tuy sức yếu nhưng được gặp lại đồng đội cùng chung chiến hào, từng vào sinh ra tử nơi chiến trường cũng như trong nhà tù của địch, ai nấy đều bồi hồi, xúc động.
Trò chuyện cùng thương binh nặng Nông Viết Sơn (sinh năm 1942), thôn Đồn Cầu Bằng, xã Hương Sơn (Lạng Giang) được biết, ông nhập ngũ năm 1965, tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên. Năm 1967, trong trận đánh tại Khe Sanh, địch dùng pháo rải thảm trên trận địa, đồng đội hy sinh nhiều, ông Sơn bị thương ở chân và sườn phải, mất nhiều máu nên ngất đi. Sau khi tỉnh dậy, ông bị địch bắt và giam tại nhà tù Phú Tài, tỉnh Bình Định, sau đó trải qua nhiều nhà tù khác ở Phú Quốc, Biên Hòa… Tại các nhà tù, địch dùng nhiều hình thức tra tấn… Những lần tra tấn ông, chúng đều thực hiện trước mặt đồng đội nhằm làm giảm ý chí chiến đấu của các chiến sĩ của ta. Tuy đau đớn đến tận cùng về thể xác nhưng ông Sơn kiên quyết không khai, không kêu than, bởi theo ông “trước quân thù khóc là hèn, van xin là yếu đuối; nước mắt chỉ rơi trước niềm vui của gia đình, quê hương, đất nước”.
Đến dự buổi gặp mặt có bà Nguyễn Thị Tới (94 tuổi), tổ dân phố Phú Mỹ, phường Dĩnh Kế (thành phố Bắc Giang). Năm 1951, bà tham gia lực lượng du kích tại địa phương. Trong trận càn năm 1952, bà Tới bị thực dân Pháp bắt đưa ra nhà tù Côn Đảo, sau đó đưa về nhà tù Hỏa Lò. Năm 1954, khi Pháp thất bại, các chiến sĩ cách mạng được trả tự do. Bà Tới trở về địa phương tiếp tục tham gia công tác. Những năm sau đó, bà đã trở thành hậu phương vững chắc để chồng và 3 người con lên đường chiến đấu tại chiến trường miền Nam và bảo vệ biên giới phía Nam, phía Bắc của Tổ quốc.

Đồng chí Nguyễn Văn Gấu thăm hỏi, động viên các đại biểu.
Tại buổi gặp mặt, thông qua những câu chuyện cảm động của những cựu chiến binh từng bị giam cầm trong nhà tù địch, các đại biểu càng cảm phục về tinh thần bất khuất, kiên trung của lớp lớp cha ông. Năm 1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, những người tù cách mạng, sau bao năm tháng bị giam hãm, tra tấn tàn bạo, đã được trở về trong vòng tay của Đảng, Nhân dân và gia đình.
Hòa bình lập lại, non sông liền một dải, khi trở về đời thường, các chiến sĩ cách mạng đã không cam chịu đói nghèo, hăng say lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc. Bằng những kinh nghiệm thực tế và bản lĩnh được tôi luyện trong chiến đấu, những cán bộ, chiến sĩ bị địch bắt tù đày nói riêng và người có công nói chung tiếp tục cống hiến sức lực của mình tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền, chế độ xã hội chủ nghĩa, được cấp ủy, chính quyền các cấp ghi nhận, Nhân dân yêu mến, tín nhiệm.
Vừa là hậu phương, vừa là tiền tuyến
Tại buổi gặp mặt, các đại biểu cùng ôn lại truyền thống cách mạng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trường kỳ và gian khổ của dân tộc, tỉnh Bắc Giang đã phát huy vai trò to lớn, toàn diện, vừa là hậu phương vững chắc, vừa là tiền tuyến kiên cường. Từng người dân, từng tấc đất nơi đây đều in đậm dấu ấn của lòng yêu nước, tinh thần cách mạng và khát vọng cháy bỏng về một đất nước thống nhất, độc lập, tự do.
Với vị trí địa lý chiến lược, Bắc Giang là điểm trung chuyển quan trọng của các tuyến giao thông huyết mạch từ Bắc vào Nam. Trong suốt những năm tháng kháng chiến, tỉnh Bắc Giang đã trở thành một trong những hậu phương chiến lược lớn của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, dồn toàn lực, toàn dân, toàn quân cho mục tiêu thiêng liêng: “Tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.
