Ngoại giao Việt Nam trong 50 năm thống nhất đất nước: Hành trình kiến tạo hòa bình, phát triển dân tộc
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), ngày 23/4, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội thảo quốc tế '50 năm thống nhất đất nước: Vai trò kiến tạo hòa bình của ngoại giao trong lịch sử và hiện tại'. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Lương Cường đến dự và phát biểu tại hội thảo.
Ngoại giao góp phần làm nên thắng lợi
Phát biểu dẫn đề tại Hội thảo, Chủ tịch nước Lương Cường nhấn mạnh, với Việt Nam, chiến thắng 30/4/1975 là một sự kiện vô cùng trọng đại trong lịch sử dân tộc - đất nước hoàn toàn thống nhất, non sông thu về một mối; dân tộc Việt Nam bước vào một kỷ nguyên lịch sử mới - kỷ nguyên độc lập, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Nhấn mạnh trong chiến thắng lịch sử đó có đóng góp to lớn của ngoại giao Việt Nam, Chủ tịch nước khẳng định, nhìn lại lịch sử cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam, chúng ta càng nhận thức rõ ràng hơn về vai trò rất quan trọng của công tác ngoại giao.

Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu đề dẫn tại Hội thảo. (Ảnh: VGP)
Đặc biệt khi Bộ Chính trị năm 1969 ban hành Nghị quyết xác định “Ngoại giao đã trở thành một mặt trận quan trọng, có ý nghĩa chiến lược” thì ngoại giao đã trở thành công cụ quan trọng, góp phần phân hóa kẻ địch, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế và lan tỏa tính chính nghĩa về cuộc đấu tranh của Nhân dân Việt Nam tới thế giới. Tầm nhìn và tư duy sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác đối ngoại đã được đưa ra đúng thời điểm, rất phù hợp với bối cảnh quốc tế khi đó.
Bên cạnh đó, vai trò kiến tạo hòa bình của ngoại giao Việt Nam cũng được thể hiện xuyên suốt các giai đoạn lịch sử, từ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước đến xây dựng và phát triển đất nước trong thời bình. Ngoại giao đã góp phần quan trọng trong tái thiết đất nước, triển khai thắng lợi đường lối đối ngoại thời kỳ Đổi mới, mở ra cục diện đối ngoại thuận lợi cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chủ tịch nước chỉ rõ ngoại giao đã góp phần quan trọng trong tái thiết đất nước, triển khai thắng lợi đường lối đối ngoại thời kỳ Đổi mới, mở ra cục diện đối ngoại thuận lợi cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ một nước bị bao vây, cô lập, Việt Nam nay đã có quan hệ ngoại giao với 194 nước, thiết lập được mạng lưới 34 nước có quan hệ đối tác toàn diện trở lên, trong đó có đầy đủ các nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, toàn bộ các thành viên G7, 18/20 nền kinh tế G20, tất cả các nước ASEAN.

Chủ tịch nước Lương Cường và Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu dự hội thảo. (Ảnh: VGP)
Trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến nhiều thay đổi bước ngoặt, có tính lịch sử, Chủ tịch nước nêu rõ Việt Nam nhận thức sâu sắc rằng tương lai, vận mệnh của đất nước gắn liền với hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới; đồng thời nhấn mạnh bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển giàu mạnh, thịnh vượng, Việt Nam nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; nhất quán chính sách quốc phòng “4 không”; sẵn sàng đóng góp tích cực và chủ động vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu và nền văn minh nhân loại.
Chủ tịch nước kỳ vọng hội thảo do Bộ Ngoại giao tổ chức sẽ góp phần nhìn nhận, làm rõ những nhân tố, bài học, vai trò, và những đóng góp to lớn, nổi bật của ngoại giao Việt Nam trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất và phát triển đất nước. Đồng thời, gợi mở những hướng đi thiết thực để Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế chung tay kiến tạo và gìn giữ hòa bình bền vững ở khu vực và trên thế giới.
Chủ tịch nước nhấn mạnh Kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc là một sự kiện chính trị trọng đại, là thắng lợi mang ý nghĩa lịch sử của dân tộc Việt Nam, đồng thời cũng là thắng lợi chung của Nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới; thể hiện khát vọng hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc. Năm tháng dù trôi qua, tính thời đại và thời sự sâu sắc của “câu chuyện Việt Nam” vẫn vẹn nguyên, tỏa sáng những giá trị cao đẹp của hành trình tìm kiếm hòa bình bền vững, đối thoại, hàn gắn vết thương chiến tranh, hòa hợp dân tộc, tái thiết, phát triển.
Vươn tầm đóng góp cho hòa bình thế giới
Trước đó, phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, cách đây tròn 50 năm, thắng lợi lịch sử của Chiến dịch Hồ Chí Minh đã kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên “độc lập - thống nhất - hòa bình và phát triển” cho dân tộc Việt Nam
Trong hành trình ấy, ngoại giao đã đóng vai trò hết sức quan trọng. Ngoại giao đã kết hợp với quân sự, chính trị, tạo ra thế trận “vừa đánh vừa đàm”, huy động sức mạnh tổng hợp của dân tộc.

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc Hội thảo. (Ảnh: VGP)
Từ Hội nghị Geneva năm 1954 đến Hiệp định Paris năm 1973, những thỏa thuận lịch sử trên bàn đàm phán đã tạo mở ra những cơ hội để giành độc lập, kết thúc chiến tranh, tiến tới thống nhất đất nước.
Ngoại giao Việt Nam đã khẳng định trí tuệ, bản lĩnh của một dân tộc yêu chuộng hòa bình và nêu cao tư tưởng hòa hiếu, khoan dung và nhân văn sâu sắc; tranh thủ sức mạnh của ba dòng thác cách mạng, huy động được sự ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa và mặt trận quốc tế rộng rãi ủng hộ sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
Từ bài học trong cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ trật tự quốc tế công bằng, bình đẳng dựa trên luật pháp quốc tế, nâng tầm đóng góp của Việt Nam vào việc bảo đảm an ninh và kiến tạo hòa bình trên thế giới.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng bày tỏ sự tri ân sâu sắc những đóng góp to lớn của các thế hệ cán bộ ngoại giao tiền bối, như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cố vấn Lê Đức Thọ, Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình... nhiều thế hệ lãnh đạo và cán bộ ngoại giao, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã góp phần làm nên sự thắng lợi lịch sử này. Đồng thời, bày tỏ cảm ơn sự có mặt của các nhân chứng lịch sử, bạn bè quốc tế, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, bạn bè quốc tế đã đóng góp vào công cuộc tái thiết, xây dựng lại Việt Nam…
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, nhân chứng lịch sử trong và ngoài nước đã chia sẻ nhiều bài học kinh nghiệm từ quá khứ đến hiện tại, xoay quanh vai trò lãnh đạo của Đảng trong chiến thắng 30/4/1975, đóng góp của ngoại giao trong chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, thống nhất đất nước.
Các ý kiến nhấn mạnh sự phối hợp hiệu quả giữa quân sự và ngoại giao trong Tổng tiến công mùa Xuân 1975, đồng thời rút ra những bài học cho công tác đối ngoại hiện nay. Các đại biểu cũng phân tích vai trò tiên phong của ngoại giao trong kiến tạo môi trường hòa bình, nâng cao vị thế đất nước, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong hàn gắn chiến tranh, hòa hợp dân tộc. Nhiều sáng kiến và định hướng cụ thể đã được đề xuất, đóng góp thiết thực cho công cuộc gìn giữ hòa bình, ổn định khu vực và quốc tế.