Các phong trào thi đua như “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” phát triển mạnh mẽ, trở thành động lực tinh thần to lớn lan tỏa đến mọi tầng lớp Nhân dân. Hàng chục nghìn dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong, dân quân du kích, y bác sĩ, giáo viên, kỹ sư… từ Bắc Giang đã lên đường ra chiến trường, phục vụ hậu cần, tải đạn, tải lương, mở đường, bảo vệ cầu cống, giữ vững mạch máu giao thông giữa hậu phương và tiền tuyến. Họ là những chiến sĩ không mang quân hàm, là những người hùng thầm lặng góp phần bảo đảm cho mỗi chiến dịch giành thắng lợi.
Không chỉ là hậu phương vững chắc, Bắc Giang còn là tiền tuyến, chắc tay súng chống lại chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân của đế quốc Mỹ. Trong suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân Bắc Giang đã hiệp đồng tác chiến chặt chẽ, chiến đấu dũng cảm, bắn rơi 162 máy bay Mỹ, bắt sống nhiều giặc lái, vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Cờ luân lưu “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Hơn 80 nghìn thanh niên ưu tú của Bắc Giang đã lên đường nhập ngũ, chiến đấu trên khắp các chiến trường ác liệt từ Trị Thiên, Tây Nguyên đến đồng bằng Nam Bộ, trong đó hơn 8 nghìn người đã trực tiếp chiến đấu, tham gia phục vụ chiến đấu, góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975. Gần 1 nghìn cán bộ, chiến sĩ của tỉnh đã bị địch bắt, tù đày, giam giữ tại các nhà tù khét tiếng như Côn Đảo, Phú Quốc, Chí Hòa…
Tiếp nối truyền thống anh hùng
Phát biểu tại buổi gặp mặt, đồng chí Mai Sơn khẳng định, bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu xương, Nhân dân Bắc Giang đã tô đậm thêm những trang sử vàng chói lọi trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc nói chung và trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nói riêng.

Đồng chí Mai Sơn phát biểu tại buổi gặp mặt.
Đến nay, toàn tỉnh có trên 160 nghìn người có công với cách mạng, trong đó có hơn 1.400 mẹ liệt sĩ đã được Chủ tịch nước phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự nhà nước "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng"; 20 Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 180 cán bộ lão thành cách mạng; hơn 400 cán bộ tiền khởi nghĩa; gần 21 nghìn liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường; hơn 15 nghìn thương binh; gần 7 nghìn bệnh binh và quân nhân xuất ngũ; hơn 7 nghìn người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ được giải quyết hưởng chế độ nạn nhân chất độc da cam; gần 110 nghìn người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế.
Các anh hùng liệt sĩ, các đồng chí thương binh, bệnh binh đã đem máu đào nhuộm đỏ thêm màu cờ Tổ quốc, làm xanh thắm thêm ruộng vườn quê hương. Những chiến sĩ may mắn trở về đã vượt qua khó khăn về sức khỏe, bệnh tật, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ, nỗ lực vươn lên lao động sản xuất, tham gia các hoạt động xã hội và làm tốt trách nhiệm công dân nơi cư trú, trong đó có nhiều người đã trở thành người có uy tín trong cộng đồng, là tấm gương để thế hệ trẻ noi theo.
Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang, đồng chí Mai Sơn bày tỏ lòng biết ơn vô hạn tới các thế hệ cán bộ, chiến sĩ cách mạng đã hy sinh, cống hiến vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Các đồng chí chính là niềm tự hào của quê hương Bắc Giang anh hùng, là những tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa yêu nước và ý chí cách mạng cho các thế hệ noi theo.
Năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; đồng thời kỷ niệm nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, đồng chí Mai Sơn đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, các ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục nghiên cứu, tham mưu xây dựng chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chụp ảnh cùng các đại biểu chiến sĩ cách mạng.
Đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm trong thế hệ trẻ. Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; tập trung nâng cao đời sống Nhân dân cả về vật chất và tinh thần. Các ngành, địa phương phải chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tận dụng tốt thời cơ, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển toàn diện. Đặc biệt chú trọng đến các lĩnh vực y tế, giáo dục, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và chuyển đổi số để người dân thực sự được hưởng thành quả của cách mạng.
Củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Chủ động nắm chắc tình hình, không để bị động, bất ngờ; nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng, chống các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, độc lập, chủ quyền của Tổ quốc trong mọi tình huống.
Đồng chí tin tưởng rằng, với sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của Nhân dân, đặc biệt là sự tiếp nối truyền thống cách mạng kiên cường, trên hành trình phát triển mới, tỉnh Bắc Giang vẫn sẽ giữ vững những giá trị đặc trưng, bản sắc truyền thống tốt đẹp của quê hương, đồng thời hội nhập mạnh mẽ, tiếp tục vươn xa, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước.